10/01/2025

Chuyện về người cha dượng

“Chim hồng, chim hộc bay đi/Cha dượng, con vợ làm gì thương nhau”. Câu chuyện dưới đây đã chứng minh điều ngược lại trong câu ca dao ấy.

 

Chuyện về người cha dượng

 

“Chim hồng, chim hộc bay đi/Cha dượng, con vợ làm gì thương nhau”. Câu chuyện dưới đây đã chứng minh điều ngược lại trong câu ca dao ấy.



 

 

Nhiều năm sau ngày bố mất, M.Q. (*) vô tình bắt gặp một kỷ vật bà nội giữ: bức ảnh hôm đưa tang bố anh, trong số những người khiêng quan tài bố có cánh tay, bờ vai của bố Hương – người cha dượng đã yêu thương anh như con ruột. Anh lặng đi vì bức ảnh bất ngờ đầy xúc cảm…

Bố bảo: tất cả tội khác như khi con làm hỏng, làm vỡ bố không bao giờ đánh vì con còn sửa sai được, nhưng nói dối thì không chấp nhận được. Thường xuyên nói dối sẽ trở thành thói quen. Tệ nhất là đánh mất bản thân mình, đánh mất niềm tin của người khác về mình, làm mình trở nên vô nghĩa trong cuộc sống này
Anh M.Q. kể về lời dạy của cha mình

Những ký ức đẹp

Bố mất lúc chàng trai Hà Nội ấy mới 3 tháng tuổi. Bảy năm sau (năm 1986), mẹ M.Q. đi bước nữa với người đàn ông đã kiên trì chăm sóc và chân thành yêu thương mẹ con M.Q. suốt những năm tháng dài sau khi bố anh mất. Cha dượng anh tên L.V.Hương, vốn là hàng xóm thân với mẹ anh từ nhỏ và là bạn học cùng trường cấp III với bố anh.

“Bà nội và nhiều người thân trong nhà sau này kể khi bố tôi mất, bố Hương hay sang nhà trò chuyện, giúp đỡ bà nội và mẹ tôi. Bà nội ngày xưa cũng là cô giáo của bố Hương. Khi tôi biết nhận thức thì đã quen hơi bố Hương, tình cảm đã rất thân thiết. Cho nên tôi không biết đã gọi chú là bố từ khi nào. Nếu mẹ hoặc bà nội hay bố Hương không nói ra, không kể lại thì tôi không biết bố không phải bố ruột” – M.Q. cho hay.

Cưới mẹ xong, bố Hương ở cùng gia đình M.Q. trên phố Lý Thường Kiệt. Ký ức của cậu bé vẫn không quên được những ngày hè trời nóng hầm hập. Nhà thì nhỏ, lại chưa có quạt điện. Chỉ có quạt nan, quạt giấy. M.Q. lại rất thích trèo lên lưng bố Hương nghịch. Bố cõng cu cậu ra vỉa hè, cầm quạt phe phẩy đến khi cu cậu ngủ lăn quay.

Tối, bố ôm M.Q. trong lòng, vừa quạt tay vừa kể chuyện, vỗ vỗ nhẹ vào lưng cho Q. ngủ. “Tôi rất thích xem lại những tấm ảnh mẹ chụp bằng máy cũ cảnh hai bố con nằm ngủ trong mùa hè nóng. Hai bố con nằm dưới sàn nhà. Bố cởi trần.

Tôi nằm bên cạnh. Ngày đó điện chưa có nhiều như bây giờ. Khi nào có điện mới cắm quạt. Cái quạt cóc cũ kỹ chạy một lúc là di chuyển tứ lung tung do chân đế bằng sắt, mất chân đệm cao su. Bố có được ngủ ngon đâu, cứ phải chỉnh lại cái quạt cho tôi ngủ” – M.Q. không giấu được hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt khi kể về hình ảnh dễ thương ấy.

Một lần, M.Q. bị sốt. Cũng vào mùa hè. Chiếc giường cạnh cửa sổ bị chiếu nắng cả ngày, phòng thì rất nhỏ, chật nên nóng bức như xông hơi. Bố Hương cởi trần, nằm dưới sàn nhà, đặt M.Q. nằm trên người.

