Ù lì, đâu giúp mình nhanh có việc?

Sau khi nghỉ việc vì một số lý do như giảm nhân sự, chán việc cũ, không được trọng dụng… tuổi bước sang “băm”, nhiều bạn rơi vào trạng thái ù lì, làng nhàng từ năm này qua năm khác.

 

Ù lì, đâu giúp mình nhanh có việc?

 

Sau khi nghỉ việc vì một số lý do như giảm nhân sự, chán việc cũ, không được trọng dụng… tuổi bước sang “băm”, nhiều bạn rơi vào trạng thái ù lì, làng nhàng từ năm này qua năm khác.


 

 

Một chiếc máy chụp hình nếu thiếu cục pin cũng trở thành món đồ vô dụng. Tương tự, vị trí công việc nào trong xã hội cũng có giá trị riêng khó thể thay thế. Chẳng bao giờ là trễ để khởi động lại từ đầu 
ThS tâm lý Đào Lê Hòa An (ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN)

“Đi cà phê hoặc lai rai với bạn bè, coi đá banh và chơi điện tử…” – M.Hùng (34 tuổi, Q.3, TP.HCM) nói về “lịch” của mình suốt một năm qua. Anh là “gương mặt thân quen” ở các quán cà phê khu cư xá Bắc Hải (Q.10) từ khi cơ quan cắt giảm nhân sự.

“Cũng có đi xin việc vài nơi nhưng chỗ thì lương thấp, chỗ thì vị trí không xứng, chỗ thì sếp mặt búng ra sữa… nên làm được vài tháng lại chán, lại nghỉ” – M.Hùng thổ lộ.

30 tuổi, tốt nghiệp ĐH Mở TP.HCM, H.Ngọc hiện chấp nhận ở nhà làm việc vặt cho gia đình vì “đi xin việc mãi không được riết bị tự ti”. Mỗi lần gặp lại bạn bè cũ H.Ngọc luôn miệng than chán.

“Những trường hợp sống làng nhàng, trôi vô định như trên hiện khá phổ biến. Không kể những trường hợp thất nghiệp, một số bạn khi tham gia chương trình đào tạo nghề miễn phí ở nơi tôi công tác cũng học với tâm lý cho có và giảng viên chúng tôi phải vô cùng vất vả để “phá băng” – thạc sĩ Trần Lương Thuận, người có thâm niên nhiều năm giảng dạy bậc đại học và hiện dạy nghiệp vụ bán hàng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, cho biết.

“Khởi động lại”,  không khó!

Ông Bùi Đức Chính (56 tuổi, hiện là giám đốc giải pháp phát triển năng lực Công ty BCC) nói như vậy khi kể câu chuyện của mình.

Trước đây làm nghề giáo nhưng một ngày ông Chính chấp nhận rời phấn trắng, bảng đen vì thu nhập không đủ lo cho gia đình. Đầu tiên ông đi làm… bảo vệ khách sạn nổi Sài Gòn trong sự phản đối mạnh từ nhiều người.

Gác lại mọi trăn trở, ông phấn đấu và nhanh chóng lên vị trí tổ trưởng tổ bảo vệ. Khi khách sạn mở chương trình đào tạo nhân viên cho vị trí quản lý, ông đăng ký ngay, dù khi đi học mức thu nhập từ 300 USD/tháng sẽ chỉ còn một nửa.

“Tôi cũng trằn trọc nhiều đêm vì lúc đó mình đã 33 tuổi” – ông Chính nhớ lại. Sau khi hoàn thành khóa học, ông lên cấp quản lý và nhận được nhiều lời mời làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn. “Và tôi lại có cơ hội quay lại nghề đào tạo mà bản thân rất đam mê. Có thể nói tôi chưa từng hối hận về hai lần “khởi động lại từ đầu” năm nào” – ông Chính khẳng định.

Tương tự, thạc sĩ Trần Lương Thuận từng rơi vào trạng thái hụt hẫng khi bị thất nghiệp nhiều tháng, dẫu trước đó Thuận từng trải qua vị trí giám đốc sàn một công ty bất động sản, giám đốc điều hành.

“Cứ tưởng mọi thứ sẽ rất khó khăn, vậy mà khoảng thời gian trên cuối cùng rất có ý nghĩa, bởi tôi có cơ hội nhìn lại và xác định mình đam mê lĩnh vực đào tạo hơn” – anh Thuận chia sẻ.

Khi xác định được điểm mạnh, Thuận dành thời gian đọc sách, đi dự các hội thảo chuyên ngành, học cao học… Và giờ đây Thuận hài lòng với công việc mới mẻ của mình.

Chậm khởi động lại, cơ hội đi qua

“Ngần ngại, chán ngán khi khởi động lại từ đầu là một tâm lý bình thường, phổ biến. Điều quan trọng là mỗi người khi rơi vào tình huống đó cần sớm nhận ra hoàn cảnh, điều kiện và năng lực của bản thân phù hợp với công việc gì” – ông Bùi Đức Chính nói.

Ông Chính nói thêm: “Việc khởi động lại dĩ nhiên đồng nghĩa thu nhập và vị trí thấp hơn… nhưng nếu phù hợp với năng lực, đam mê thì sẽ chóng thăng tiến”.

Về quan điểm “lớn tuổi rồi thì việc học sẽ khó khăn”, ông Chính cho rằng đây là suy nghĩ sai lầm. “Tôi thậm chí nghĩ rằng các bạn sẽ có động lực học mạnh mẽ hơn hẳn thời trẻ, bởi khi lớn tuổi hơn bạn học không chỉ cho bản thân mà còn cho tương lai của vợ con” – ông nói. Bản thân ông đã tiếp tục học đại học, hoàn thành bằng thạc sĩ chính quy ngành quản trị kinh doanh khi đã 46 tuổi.

ThS Trần Lương Thuận cho rằng cần thiết nhanh chóng “xốc” lại bản thân bởi việc ù lì, chậm “tu bổ” bản thân sẽ khiến cơ hội việc làm ngày càng rời xa mình vì xã hội không bao giờ dừng lại.

 

CÔNG NHẬT