Phải tách bạch nhà tạm giam, tạm giữ với cơ quan điều tra
Nhiều ý kiến cho rằng nên tách bạch cơ quan điều tra với hệ thống trại tạm giam, nhà tạm giữ để tránh tình trạng bức cung, nhục hình.
Phải tách bạch nhà tạm giam, tạm giữ với cơ quan điều tra
Nhiều ý kiến cho rằng nên tách bạch cơ quan điều tra với hệ thống trại tạm giam, nhà tạm giữ để tránh tình trạng bức cung, nhục hình.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Ảnh: Việt Dũng |
Mục đích chính của việc tạm giữ, tạm giam là để đáp ứng công tác điều tra truy tố, xét xử. Việc quản lý chặt chẽ con người đặt trong lực lượng công an quản lý là hết sức phù hợp |
Thượng tướng Lê Quý Vương |
Ngày 2-4, tại phiên thẩm tra hai dự án Luật tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự của Uỷ ban Tư pháp.
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật tạm giữ, tạm giam của Uỷ ban Tư pháp, ông Nguyễn Mạnh Cường – uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp – cho biết cơ quan này đề nghị nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc.
Hệ thống này do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ để đảm bảo minh bạch, rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này.
Minh bạch để chống bức cung, nhục hình
Theo Uỷ ban Tư pháp, thời gian qua vấn đề bức cung, nhục hình gây bức xúc trong dư luận chủ yếu xảy ra trong giai đoạn điều tra đối với bị can đang bị tạm giam hoặc đối với người bị tạm giữ.
“Để đảm bảo chống bức cung, nhục hình, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung; các hình thức giám sát hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam;
Hay việc trích xuất bị can, bị cáo, người tạm giữ để lấy lời khai; việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất…” – ông Cường cho biết.
Bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, đề nghị tách nhà tạm giữ ra khỏi công an cấp huyện, tách trại tạm giam ra khỏi công an cấp tỉnh.
“Chất vấn trước Quốc hội, bộ trưởng Bộ Công an nói tách rồi nhưng tách ở đây là tách quản lý nhà nước. Ở các tỉnh, trại tạm giam công an tỉnh với phòng điều tra có quan hệ mật thiết. Đối với cấp huyện cũng như vậy. Họ hoạt động không độc lập trong thực tiễn.
Chúng tôi kiên trì đề nghị tách theo hệ thống dọc để đảm bảo minh bạch giữa nhà tạm giữ, trại tạm giam và cơ quan điều tra. Chừng nào còn để nhà tạm giữ trong công an huyện thì khó tránh vi phạm trong hoạt động điều tra” – bà Nga kiến nghị.
Ông Phạm Xuân Thường – uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp – cho rằng trong điều kiện hiện nay, nếu tách ra thì chưa đủ tiền để xây dựng nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc, nhưng vẫn kiến nghị phải quy định trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ trong việc chống bức cung, nhục hình.
“Cần quy định trách nhiệm của người đứng đầu bên cạnh các quy định về trang thiết bị camera, máy ghi âm ở buồng xét hỏi” – ông Thường nhấn mạnh.
Thượng tướng Lê Quý Vương – thứ trưởng Bộ Công an (đơn vị soạn thảo hai dự án luật) – cho biết sẽ tiếp thu ý kiến về việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trại tạm giam, nhà tạm giữ và các cấp quản lý cao hơn trong việc để xảy ra bức cung, nhục hình.
Về kiến nghị tách hệ thống trại tạm giam, nhà tạm giữ khỏi cơ quan điều tra để đảm bảo độc lập, thượng tướng Vương nói quy định hiện nay là phù hợp.
“Mục đích chính của việc tạm giữ, tạm giam là để đáp ứng công tác điều tra, truy tố, xét xử. Việc quản lý chặt chẽ về con người đặt trong lực lượng công an quản lý là hết sức phù hợp.
Bộ Công an đã thành lập Cục Quản lý hướng dẫn tạm giam, tạm giữ thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Hai cơ quan điều tra của công an thuộc Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát với hai thủ trưởng hoàn toàn khác nhau.
Ở cấp tỉnh cũng vậy, trại tạm giam là đơn vị cấp phòng độc lập. Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đảm nhiệm công tác quản lý trại tạm giam.
Một đồng chí phó giám đốc công an tỉnh không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra trực tiếp làm phụ trách thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Ở cấp huyện cũng vậy. Hoàn toàn tách bạch, có sự kiểm soát lẫn nhau” – thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Bà Lê Thị Nga - Ảnh: Việt Dũng |
Chúng tôi kiên trì đề nghị tách theo hệ thống dọc để đảm bảo minh bạch giữa nhà tạm giữ, trại tạm giam và cơ quan điều tra |
Bà Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) |
Giao quyền điều tra cho công an xã?
Đối với dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nhiều ý kiến băn khoăn có nên quy định giao quyền điều tra cho công an xã hay không.
Bà Lê Thị Nga cho rằng điều 43 của dự thảo luật quy định công an phường, xã có thẩm quyền xác minh sơ bộ, thẩm quyền này là những hoạt động gì cần phải cân nhắc.
Việc lập biên bản lấy lời khai, bảo vệ hiện trường, vẽ sơ đồ… là những hoạt động mang tính chất điều tra. Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ chuyên môn khác.
“Có trường hợp công an xã gọi công dân lên làm việc rồi dùng dép, dùi cui đánh người dân gây thương tích 16%. Vậy mà công an viên gọi vợ người dân lên nhận là người ta tự ngã. Nếu quy định thế này thì không đảm bảo quyền con người, quyền công dân” – bà Nga bình luận.
Ông Phạm Xuân Thường cho rằng những vụ án hình sự thường xảy ra ở cấp xã, chờ cơ quan điều tra cấp trên đến rất khó.
“Chúng ta đừng vì một vài vụ xảy ra ở cấp xã mà không nên giao thẩm quyền cho họ. Quan điểm của tôi là giao đến đâu và giao như thế nào” – ông Thường nói.
Thừa nhận có những việc xảy ra do công an xã làm không đến nơi đến chốn, nhưng thượng tướng Lê Quý Vương vẫn cho rằng công an xã, phường là người gần với dân nhất.
“Ở vùng sâu vùng xa, đi từ xã lên huyện mất nửa ngày đường, rất gian nan. Việc đưa các quy định về thẩm quyền công an xã vào dự thảo luật không có gì sai, vấn đề này đã được nêu trong pháp lệnh về công an xã.
Mức độ nghiệp vụ không nằm trong hoạt động điều tra mà nằm trong hoạt động hành chính của một đơn vị có chức năng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các luật khác để thống nhất vấn đề này” – thượng tướng Lê Quý Vương nói.