10/01/2025

Chuyện tình người khiếm thị

Chị Lê Thị Tường Vy bị mù từ khi 2 tuổi. Anh Bùi Hữu Minh không thấy ánh mặt trời từ lúc lên 7. Họ nên duyên vợ chồng được ba năm thì lạc mất nhau…

 

Chuyện tình người khiếm thị

 

 

Chị Lê Thị Tường Vy bị mù từ khi 2 tuổi. Anh Bùi Hữu Minh không thấy ánh mặt trời từ lúc lên 7. Họ nên duyên vợ chồngđược ba năm thì lạc mất nhau…


 

Chuyện tình người khiếm thị

Vợ chồng anh Minh hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Lam Ngọc

“Ba năm quay quắt chờ chồng, hai đứa con nheo nhóc đòi ba, không tiền, không ánh sáng, có lúc tôi tuyệt vọng nghĩ hay là mình buông tay… Nhưng sau ba năm biền biệt anh ấy không quên đường về. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng, tủi tủi”, chị Vy (46 tuổi) xúc động kể.
“Người đàn ông tốt nhất”
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Minh (51 tuổi) nằm cuối một con hẻm trên đường Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Tường xây gạch thô, cũ kỹ, ẩm thấp, nhưng không khí trong nhà lúc nào cũng ấm áp.
Chị Vy bán tăm. Anh Minh bán bánh. Hai người gặp nhau ở trung tâm bảo trợ người tàn tật trong một buổi sinh hoạt. Qua vài lần nói chuyện, thấy đồng cảm, anh Minh ngỏ lời: “Em ơi, yêu ai cũng vậy hay là em yêu anh đi. Mình góp gạo thổi cơm chung nhé”. Thoáng suy nghĩ, chị Vy đáp: “Về thì về… em đồng ý”. Thế là họ thành vợ chồng. Một bữa cơm chỉ có người trong nhà chứng kiến với nhau, không có váy cưới, thiệp hồng… Nhưng bữa cơm gia đình ấm áp chính thức đưa anh chị về với nhau.
 
 

Cậu con trai lớn Bùi Minh Mẫn nay đã 20 tuổi. “Gia đình hoàn cảnh nên hết lớp 7 Mẫn thôi học ở nhà phụ cha mẹ. Nói thế nào cũng nhất định không chịu đi học nữa. Hỏi lý do, Mẫn bảo: Lần đó, trời mưa lớn lắm nhà em dột khắp, mẹ ôm thằng Bắp dỗ nó ngủ, nhưng nó không chịu ngủ mà khóc đòi ba suốt. Em chạy ra đầu đường đợi thì nhìn thấy ba ướt sũng, môi tím tái. Lúc ấy em khóc dữ lắm nhưng cố nén khóc không nên tiếng” – Mẫn nghẹn ngào. Cũng từ giây phút ấy Mẫn quyết định nghỉ học, đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi em.

 

 

Bỗng nhiên có vợ, có chồng nên mọi thứ đều trở nên mới mẻ với hai người khiếm thị. Anh, chị chuyển sang bán nem, kẹo… Hằng ngày, anh Minh cùng vợ đi bán dạo. Thu nhập tuy thấp nhưng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Mấy tháng sau ngày cưới, chị Vy có bầu. “Biết tin tôi có bầu, ảnh vui lắm. Nhưng vì tôi nghén nặng nên thời kỳ ấy anh vất vả nhiều. Trên đường vợ chồng đi bán, cứ được một đoạn là tôi mỏi chân phải ngồi nghỉ. Qua khúc đường có quán cơm ngửi mùi cá tanh là tôi ói. Ảnh phải dìu tôi. Lúc đi bán ai cho gì ảnh cũng không ăn mà gói lại để dành cho vợ”, chị Vy nhớ lại. Có bầu lúc nào cũng thèm ăn, khi thì một cái bánh bao, một quả ổi, một miếng chả lụa, anh đều mua cho riêng chị. “Vì ít tiền nên anh chẳng khi nào mua thêm phần cho mình. Dù không biết mặt mũi chồng tròn dẹt thế nào nhưng trong lòng tôi, anh Minh là người đàn ông tốt nhất”, chị Vy thổ lộ.

