Hàng ngàn hộ dân khổ sở vì nước chảy nhỏ giọt

Hàng ngàn hộ dân xã Bình Khánh, H.Cần Giờ (TP.HCM) và các phường Bình Hưng Hoà, Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân)… khổ sở khi nước sinh hoạt chảy nhỏ giọt, thậm chí cúp hẳn gần đây.

  

Hàng ngàn hộ dân khổ sở vì nước chảy nhỏ giọt

 

Hàng ngàn hộ dân xã Bình Khánh, H.Cần Giờ (TP.HCM) và các phường Bình Hưng Hoà, Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân)… khổ sở khi nước sinh hoạt chảy nhỏ giọt, thậm chí cúp hẳn gần đây.



 

 

Người dân ở ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, H.Cần Giờ (TP.HCM) phải đi xin từng thùng nước sạch về dùng – Ảnh Đ.Phú

Ông Nguyễn Văn Rể (ngụ ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh) cho biết nước sinh hoạt chảy nhỏ giọt khoảng một tuần nay nên gia đình ông phải túc trực hứng nước vào hai thùng chứa để dành dùng cho cả ngày.

Muốn chấm dứt tình trạng thiếu nước sạch ở Cần Giờ thì Sawaco phải sớm đầu tư đường ống cấp nước đến từng hộ dân
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU
(giám đốc Công ty Công ích Cần Giờ)

Hứng cả buổi được… một thùng nước

Bà Trần Thị Kim (ngụ ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh) than thở: “Mấy ngày qua nước chảy nhỏ giọt, có khi cúp hẳn… khiến chuyện sinh hoạt của gia đình rất khó khăn. Có lúc hứng cả buổi chỉ được thùng nước không đủ dùng cho cả nhà”.

Theo Công ty Công ích Cần Giờ, mỗi ngày sà lan chở khoảng 5.000m3phục vụ người dân H.Cần Giờ, nhưng do nắng nóng nên lượng nước tiêu thụ tăng thêm 30%.

Trong khi đó, theo Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, việc đầu tư điểm lấy nước tại cầu An Nghĩa, xã An Thới Đông, H.Cần Giờ đã xong, sà lan có thể lấy nước tại đây thay vì phải lên tới Q.7 để lấy nước.

Tại ấp Bình Phước, xã Bình Khánh nhiều người dân cũng phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Bà Phạm Thị Hai (64 tuổi) cho biết: “Từ sáng tui dậy hứng nước không có nên mở vòi nước để mấy tiếng đồng hồ mà chỉ hứng được một thùng”.

Theo bà Hai, mấy ngày nay không có nước, gia đình bà phải chạy sang nhà hàng xóm xin tạm vài thùng về nấu cơm rồi mua nước đóng bình với giá 14.000 đồng/bình để ăn uống.

“Cúp nước hoài như thế này thì chết. Không có nước tắm tôi ở dơ mấy ngày rồi và quần áo cả tuần cũng chưa giặt. Tôi hỏi ông quản lý đường ống khi nào có nước thì ông ấy cứ hẹn đến trưa, chiều rồi sáng nhưng chờ hoài vẫn không thấy” – bà Hai bức xúc.

Ở cạnh nhà bà Hai, bà Nguyễn Thị Đến cũng than thở: “Trời nắng nóng hầm hập, oi bức mà thiếu nước nên phải hạn chế tắm giặt khổ lắm”.

Tương tự, người dân ở các phường Bình Hưng Hoà, Bình Hưng Hoà A, Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân cũng khổ sở khi nước máy nhiều nơi ngày càng yếu dần.

Anh Lương Phúc Minh (hẻm 650 hương lộ 2, P.Bình Trị Đông A) cho biết khoảng một tháng qua nước máy ở đây yếu hẳn. Ban ngày ở các hẻm nhỏ nước chỉ chảy nhỏ giọt, đến 1, 2 giờ sáng khi người dân ít dùng nước mới chảy mạnh hơn chút.

Nhiều hộ dân đi làm không có người ở nhà canh hứng nước hoặc ban đêm không thức hứng nước thì không đủ nước dùng cho hôm sau.

“Trời nóng hầm hập suốt cả ngày mà nước lúc chảy lúc ngưng càng làm bức bối thêm” – một người dân ở khu vực này than thở.

Dùng nhiều, cung cấp ít

Nguồn nước khu vực ấp Bình Thuận và Bình Phước (xã Bình Khánh, H.Cần Giờ) được cung cấp bởi hệ thống cấp nước của ông Trần Văn Xem (ngụ ấp Bình Thuận).

Ông Xem đã đầu tư hệ thống bể chứa và làm đường ống dẫn nước tới khoảng 370 nhà dân.

Để có nước cung cấp cho người dân, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Cần Giờ (gọi tắt là Công ty Công ích Cần Giờ) chở nước bằng sà lan đổ vào bồn chứa của ông Xem.