“Bố làm như vậy để biết nhiệt độ của con thay đổi như thế nào. Bố lo nhỡ ngủ quên mà không kiểm soát được, nhất là mùa hè, ngày xưa lại không có nhiều thuốc thang, sợ con sốt cao quá sẽ nguy hiểm. Sau này mẹ kể suốt ba ngày tôi bị sốt, bố Hương cứ giục mẹ đi ngủ, còn bố thì thức trắng đêm, cầm quạt nan làm gió cho con, thay khăn chườm cho con. Lúc đó tôi rất sợ uống thuốc vì đắng. Bố Hương nghĩ ra cách lấy thìa đường, cho thuốc giấu vào đó để “dụ” con uống thuốc. “Sáng kiến” đó của bố Hương rất hiệu quả và được “phát huy” từ đó” – M.Q. kể.

Yêu thương thầm lặng

M.Q. tâm sự: “Bố tình cảm nhưng nghiêm khắc lắm. Bố lúc nào cũng theo sát tôi trong mọi việc. Khi tôi chuẩn bị vào cấp II, bố giao nhiệm vụ phải học thật tốt, thi đậu cấp II rồi cấp III vì lúc đó tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, nghịch ngợm, ham chơi, lười học. Thời gian tôi thấy áp lực nhiều nhất là lúc cấp III. Khu nhà tôi ở trẻ con đa số bỏ học. Bố mẹ tôi thắt chặt việc học, giữ cho con không bị sa ngã, lôi kéo, sợ lơi lỏng tôi sẽ hư.

Bố bảo: nếu con không tốt nghiệp cấp III thì không làm được gì cả. Nhiều khi tôi bị stress vì chuyện này. Bố dạy dỗ vào khuôn phép. Mẹ hay giục tôi học nhưng bố là người kiểm tra. Bố kiểm tra bài rất lâu, có khi cả một buổi tối. Tôi rất sợ mỗi lần bố kiểm tra kiến thức. Cái nào lơ mơ thì rất sợ, nhất là các môn tự nhiên.

Tôi bị bố đánh mấy lần vì tội nói dối. Bố bảo: tất cả tội khác như khi con làm hỏng, làm vỡ bố không bao giờ đánh vì con còn sửa sai được, nhưng nói dối thì không chấp nhận được. Thường xuyên nói dối sẽ trở thành thói quen. Tệ nhất là đánh mất bản thân mình, đánh mất niềm tin của người khác về mình, làm mình trở nên vô nghĩa trong cuộc sống này”.

M.Q. tâm sự khi còn nhỏ đã có lúc anh nghĩ vì bố là bố dượng nên ghét, đánh mình đau vì “mấy đứa kia nó về nói dối với bố mẹ mình mà có bị đánh đòn đâu”.

Có lần bị bố đánh đau quá, Q. buột miệng: “Bố có đẻ ra con đâu mà đánh con đau thế! Tôi nói xong thấy bố khựng lại, không nói năng gì. Bố không đánh nữa, lảng ra chỗ khác. Mình trẻ con không để ý đến câu nói đó đã ảnh hưởng đến tâm lý của bố, làm bố tổn thương như thế nào. Đến bây giờ những lúc nghĩ lại tôi vẫn trách tại sao mình lại thốt ra câu đó. Trăn trở mãi một lời xin lỗi nhưng không biết mở lời như thế nào, lấy một cái cớ gì để quay lại câu chuyện ngày xưa…” – M.Q. nói trong day dứt.

Bố chăm sóc, yêu thương anh như con ruột. “Không bao giờ bố chiều em hơn tôi. Có những đêm tôi làm về muộn, mẹ phải đi làm sớm nên hay ngủ trước. Đêm nào về tôi cũng thấy bố đứng chờ ở cửa và hỏi: con có đói không? Con đã ăn gì chưa? Nếu tôi chưa ăn, trong khi tôi vừa cất đồ đạc, lên thay quần áo thì bên ngoài đã thấy bố nấu cho bát mì. Tôi lớn rồi nhưng vẫn được bố chăm chút. Không biết sau này mình có làm được như thế cho con mình không. Tôi rất may mắn vì đã có được người bố tuyệt vời như thế” – M.Q. nói.

________

(*) Vì lý do riêng, nhân vật trong bài viết muốn được để tên viết tắt.

MY LĂNG ghi