Chị Vy sinh non. “Đưa vợ tới bệnh viện mà tôi như ngồi trên lửa. Lo không biết con mình sinh ra có được lành lặn không” – anh Minh nhớ lại. Hạnh phúc vỡ òa khi bác sĩ thông báo: “Mẹ tròn con vuông, bé trai nặng hai ký lô bảy năm chục”. Gia đình nhỏ đón thêm thành viên mới. Cả tháng đầu mẹ chị phải tỉ mỉ chỉ dạy từ việc nấu nước nóng pha sữa, thay tã, tắm cho bé. “Lúc đầu em lóng ngóng, vụng về lắm, nhưng hai, ba tháng sau quen rồi cũng làm được”, chị Vy kể. Về phía anh Minh, nghe mẹ dạy vợ điều gì anh đều ghi nhớ để mỗi khi đi bán về phụ với vợ chăm con. Dù nghèo nhưng anh chị không bao giờ to tiếng hay cãi vã.
Bị hiểu lầm và…
Sáng hôm ấy, anh cầm hộp kẹo chuẩn bị đi bán như thường ngày. Chị đưa anh ra tận đầu ngõ níu tay dặn: “Nhớ về sớm”. Đi được vài bước anh quay lại dặn chị ở nhà kho cá chờ anh… Cá kho xong, nhưng đợi mãi không thấy anh về. Trong đầu nghĩ dại hay là anh gặp phải chuyện gì?… Sáng tinh mơ hôm sau chị gửi con, rồi mò mẫm đi khắp nơi tìm chồng. Mấy ngày sau thì được tin trong lúc đi bán kẹo anh Minh bị hiểu nhầm là ăn xin nên bị đưa vào một trung tâm bảo trợ xã hội ở Bình Dương.
Hay tin, chị Vy đón xe đến Bình Dương tìm chồng. Nhưng xuống đến nơi lại không có tiền để bảo lãnh chồng về. Chị Vy phải nhờ đến gia đình chồng giúp đỡ. Ngỡ rằng sau khi được bảo lãnh ra, vợ chồng sẽ đoàn tụ với nhau, ai ngờ nhà chồng bắt anh về rồi cấm tiệt không cho ở với chị nữa. Bố chồng chị bảo, nếu không nuôi được con thì làm giấy giao con ông sẽ nuôi cả. Ông mắng con trai: “Mày mù thì phải lấy người sáng mắt để nó hầu mày…”. Rồi bảo chị đừng tới tìm anh Minh nữa.
Suốt ba năm trời vợ chồng không được gần nhau nhưng chị vẫn cố gắng chăm sóc tốt cho con… Chị gửi con để đi bán vé số. Cuối ngày thu nhập được bao nhiêu chị lại ngồi phân ra từng mớ, phần để mua gạo, phần để lo cho con…
Năm 2005, anh Minh xin phép gia đình ra sống ở trung tâm bảo trợ xã hội, rồi trốn về với chị. Anh Minh vẫn nhớ như in đường về nhà. Nhưng, 3 năm, đường sá thay đổi nhiều nên anh phải mất hơn 8 giờ mới về được đến nhà. Về đến nhà, anh gọi “Vy ơi”… nghe tiếng chồng, chị Vy nín lặng rồi nấc nghẹn. Vợ chồng gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi.
Gặp nhau, chị đưa tấm áo mà ba năm anh vắng nhà chị vẫn lấy ra gối đầu cho đỡ nhớ. Anh kể chị nghe về thời gian xa gia đình anh như phát điên, tìm đủ mọi cách từ khóc lóc, xin van, thậm chí là trốn chạy…
Chúng tôi nghe xong câu chuyện của chị Vy cũng là lúc trời tối sập, con hẻm dẫn vào nhà anh chị vẫn tối om nhưng ngập tiếng cười. Cả nhà chuẩn bị ăn cơm, chị Vy đi lấy cá kho, hai đứa con của anh chị là Mẫn và Bắp lấy chén bát. Trong bữa cơm họ toàn nói chuyện vui. Chị Vy ôm con heo đất đưa cho chồng đút mớ tiền nhàu rồi nói: “Vài tháng nữa bố mẹ sẽ đập heo mua cho Bắp một bộ đồ mới và bộ sách giáo khoa để xin đi học lại. Năm sau nếu tiết kiệm đủ sẽ cho Mẫn đi học nghề sửa chữa máy tính…”. Anh chị còn tính xa: “Năm sau, vợ chồng mình cố gắng sắm xe nước bán ngay ở đầu ngõ”.
Chúng tôi hy vọng mọi suy tính của gia đình anh Minh đều suôn sẻ, để anh chị sẽ không phải đi lang thang bán dạo khắp nơi như bây giờ nữa…

Lam Ngọc