02/01/2025

Hơn 260.000 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT: 10 triệu lao động bị ảnh hưởng

Rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lên tới hàng chục tỉ đồng kéo dài nhiều năm không trả nợ, nhiều bản án được toà án phán quyết nhưng không thể thi hành án vì DN không còn khả năng trả nợ hoặc cố tình khất nợ.

 

Hơn 260.000 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT: 10 triệu lao động bị ảnh hưởng

 

 

Rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lên tới hàng chục tỉ đồng kéo dài nhiều năm không trả nợ, nhiều bản án được toà án phán quyết nhưng không thể thi hành án vì DN không còn khả năng trả nợ hoặc cố tình khất nợ. 

 

 

10 triệu lao động bị ảnh hưởng
Theo số liệu mới nhất của BHXH VN cung cấp cho Thanh Niên ngày 6.4, tính đến đầu tháng 3.2015, còn 260.602 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với khoảng 10 triệu lao động bị ảnh hưởng. Tổng số nợ là 11.424 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhiều nhất là khối DN ngoài quốc doanh với số nợ hơn 6.253 tỉ đồng; tiếp đến là DN có vốn đầu tư nước ngoài nợ 2.059 tỉ đồng và DN nhà nước nợ gần 1.500 tỉ đồng.
Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Thu Lan, Phó trưởng phòng Thu (BHXH VN), có rất nhiều DN trên địa bàn Hà Nội nợ với số tiền lớn lên tới hàng chục tỉ đồng. “Việc các DN nợ đọng tiền bảo hiểm lên tới hàng ngàn tỉ đồng cũng đồng nghĩa với việc có khoảng 10 triệu lao động bị ảnh hưởng quyền lợi về BHXH, BHYT và BHTN”, bà Lan cho hay.
Coi thường pháp luật
Còn theo bà Chu Ngọc Mai, Trưởng phòng Thu (BHXH Hà Nội), trong năm 2014 cơ quan này đã trình Thanh tra Chính phủ thanh tra 10 đơn vị nợ đọng BHXH với số tiền lớn, kéo dài nhiều năm. Đứng đầu danh sách là Trung tâm điện thoại di động CDMA tại Hà Nội (còn gọi là S Phone), có địa chỉ 11 Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm). Tính đến tháng 5.2013, BHXH Hà Nội đã gửi công văn cho trung tâm này thông báo số tiền nợ là 8 tỉ đồng. Mãi tới tháng 4.2014, đại diện chi nhánh là ông Đoàn Minh Lệnh đã gửi công văn tới BHXH Hà Nội cho biết đơn vị này sáp nhập vào Tổng công ty Bưu chính viễn thông Sài Gòn. Tuy nhiên, vẫn không thể trả nợ do “đối tác rút vốn, nguồn tài chính bị thiếu hụt”.
Một trường hợp điển hình khác là Công ty CP Cavico VN khai thác mỏ và xây dựng có địa chỉ tại phòng 507, toà nhà CT3-2 khu đô thị Mễ Trì Hạ, xã Mễ Trì, H.Từ Liêm. Tháng 10.2012, BHXH huyện Từ Liêm buộc phải khởi kiện. Mặc dù toà đã nhiều lần triệu tập nhưng đơn vị này thường xuyên vắng mặt. TAND H.Từ Liêm đã xử và kết luận: “Đây là hành vi coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người lao động”. DN phải trả số tiền nợ bảo hiểm còn thiếu tính đến ngày 30.11.2011 là 4,3 tỉ đồng. Ông Ngô Trung Tứ, Phó giám đốc BHXH Q.Nam Từ Liêm cho biết: “Đến đầu tháng 3, tính cả lãi, số tiền đã lên tới hơn 6 tỉ đồng”. Cũng theo ông Tứ, từ năm 2010 đến 2013 H.Từ Liêm đã khởi kiện 15 đơn vị. “Tất cả các vụ kiện, BHXH đều thắng. Tuy nhiên công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn”, ông Tứ chia sẻ.
Những con nợ lớn ở Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Thu Lan “điểm mặt” một số DN trên địa bàn Hà Nội nợ với số tiền lớn, như: Công ty CP Cầu 14 CIENCO 1, địa chỉ 144/95 Vũ Xuân Thiều (Q.Long Biên) nợ 19,3 tỉ đồng; Công ty THHH may mặc XK VIT Garment, KCN Quang Minh (H.Mê Linh) nợ 17,5 tỉ đồng; Công ty cổ phần LILAMA3, lô số 24-25, KCN Quang Minh (H.Mê Linh) nợ 15,8 tỉ đồng; Công ty CP Sông Đà 8, địa chỉ Mường La (Sơn La) nợ 12 tỉ đồng; chi nhánh Công ty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki, xã Tiền Phong (H.Mê Linh) nợ gần 11 tỉ đồng…
Cá biệt, trên địa bàn Hà Nội, có những “con nợ” dây dưa tới 6 – 7 năm không đòi được. Điển hình như Công ty CP LISHOHAKA, ở Hạ Bằng, (H.Thạch Thất) khởi kiện từ tháng 8.2012 với số nợ 2 tỉ đồng, tính đến thời điểm hiện tại DN này đã nợ 86 tháng (tức 7 năm, 2 tháng) với số tiền cả gốc lẫn lãi lên tới hơn 3,3 tỉ đồng; Công ty CP 116 -CIENCO 1 nợ 83 tháng (gần 7 năm) với số tiền 8,8 tỉ (trong đó có 2,1 tỉ tiền lãi); Công ty CP đầu tư -xây dựng công trình 128 CIENCO 1 nợ 79 tháng với số nợ 8,7 tỉ.
Nhờ ngân hàng truy thu nợ đọng
Bà Nguyễn Thị Thu Lan cho biết: “Trong tháng 4 này, BHXH VN sẽ ban hành dự thảo quy trình quản lý nợ.
Trong đó, phân cấp, quy định trách nhiệm cho địa phương. Cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã ký kết hợp đồng hợp tác thu hồi nợ với các ngân hàng VCB, BIDV. Trước đó, chúng tôi cũng đã ký với ngân hàng Agribank và Vietinbank nhằm truy thu nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; cung cấp đầy đủ thông tin của DN cho cơ quan BHXH; cho DN vay vốn đóng bảo hiểm. Nhờ sự phối hợp này, số nợ từ quý 3/2014 đến quý 1/2015 giảm tương đối”.

Thu Hằng