27/11/2024

Bóng tối đời mẹ, ánh sáng đời con

Chị Yên bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối khi mang thai con đầu lòng được năm tháng.

 

Bóng tối đời mẹ, ánh sáng đời con

 

Chị Yên bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối khi mang thai con đầu lòng được năm tháng.  



Bác sĩ khuyên chị bỏ thai để điều trị bệnh nhưng chị Yên cương quyết: “Dù có chết em cũng không bỏ con”.  

Niềm hạnh phúc của chị Yên bên con gái nhỏ – Ảnh: T.L.
Tôi chia sẻ câu chuyện của mình và mong rằng những người mẹ đừng vì bản thân mình mà bỏ con. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng là người luôn dang tay che chở con của mình… 
Chị Nguyễn Thị Yên

Từ chối điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, chị bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn, chấp nhận đánh đổi sự sống của mình cho đứa con chưa chào đời. Khi con chào đời cũng là lúc ánh sáng đôi mắt của chị tắt hẳn, nhưng chị bảo không hạnh phúc nào lớn hơn lúc được nghe con gọi tiếng “mẹ”. 

“Từ ngày có con, sức khoẻ của nó đã đỡ hơn nhiều rồi” – một cụ già người làng Đông Lao (xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) nói thế khi chúng tôi hỏi đường về nhà chị Nguyễn Thị Yên (34 tuổi, làng Đông Lao). 

Chịu đựng

“Những ai biết mình trước khi sinh đều không ngờ mình có thể sống được tới ngày nay” – chị Yên cười nói vậy khi mở đầu câu chuyện của mình. Trên tay chị, con gái 17 tháng tuổi ngủ yên lành.

Chị Yên phát hiện mình bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối khi mang thai con đầu lòng được năm tháng. Bác sĩ nói với gia đình nên khuyên chị bỏ thai để điều trị bệnh. Vì nếu không điều trị thì chị chỉ có thể sống được hai tháng chứ đừng nói đến việc có thể cứu cả mẹ lẫn con. 

Sau khi khuyên vợ không được, chồng chị Yên gọi rất nhiều anh em nội, ngoại đến bệnh viện. Chị gái Yên nói với em: “Em bị bệnh nặng, nếu muốn điều trị bệnh thì phải bỏ con”. Nghe vậy, chị Yên cương quyết: “Dù có chết em cũng không bỏ con”.

Thấy thái độ cương quyết của chị, mọi người động viên: “Nếu em đã quyết định giữ lại thai thì phải sống vui vẻ lên. Em đừng nghĩ ngợi nhiều nếu không muốn ảnh hưởng đến đứa con trong bụng”. 

“Mình nghĩ nếu sống mà phải bỏ con thì liệu mình sống có thanh thản được không? Hay mình luôn phải sống day dứt vì đã tước đi sự sống của con?” – chị Yên bảo vậy.

Trước quyết định của chị, bác sĩ nói bệnh viện không có phác đồ điều trị ung thư cho phụ nữ mang thai. Bác sĩ kê thuốc giảm đau để chị uống bốn giờ một lần. Vì không chấp nhận điều trị nên chị Yên không được nằm viện. Chồng chị viết đơn tự nguyện ra viện, đại diện hai bên gia đình nội, ngoại phải ký vào thì chị mới được về nhà.

Về nhà, những cơn đau bắt đầu hành hạ chị. Sợ ảnh hưởng đến con, thuốc giảm đau chị cũng không dám uống nhiều. Thương vợ, chồng chị Yên lặn lội đến tận Thái Nguyên tìm thuốc đông y để chị uống. Uống một tháng thì đỡ đau, nhưng đi khám thấy thai nhi không lên cân nào chị phải ngừng uống thuốc. Từ lúc ăn được một bát cơm, chị phải chuyển qua ăn cháo loãng nhưng ăn gì vào đều nôn ra hết. 

Khi thai được 34 tuần thì đôi mắt chị Yên bắt đầu mờ dần, sức khoẻ chị cũng giảm sút trầm trọng. Có lúc đau đớn quá, sợ mình vượt qua không nổi, chị bảo bác sĩ mổ để giữ lại đứa con.

Bác sĩ bảo thai nhẹ cân quá, 34 tuần mà chỉ được 1,3kg, sợ có mổ cũng không nuôi được và khuyên chị gắng để đến tuần thứ 36. Chị về nhà, tiếp tục những cơn đau đớn vật vã của căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Chị đã không còn ăn được cháo loãng, phải truyền nước liên tục, đi phải có người dìu, đôi mắt ngày càng mờ dần.

“Có những lúc đau tưởng như không thể sống được mình lại nghĩ đến con, tự nhủ phải cố gắng thêm chút nữa, rồi những cơn đau vật vã cũng qua” – chị Yên kể lại.  