Tuy nhiên theo ông Xem, những ngày qua công ty không bơm đủ 230m3/ngày như cam kết. Cụ thể từ ngày 20 đến 30-3, lượng nước qua bồn bình quân chỉ khoảng 110 m3/ngày, không đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Việc thiếu hụt nước ở đây đã xảy ra khoảng năm ngày nay, những hộ ở cuối nguồn thiếu nước hơn một tuần rồi. Ngoài ra, theo ông Xem, tuần qua có một sà lan chở nước bị chìm cạnh bến của ông gây khó khăn cho các sà lan khác cập bến.

Đây là nguyên nhân khiến lượng nước cung cấp cho ông bị giảm. Ông Nguyễn Văn Chín, phó chủ tịch UBND xã Bình Khánh, xác nhận có sự cố này và cho biết ông cũng đã liên hệ với nhiều đơn vị liên quan để giải quyết sự cố…

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Công ty Công ích Cần Giờ, cho rằng thiếu nước là do bồn chứa của ông Xem nhỏ không chứa đủ nước cấp cho dân chứ không phải do sự cố sà lan chìm. “Khi xảy ra sự cố, tôi cũng đã điều động phương tiện khác tới” – ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, bồn chứa của ông Xem chỉ 150m3, trong khi công ty yêu cầu là 230m3. Vì bồn chứa nhỏ nên khi bơm nước vào đầy bồn, sà lan phải di chuyển đi bơm nơi khác và khi sà lan khác chưa về kịp thì lượng nước trong bồn đã hết.

Ông Nguyễn Văn Toàn Châu, giám đốc Xí nghiệp Cấp nước sạch Cần Giờ (thuộc Sawaco), cho biết hiện nay đang triển khai nhiều dự án lắp đặt đường ống tới tận các hộ dân.

Riêng đối với những khu vực đã được người dân đầu tư hệ thống đường ống bồn chứa, đường ống theo chủ trương xã hội hoá (còn gọi là vệ tinh) thì tạm thời Sawaco chưa đầu tư.

Sawaco chỉ đầu tư khu vực này khi có UBND H.Cần Giờ đề nghị trên cơ sở đã thống nhất với các chủ vệ tinh. “Từ đầu khi chưa có đường ống nước về Cần Giờ, các chủ vệ tinh này đã bỏ tiền đầu tư, giờ có nước mình đâu thể đẩy họ ra để đưa đường ống, nước mình vào được” – ông Châu nói.

Giải thích áp lực nước máy yếu trên một số phường ở Q.Bình Tân, một cán bộ Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, cho biết thời gian qua tại các khu vực trên đã phát triển thêm hàng ngàn đồng hồ nước, cộng với thời điểm nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước tăng dẫn đến thiếu nước.

Công ty đã bàn với các đơn vị thuộc Sawaco tìm hướng giải quyết. Theo đó, trong tháng 7 tới sẽ kết hợp việc làm đường 18A, P.Bình Hưng Hoà để đấu nối thêm một đường ống phi 400 nhằm bổ sung nguồn nước cho khu vực này.

Thức trắng đêm chờ… nước sạch

Đã hơn 10 ngày nay, hàng trăm hộ dân ở khu tập thể Đại học Mỏ – địa chất, khu tập thể Nông Hóa, P.Đức Thắng, Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nhiều hộ ở cuối khu dân cư còn không bơm được nước trong nhiều ngày.

Nhìn vòi nước đang chảy nhỏ giọt, ông Đào Anh Tuấn (tổ dân phố số 7, P.Đức Thắng) kể:

“Từ nhiều năm nay ở đây cứ một tháng bị cúp nước vài ngày. Còn gần đây cúp nước thường xuyên khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều gia đình phải đi tắm nhờ nhà người quen. Những lúc cúp nước, người dân gọi đến đường dây nóng ghi trong hóa đơn tiền nước nhưng không có ai bắt máy”.

Bà Lê Thị Thư (73 tuổi), người ở cách nhà ông Tuấn không xa, cho biết gia đình bà chỉ nấu một bữa cơm/ngày nhưng cũng không đủ nước để dùng, phải đi xin nước giếng khoan về dùng tạm. “Mới đầu mùa hè đã thiếu nước rồi.

Nhà tôi bị cúp nước hơn 10 ngày nay nên cả tám người trong gia đình phải ăn uống nhờ nơi khác. Nhiều hôm cả nhà thay nhau thức trắng đêm hứng nước nhưng vẫn không có…”.

Ông Hồ Văn Dũng, phó chủ tịch UBND P.Đức Thắng, cho biết phường đã nhận được nhiều phản ảnh của người dân về việc cúp nước và Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cũng đã có thông tin đường ống nước bị hỏng chưa thể khắc phục được nên xảy ra tình trạng cúp nước.

“Phường đã nhiều lần gửi công văn lên Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy nhưng chuyện mất nước vẫn diễn ra thường xuyên trên địa bàn phường” – ông Dũng nói.

Tiếp nhận thông tin nói trên, chiều 3-4 đại diện Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy hứa chậm nhất là đến tối cùng ngày người dân sẽ được cấp nước trở lại.

Vị này cũng cho biết nguyên nhân khiến mất nước trên diện rộng là do vào đầu mùa hè nhu cầu nước sinh hoạt lớn và nhiều nơi ở xa đường ống nên chưa điều phối kịp.

QUANG THẾ

Đ.PHÚ – Q.KHẢI