Nộp hàng trăm hồ sơ mang thai hộ, thông qua chưa được 10
Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản trung ương lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc. Những người đến đây hầu hết đều chung nỗi niềm hiếm muộn.
Nộp hàng trăm hồ sơ mang thai hộ, thông qua chưa được 10
Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản trung ương lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc. Những người đến đây hầu hết đều chung nỗi niềm hiếm muộn.
Đến nay mới có khoảng 10 hồ sơ mang thai hộ được thông qua – Ảnh minh hoạ |
Xen lẫn những ánh nhìn lạc quan, hi vọng có cả nỗi buồn chán chường, thất vọng của những người hàng chục năm trên chặng đường tìm kiếm con mà không thành…
Không dễ tìm người theo đúng luật
Đang chờ kết quả xét nghiệm máu, chị N.T.T.H. (44 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể chị đã có một con trai 15 tuổi.
Khi con trai được 3 tuổi, vợ chồng chị H. đã tính đến chuyện sinh thêm con nhưng những lần sau này đều bị sảy. Sau đó có hai năm vợ chồng chị cố gắng nhưng không đậu thai, đi khám thì được biết chị H. bị tắc một bên vòi trứng.
Bắt đầu từ năm 2007, chị H. thử các phương pháp hỗ trợ sinh sản, thế nhưng lần nào cũng là “điệp khúc” sảy thai hoặc thai chết lưu.
Rơm rớm nước mắt, chị H. kể tiếp gần đây nhất là vào năm 2012, chị H. làm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được bảy phôi, lần đầu cấy được ba phôi khỏe mạnh, sau khi giảm thiểu còn hai phôi thành hai thai song sinh nhưng một thai sau đó bị chết lưu, thai còn lại chưa đầy bảy tháng cũng mất…
Còn bốn phôi chị H. tính làm luôn nhưng vì sợ “sảy quen dạ”, tuổi cao, khả năng thành công sẽ không cao.
Đến nay, vợ chồng chị H. vừa mừng rỡ khi Luật mang thai hộ đã được thông qua nhưng lại “chưng hửng” vì không thể tìm được người có đủ tiêu chí mang thai hộ.
Cũng tương tự chị H., chị N.T.T. (Đà Lạt, Lâm Đồng) kể vợ chồng chị bị vô sinh không rõ nguyên nhân. Mười năm nay vợ chồng chị chạy chữa khắp nơi, từ Nam ra Bắc, trong đó có 3-4 lần thụ tinh ống nghiệm, gần đây nhất có đậu được bốn phôi, lần mang thai đầu cấy được hai phôi nhưng trong lúc mang thai lại bị sảy.
Lần này vợ chồng chị tiếp tục cấy phôi, thế nhưng lại lo ngại khả năng thành công không cao nên rất muốn tìm người mang thai hộ… Tuy nhiên suốt cả tháng trời anh chị không tìm được người đạt yêu cầu theo đúng luật.
Mỗi người cần 4-5 loại giấy tờ
Theo ông Nguyễn Viết Tiến – thứ trưởng Bộ Y tế kiêm giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, chỉ sau nửa tháng quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực thực thi (từ ngày 15-3), số người nộp hồ sơ đăng ký nhờ mang thai và mang thai hộ tại ba trung tâm được phép triển khai kỹ thuật này (Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) đã lên đến hàng trăm, nhưng số hồ sơ thông qua chưa được 10 cặp.
“Mỗi cặp mang thai và nhờ mang thai hộ cần 4-5 loại giấy tờ, ví dụ như người mang thai hộ là người đã ly hôn phải có quyết định ly hôn của tòa án (bản có dấu đỏ), người đang có vợ/chồng thì có văn bản đồng ý của cả vợ và chồng bên mang thai và nhờ mang thai hộ, có xác nhận của chính quyền địa phương về quan hệ họ hàng… Văn bản có cam kết của vợ/chồng hai bên rất khó làm giả vì trong thời gian thực hiện kỹ thuật khá dài thì trung tâm hoàn toàn có thể thẩm tra được” – ông Tiến nói.
Trả lời về việc các quy định hiện tại có quá khắt khe, ông Tiến cho rằng đây là giai đoạn đầu tiên triển khai quy định, người có nhu cầu nhờ/mang thai hộ chưa quen với các quy định nên nhiều người cho là rắc rối, nhưng nếu tập trung để chuẩn bị thì ông Tiến cho rằng những hồ sơ được yêu cầu là không khó khăn.
“Nếu người nhờ mang thai hộ không có chị em ruột để nhờ mang thai hộ thì có thể nhờ chị em là họ hàng, con cô con cậu, con chú con bác…
Đây là một quy định nhân văn, nếu để thực hiện một việc làm nhân văn mà quy định khó khăn quá, không thực hiện được thì Bộ Y tế sẽ bàn bạc với các bộ ngành có liên quan để sửa chữa các quy định theo hướng khả thi hơn” – ông Tiến khẳng định.
Hôm nay hướng dẫn triển khai tại TP.HCM Ngày 31-3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị nhằm hướng dẫn triển khai quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại TP.HCM. Theo ông Nguyễn Viết Tiến, đây thật sự là kỹ thuật nhân văn, không thể thương mại hoá. Tuy nhiên, ngay cả một trong những người có hồ sơ nhờ mang thai và mang thai hộ đã được thông qua ở Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng cho rằng cần sửa đổi quy định để những gia đình hiếm muộn có thêm cơ hội tìm con, nếu không tuổi ngày càng cao (vì thời gian chờ đợi khâu hồ sơ kéo dài) thì cơ hội tìm con càng khó khăn hơn với họ. |