Sinh con

Khi thai nhi được 36 tuần, chị nhập viện sinh mổ. Trước ngày mổ, bà con, họ hàng kéo đến thăm chị rất đông. Dù không nói ra nhưng ai cũng sợ ca mổ chỉ cứu được con mà không cứu được mẹ, cũng có người lo lắng không thể cứu được cả hai mẹ con.

Khi nhập viện, đôi mắt của chị vẫn còn nhìn thấy ánh sáng mờ mờ nhưng sau khi được gây tê để mổ thì ánh sáng đó hoàn toàn biến mất. Đổi lại là niềm hạnh phúc khi chị được nghe tiếng con khóc chào đời.

Sau ca mổ, câu đầu tiên chị hỏi bác sĩ là: “Con cháu có khoẻ không, có được hai cân không?”. Chị thở phào khi nghe bác sĩ đáp lại: “Khóc to thế này thì khoẻ lắm, được 2,1kg”.

Mổ được ba ngày, chưa nhìn thấy mặt con thì chị Yên phải chuyển sang Bệnh viện Quân y 103 điều trị ung thư. Con gái chị được xuất viện về nhà. Từ lúc sinh ra, bé không được gần mẹ, không được bú một giọt sữa mẹ.

Ở làng, ai sinh con mà nhiều sữa thì lại gọi gia đình chị Yên đến lấy. Chị Yên điều trị 25 ngày thì được bác sĩ cho về nhà nghỉ ngơi để chuẩn bị lần xạ trị hóa chất tiếp theo. Tròn một tháng từ lúc sinh, chị mới được ôm con trong vòng tay mình.

“Mình đang xạ trị hóa chất nên mọi người bảo đừng nên gần con quá nhiều vì sợ ảnh hưởng đến con. Mình chỉ dám ôm con một lúc, vậy mà thấy không hạnh phúc nào sánh được…” – chị bảo.

Điều kỳ diệu

Sau chín tháng điều trị liên tục tại bệnh viện, chị Yên được cho về nhà theo dõi. Bé Lê Hoàng Cẩm Tú, con gái chị Yên, nay đã được 17 tháng tuổi. Dù mắt không còn nhìn thấy nhưng chị Yên vẫn dò dẫm dắt con tập những bước đi đầu tiên.

Trên khoảng sân nhà đầy nắng chiều, chị mò mẫm đi trước, nắm tay con lẫm chẫm đi sau. Như một điều kỳ diệu, từ lúc được về nhà chị Yên đã khỏe hơn, những cơn đau không còn làm chị vật vã như trước. 

“Mẹ con nó là sống sót đấy cháu ạ! Lúc nó quyết định giữ lại cái thai mà từ chối điều trị, ai cũng tưởng nó không qua được. Ai ngờ từ khi có con thì tinh thần phấn chấn, lại khỏe hơn nhiều!” – ông Nguyễn Tài Thường (70 tuổi, bố ruột chị Yên) vui vẻ khoe.

Từ lúc sinh con, chị Yên về nhà ngoại để gia đình tiện chăm sóc. Căn nhà mái ngói, nền gạch cũ là nơi sinh sống của 10 người, trong đó có hai mẹ con chị Yên.

Chồng chị lái taxi. Anh đi làm cả ngày lẫn đêm kiếm tiền mua sữa cho con và chữa bệnh cho vợ. Thỉnh thoảng anh về thăm vợ con nhưng chỉ ở được một hai giờ rồi phải đi vì có muốn ngủ lại nhà cũng không đủ chỗ.

Bé Cẩm Tú giống bố y hệt, trắng trẻo, bụ bẫm và hoàn toàn khỏe mạnh. Chị Yên thường tưởng tượng khuôn mặt con qua những lời khen ấy của mọi người. 

“Giờ mình sống được ngày nào thì cũng vì con. Mai này có chết đi mình cũng đã để lại một đứa con cho đời, là tình yêu mà mình dành cho chồng” – chị Yên cười bảo vậy.

Nước mắt rơi khi chị kể lại những ngày đau bệnh, nhưng rồi chị cười ngay khi nhắc đến con. Trên tay mẹ, bé Cẩm Tú cứ cầm đồ rồi ném xuống nền nhà để mẹ phải mò mẫm đi tìm. Chị cười với con và nhẹ nhõm bảo rằng cái chết chỉ đơn giản là “ông trời đã cất đi hơi thở của mình thì mình có muốn sống thêm cũng không được”.

Tình yêu thương bao la đã giúp người phụ nữ ấy vượt qua lằn ranh giữa sự sống – cái chết, để lại một đứa con cho đời.

 

TÂM LỤA