Dân ‘chấm điểm’ cán bộ
Sau 3 tháng thực hiện, dự án “Dân chấm điểm M-Score” đã xác lập 6.000 bộ hồ sơ và thực hiện 2.550 cuộc gọi điện thoại hỏi ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ của cán bộ các văn phòng một cửa trên toàn tỉnh Quảng Trị.
Dân ‘chấm điểm’ cán bộ
Sau 3 tháng thực hiện, dự án “Dân chấm điểm M-Score” đã xác lập 6.000 bộ hồ sơ và thực hiện 2.550 cuộc gọi điện thoại hỏi ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ của cán bộ các văn phòng một cửa trên toàn tỉnh Quảng Trị.
Dự án “Dân chấm điểm M-Score” đã nhận được sự hoan nghênh của rất nhiều người dân
và cán bộ ở Quảng Trị – Ảnh: Dung Dung |
Dự án này được khởi động từ ngày 24.12.2014, với sự tham gia của HĐND tỉnh Quảng Trị, Tổ chức phi chính phủ Oxfam tại VN, chương trình “Sáng kiến VN” tại Trường ĐH Indiana (Mỹ), Trung tâm phân tích dự báo thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN và Viettel.
Khi giao dịch tại các đơn vị hành chính công, người dân sẽ được yêu cầu để lại số điện thoại. Sau đó, họ sẽ nhận được tin nhắn hoặc điện thoại từ tổng đài hỏi về chất lượng phục vụ. Thông qua tổng đài, người dân có thể hỏi thông tin về tình trạng hồ sơ của mình cũng như phản ánh về thái độ, cách làm việc của cán bộ. Tất cả các thao tác nhắn tin trả lời, gọi điện của người dân đều miễn phí. Kết quả khảo sát sẽ được công khai dần trên báo, đài, loa phát thanh địa phương cũng như trên website: www.danchamdiem.vn.
Có người tự động hỏi… dại gì không nói !
Khi được hỏi về suy nghĩ khi được “trải nghiệm” dự án này, ông Nguyễn Văn Hưng (trú TP.Đông Hà) cho biết dự án đã “gãi đúng chỗ ngứa” của dân. “Nhiều khi đi, về văn phòng một cửa rất mất thời gian mà vẫn chưa xong việc, muốn phản ánh thì cũng chả biết nói với ai. Giờ có người tự động hỏi mà danh tính mình an toàn, dại gì không nói”, ông Hưng nói.
Không chỉ người dân, một số cán bộ văn phòng một cửa (đối tượng chính để người dân nhận xét) cũng tỏ ra không “ngại” khi có dự án này. “Có dự án thì sẽ rõ hơn, ai sai người đó chịu, không để vì một cá nhân mà cả tập thể mang tiếng”, một cán bộ văn phòng một cửa TP.Đông Hà cho biết. Chị Trần Thị ThuỳTrang, cán bộ văn phòng một cửa H.Triệu Phong, nhận xét dự án “Dân chấm điểm” thực sự đã tạo “áp lực” cho bản thân nhưng đồng tình rằng “cũng chính là động lực để mình hoàn thiện bản thân”.
Không những ủng hộ dự án, chị Hòa, cán bộ văn phòng một cửa TP.Đông Hà, còn góp ý cần tạo thêm một phần mềm kết nối văn phòng một cửa với các phòng ban chuyên môn. “Khi một bộ hồ sơ được lập, người dân sẽ có mã số, mã số này sẽ cho biết hồ sơ của họ đang ở chỗ nào trong quá trình xử lý. Có vậy thì mới biết rõ hồ sơ đang tắc ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai”, chị Hòa nói.
Chưa công bố xếp hạng
Trả lời Thanh Niên về kết quả sơ bộ 3 tháng triển khai dự án, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, cho hay có 2.557 người dân tham gia khảo sát, chiếm gần 40% số người đến làm thủ tục tại 9 văn phòng một cửa. Đa số các văn phòng đều chỉ được người dân chấm ở mức trung bình khá, cá biệt có văn phòng bị phàn nàn nhiều, nhất là việc “trễ hẹn”.
Mặc dù vậy, ông Dũng xin khất chưa công bố xếp hạng của các đơn vị được chấm điểm lần này. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định: “Nếu đơn vị nào yếu kém sẽ được điều chỉnh về thủ tục, cơ chế hoạt động, điều chỉnh tăng cường cơ sở vật chất và thậm chí không loại trừ các biện pháp tổ chức lại nhân sự đối với các cơ quan chuyên môn bị người dân chấm điểm thấp. Riêng các cán bộ nào, văn phòng nào được dân cho điểm cao thì HĐND tỉnh khen thưởng. Điều này đã được đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh chứ không nói suông”. Theo ông Dũng, dự án này kéo dài ít nhất trong 3 năm.
Bên cạnh đó, đại diện Tổ chức Oxfam cho biết sau Quảng Trị, Quảng Bình sẽ là tỉnh tiếp theo sử dụng công cụ M-Score để “chấm điểm” cán bộ.
Xem xét kỷ luật cán bộ, công chức bị dân phê bình nhiều
UBND Q.1 là địa phương đầu tiên tại TP.HCM và trong cả nước thực hiện đánh giá cán bộ, công chức bằng hệ thống tự động.
Theo đó, tại “văn phòng một cửa”, UBND quận gắn một bảng điện tử trước mỗi cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính để người dân tự đánh giá. Chủ tịch UBND Q.1 Phạm Thành Kiên khẳng định nhờ có hệ thống này mà cán bộ, công chức tham gia giải quyết hồ sơ không còn gây khó khăn cho người dân, tinh thần trách nhiệm cũng được nâng lên rõ rệt với tỷ lệ hài lòng đạt 98%.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, Sở đang phối hợp với Sở Nội vụ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM xây dựng hệ thống tự động khảo sát, ghi nhận sự hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công trên địa bàn.
Dự kiến vào tháng 6.2015, hệ thống này triển khai trên website các sở ngành, quận, huyện, và kết quả khảo sát được kết nối tự động với cổng thông tin điện tử của UBND TP. Theo ông Lê Hoài Trung – Phó giám đốc Sở Nội vụ, dựa vào kết quả đánh giá tự động của người dân, cá nhân nào bị người dân phê bình nhiều thì TP sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét kỷ luật và có chế tài đối với người đứng đầu đơn vị.
Đình Phú
|
Đà Nẵng: 98,8% người dân hài lòng dịch vụ hành chính công
Về mức độ hài lòng của công dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công TP.Đà Nẵng, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, có 98,8% đánh giá hài lòng từ mức trung bình trở lên (chất lượng dịch vụ ở quận Liên Chiểu và Hải Châu được đánh giá cao nhất).
Về đánh giá thái độ làm việc của cán bộ công chức viên chức, 89,9% người dân “đồng ý” và “rất đồng ý” cán bộ nhiệt tình và lịch sự, khoảng 0,2% đánh giá “rất không đồng ý” và “không đồng ý”.
Nguyễn Tú
|
Nguyễn Phúc