Quy định mang thai hộ còn bất cập về mặt nhân đạo
“Có thể luật chưa thật phù hợp, chưa đảm bảo tính nhân văn nhưng luật đã ban hành thế nào thì chúng ta phải thực hiện như thế”,
Quy định mang thai hộ còn bất cập về mặt nhân đạo
“Có thể luật chưa thật phù hợp, chưa đảm bảo tính nhân văn nhưng luật đã ban hành thế nào thì chúng ta phải thực hiện như thế”,
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định như vậy về quy định mang thai hộ.
Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia Nguyễn Viết Tiến (giữa) trong một ca phẫu thuật – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Việc mang thai hộ có chỉ định cụ thể theo luật chứ không phải ai không muốn mang thai là được nhờ người mang thai hộ. Vừa qua bệnh viện nhận nhiều cuộc điện thoại đề nghị tư vấn mang thai hộ không vì mục đích nhân đạo mà xuất phát từ việc không muốn thực hiện thiên chức làm mẹ vì sợ mang thai sẽ “phá” sắc đẹp, vóc dáng hoặc làm trì hoãn thăng tiến nghề nghiệp |
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết |
Cũng tại hội thảo phổ biến nghị định 10/CP (NĐ10) quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, do Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hôm qua 31-3, ông Tiến cho rằng: “Tuy mới bắt đầu thực hiện luật nhưng chúng ta đã thấy hơi bất cập về mặt nhân đạo. Những vấn đề này sau này sẽ đề nghị sửa lại luật, chứ hiện tại chúng ta bó tay”.
Vướng nhiều thứ
Mở đầu phần thảo luận, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, một trong ba đơn vị được chọn thực hiện mang thai hộ (Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) – khẳng định ngay khi Bệnh viện Từ Dũ thiết lập quy trình cơ bản đối với những trường hợp mang thai hộ đã gặp ngay một số khó khăn, vướng mắc do quy định chưa rõ ràng.
Theo bác sĩ Diễm Tuyết, thực tế có những phụ nữ không có tử cung và dự trữ buồng trứng của họ cũng không còn nên không có trứng (noãn). Với trường hợp này, để thực hiện mang thai hộ họ phải đi xin trứng của người khác.
Thế nhưng Luật hôn nhân và gia đình cũng như NĐ10 không có quy định vấn đề này thì bệnh viện có thực hiện được không?
Ngoài ra, NĐ10 quy định áp dụng mang thai hộ tại VN cho cả người VN và người nước ngoài nhưng quy định việc cho noãn thì lại chỉ áp dụng cho người VN và Việt kiều. Còn những trường hợp xin tinh trùng lại không đề cập tới. Vậy có áp dụng mang thai hộ cho người nước ngoài hay không?
Bác sĩ Tuyết còn cho biết có người đã gọi điện thoại đến Bệnh viện Từ Dũ hỏi con của họ bị hội chứng Down và sau khi sinh đứa con này người vợ bị băng huyết phải cắt bỏ tử cung, không thể mang thai thì họ có được phép nhờ người mang thai hộ không.
Bà cũng đề nghị xem lại điều 5 khoản 4 (không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau) vì quy định này đi ngược chỉ định chuyên môn: “Bộ nên xem lại có nhầm hay không vì trong những trường hợp người vợ hoặc người chồng, thậm chí cả hai vợ chồng bị bất thường di truyền về chuyển đoạn gen khiến người vợ bị sẩy thai hoài hoặc không có thai được thì sẽ phải xin noãn, hoặc đi xin phôi của người khác mới có thể nhờ người mang thai hộ được”.
“Dù con thế nào cũng là con mình”
Về vấn đề người có con dị tật muốn được mang thai hộ, thạc sĩ Nguyễn Hồng Hải – phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp) – nói người làm luật chỉ quan tâm đến quyền con người chứ không quan tâm đến vấn đề sinh học.
“Cha mẹ sinh con, dù con thế nào cũng là con mình. Sao lại vì có đứa con dị tật mà yêu cầu phải có thêm đứa con bình thường khác? Cặp vợ chồng có con dị tật thì đã có chế độ an sinh riêng cho họ rồi…” – ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến không đồng tình với ý kiến của ông Hải: “Nhìn ở góc độ khác, nếu cặp vợ chồng có đứa con tật nguyền mà được phép nhờ mang thai hộ để có đứa con khỏe mạnh, lành lặn thì không những cặp vợ chồng đó sau này già yếu được đứa con khỏe mạnh này chăm sóc mà nó còn chăm sóc cả người anh, chị bị tật nguyền thì quá nhân đạo đi chứ”.
Còn về việc cho phép người nước ngoài mang thai hộ, ông Hải thừa nhận: “Không ai cấm người nước ngoài mang thai hộ mà chỉ cấm cho noãn và tinh trùng. Bộ Y tế và Bộ Tư pháp sẽ tính toán để có hướng xử lý. Đây là vấn đề pháp lý rất phức tạp nên các anh chị hết sức cân nhắc khi thực hiện”.
TS Nguyễn Huy Quang – vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – cũng cho rằng: “Nếu áp dụng cho người nước ngoài mang thai hộ thì chúng ta giải quyết hệ quả của vấn đề pháp lý thế nào khi người đó trở về đất nước họ? Việc này có thể dẫn tới các xung đột về mặt pháp lý liên quan đến hiệp định thương mại quốc tế, liên quan tới luật của nước họ có cho phép mang thai hộ hay không…”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhận định: “Đúng là hơi bất cập vì quy định mang thai hộ chỉ thực hiện cho cặp vợ chồng nào chưa có con chung – con chung đó dị tật thì cũng chưa được phép thực hiện.
Thực tế có trường hợp bệnh lý di truyền, trước khi chuyển phôi bác sĩ sẽ loại bỏ những phôi bất thường thì họ sẽ có những đứa con khoẻ mạnh. Rất tiếc là luật chưa đề cập đến vấn đề này, làm bó tay chúng ta. Với những cặp vợ chồng không có chỉ định mang thai hộ nhưng người vợ lại có bệnh lý noãn nên không thể có phôi bình thường thì phải xin noãn.
Nhưng luật quy định phải là noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng mới cho mang thai hộ thì chúng ta cũng đành chịu thôi. Nếu chúng ta làm là sai luật. Chỉ còn cách là khuyên họ đi xin con nuôi”.