28/11/2024

Yêu cháu theo cách của ai ?

Chưa kịp phát huy “một bồ” kinh nghiệm nuôi trẻ con ra để áp dụng thì bà ngoại đã vấp phải sự “lệch pha” trong cách chăm trẻ giữa bà và mẹ.

 

Yêu cháu theo cách của ai ?

 

 

Chưa kịp phát huy “một bồ” kinh nghiệm nuôi trẻ con ra để áp dụng thì bà ngoại đã vấp phải sự “lệch pha” trong cách chăm trẻ giữa bà và mẹ.

 

 

Yêu cháu theo cách của ai ?Minh họa: DAD
Con gái lấy chồng định cư ở châu Âu, mới sinh con đầu lòng nên rước bà ngoại sang trông cháu.
Mong đợi mãi được ẵm cháu nhưng con gái cứ học hành, lo sự nghiệp nên qua 30 tuổi mới cho bà ngoại được thoả nguyện. Bà đếm từng tháng, từng ngày từ khi con gái thông báo có bầu cho đến ngày lên máy bay sang nhìn thấy cháu cưng.
Khỏi phải nói bà ngoại hồ hởi được chăm cháu thế nào! Bao nhiêu yêu thương, mong ngóng bấy lâu nay cứ sôi lên sùng sục, sốt lên sình sịch để thể hiện tình bà cháu ra bằng hành động.
Thế nhưng, chưa kịp phát huy “một bồ” kinh nghiệm nuôi trẻ con ra để áp dụng thì bà ngoại đã vấp phải sự “lệch pha” trong cách chăm trẻ giữa bà và mẹ.
Sữa Tây và sữa mẹ
Ngay từ khi còn ở trong nước, bà ngoại đã hí hửng “may mà cháu mình sinh ở bên Tây nên cũng sướng, sữa ngoại vừa chất lượng, vừa giá rẻ, tha hồ cháu bà được bồi bổ dinh dưỡng, chẳng mấy chốc mà to như Tây ấy!”. Nào ngờ, cái “lợi thế” to tát như thế mà mẹ nó lại thờ ơ, chẳng hào hứng gì: “Sữa con nhiều và tốt lắm, việc gì phải cho cháu bổ sung bằng sữa ngoài. Không có sữa nào tốt bằng sữa mẹ cả”. Bà làm mặt giận, làm mình làm mẩy kiểu gì mẹ nó cũng “bảo lưu ý kiến” trước sau như một, khăng khăng chỉ dùng sữa ngoài theo chế độ nọ chế độ kia, ở độ tuổi này lứa tuổi nọ mà bà nghe ù cả tai rồi nói dỗi với con gái: “Tôi không học cao như chị, không nhiều kiến thức như chị nên tôi chẳng hiểu gì cả”.
Rồi đến chuyện mỗi lần thằng bé khóc, bà vội vàng bồng bế, ôm ẵm cháu cưng, đu đưa dỗ dành cho cháu nín. Thì mẹ nó lại nói: Bà chiều cháu thế nó quen đi. Trẻ con chưa nói được nên hơi khó chịu là nó khóc, đó chỉ là tín hiệu bé phát ra để “giao tiếp” với người khác. Bà chỉ cần xem bé cần gì, thiếu gì khiến bé khóc thì bà “đáp ứng nhu cầu” của bé là ổn thôi, chẳng hạn bé ngứa đâu đó, hoặc bé khát nước, hoặc bé bị tiếng ồn làm giật mình… Chứ hơi động tí bà lại ôm ấp, bế ẵm là tạo cho bé thói quen được nuông chiều từ nhỏ, phải có hơi người thì mới nín…
Thế mà mẹ nó lại hay !
Thằng bé bị ho, chảy nước mũi, bà ngoại sốt sắng giục mẹ nó đi mua kháng sinh cho cháu uống. Mẹ nó gạt phắt: Để con cho cháu đến bác sĩ đã.
Bà ngoại lại nói dỗi: “Tôi ở đây thấy thừa quá, chắc nên về sớm”. Nói vậy nhưng thấy cháu được đến bác sĩ khám thì bà cũng yên tâm!
Đi khám về mẹ nó nói: Cháu bà bị viêm họng vi rút nên không cần phải uống kháng sinh, chỉ cần uống nhiều nước và siro giảm ho, long đàm thôi. Chỉ khi nào bị viêm họng do vi khuẩn thì mới phải uống kháng sinh. Lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến ngày càng tăng liều và dễ bị tình trạng kháng kháng sinh.
Bà ngoại thấp thỏm với từng cơn ho của cháu cưng. Nhưng quả thật, sau khi được mẹ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì tuần sau, thằng bé khỏi ho mới… hay chứ! Bà ngoại giả đò… quên lời “dọa dẫm”, vẫn tiếp tục ở lại chăm nom cháu như… chưa từng nói gì!
Ở với cháu mấy tháng, trộm vía, bà thấy cháu cứ mũm mĩm, tròn xoe, tăng cân vù vù nên bà mừng lắm. Hơn nữa, bé lại rất hoạt bát, tinh nhanh. Nhiều khi bà ngoại tự nhủ: Con gái mình nói nhiều điều cũng… đúng ra phết!

Bùi Thúy Hạnh