09/01/2025

Cam kết chấm dứt không nằm ghép = nằm hành lang

Đã có trên 20/38 bệnh viện tuyến trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, trong đó có cả những bệnh viện vốn là điểm nóng về quá tải.

 

Cam kết chấm dứt không nằm ghép = nằm hành lang

 

 Đã có trên 20/38 bệnh viện tuyến trung ương ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, trong đó có cả những bệnh viện vốn là điểm nóng về quá tải. 




 

 

Bệnh nhân nằm kín hành lang khoa chấn thương – chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức – Ảnh: Quỳnh Liên

Tuy nhiên việc cam kết trên giấy với việc thực hiện là không đồng nhất.

Chúng tôi trở lại Bệnh viện Việt Đức sau ngày bệnh viện này ký cam kết không nằm ghép gần hai tháng.

Ghi nhận tại hầu hết khoa, phòng nội trú đều không có tình trạng nằm ghép, nhưng tại một số khoa, bệnh viện phải kê thêm giường ra hành lang cho bệnh nhân điều trị nội trú.

Cháu tôi được điều trị trong thời gian ngắn là bác sĩ cho về nên ngay sau đó lại phải nhập viện vì tái phát. Lần nào cháu cũng chỉ đỡ được 70-80% là các bác sĩ cho về. Gia đình tôi xin cho cháu ở lại để điều trị dứt điểm nhưng không được
Bà NGUYỄN THỊ NĂM
(ở Phú Thọ, đi nuôi cháu tại Bệnh viện Nhi T.Ư)

Không nằm ghép = nằm hành lang

Ghi nhận của chúng tôi tại khoa chấn thương – chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức trong ngày 27-3, dọc hai bên hành lang là hai dãy khoảng 20 giường bệnh xếp hàng dài từ đầu đến cuối hành lang khiến lối đi bị thu hẹp rất bất tiện.

Kê giường bệnh ở hành lang nhưng thiếu diện tích kê tủ đựng đồ nên nhiều bệnh nhân phải để đồ đạc cá nhân nơi bậu cửa sổ khiến hành lang khoa này rất giống với bệnh viện dã chiến hay đang trong mùa dịch.

Bà N.T.T., 54 tuổi, một người nhà bệnh nhân ở đây, cho biết so với việc nằm ghép thì nằm một người một giường mặc dù ở hành lang cũng thoải mái hơn. Tuy nhiên, tâm lý bệnh nhân vẫn thích nằm trong phòng thay vì nằm ngoài hành lang vì có cảm giác nhếch nhác, tạm bợ.

Bệnh viện Nhi T.Ư vốn được xem là điểm nóng về quá tải.

Cách đây một năm, vào mùa dịch sởi 2014 tình trạng 3-4 bệnh nhi nằm một giường ở bệnh viện này rất phổ biến nên khi bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép (trong khi chưa có sự thay đổi về cơ sở vật chất) khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ.

Chưa kịp khỏi đã… ra viện?

Hiện tại, cũng giống như Bệnh viện Việt Đức, hầu như tất cả khoa phòng nội trú của Bệnh viện Nhi T.Ư đều không có bệnh nhân nằm ghép, thậm chí không có bệnh nhân nằm ngoài hành lang.

Mặc dù đang vào thời điểm giao mùa, nhiều loại bệnh bùng phát ở trẻ nhỏ nhưng gần như không có cảnh trẻ phải nằm ghép 2-3 người một giường như trước kia.

Riêng khoa khám bệnh của bệnh viện này vẫn là hình ảnh chen chúc, chật chội với số lượng bệnh nhân từ nhiều tỉnh đổ dồn lên khám…

Đưa con làm thủ tục khám lại theo lịch hẹn, chị Lữ Thị Phong – 29 tuổi ở Hòa Bình – kể ngày 17-3 chị cho con đi khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư, cháu được chẩn đoán mắc viêm phổi và được chuyển lên khoa hô hấp để điều trị.

Chiều tối cùng ngày, chị mới hoàn thành thủ tục nhập viện cho con và bé chỉ mới uống xong vài giọt thuốc, nhưng đến sáng 18-3 bác sĩ đã bảo bé khỏi bệnh và cho ra viện.

Thấy con vẫn mệt, chị Phong xin được ở lại để điều trị nhưng bác sĩ nhất định không cho mà cho giấy hẹn ba ngày sau khám lại…

Bà Nguyễn Thị Năm, từ Phú Thọ lên trông cháu tại Bệnh viện Nhi T.Ư, phản ảnh cháu bà 4 tháng tuổi do sinh non nên thường mắc các bệnh về đường hô hấp, đã ba lần phải điều trị tại khoa hô hấp bệnh viện này vì cháu chưa khỏi hẳn bác sĩ đã cho về nên bệnh tái đi tái lại.

Bà Năm kể không riêng cháu bà, có cháu còn ho sù sụ, gia đình xin ở lại để điều trị dứt điểm nhưng bác sĩ không đồng ý.

“Bác sĩ nói ở đây chỉ tổ lây nhiễm rồi cho về, nhưng sau đó vài hôm bệnh trở nặng gia đình lại đưa cháu nhập viện” – bà Năm kể.

Theo bà Năm, mỗi lần đưa cháu đi viện trở đi trở lại từ Phú Thọ – Hà Nội rất mệt mỏi, nhưng do điều trị tại bệnh viện tuyến dưới không yên tâm vì nhiều lần tuyến dưới chữa trị cho cháu bà không khỏi.

Giảm quá tải: phải từ tuyến dưới

Trả lời Tuổi Trẻ hôm 29-3 về việc bệnh viện tuyến trên có thể cho bệnh nhân ra viện và chuyển về tuyến dưới điều trị khi bệnh nhân chưa bình phục hoàn toàn, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng ở nước ngoài cũng thực hiện mô hình này, còn ở VN Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện từ lâu.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận ở nước ngoài khi chuyển bệnh nhân về tuyến dưới thì có sự quản lý của bác sĩ gia đình, còn ở VN hệ thống y tế chưa hoàn toàn đầy đủ, rất thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi, ung bướu, chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật.

Vì vậy, có những trường hợp chuyển về tuyến dưới bệnh tái phát, bệnh nhân phải quay lại tuyến trên rất vất vả, có khi còn ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân.

Hôm 28-3 đã có thêm một trung tâm điều trị ung bướu được khánh thành ở tỉnh Quảng Ninh, cơ hội cho bệnh nhân tỉnh Quảng Ninh không phải đi Hà Nội điều trị ung bướu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết bộ đang triển khai 45 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh để người bệnh không phải chuyển tuyến lên T.Ư (mới nhất là sự hỗ trợ của Bệnh viện E về kỹ thuật mổ tim hở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá).

Tuy nhiên, trong thời điểm chỉ mới triển khai bệnh viện vệ tinh mà 38 bệnh viện T.Ư đã có lộ trình chấm dứt nằm ghép trước tháng 9 năm nay thì có vẻ quá vội vã.

Theo tính toán, một số bệnh viện như K, Bạch Mai sẽ khó cam kết chấm dứt nằm ghép ở phạm vi toàn bệnh viện, mà chỉ dám cam kết ở phạm vi cơ sở hoặc khoa.

Đành rằng chấm dứt nằm ghép là mơ ước từ lâu nay của người bệnh, nhưng nếu cam kết ấy được thực hiện khi cơ sở tuyến dưới đã trưởng thành thật sự thì người bệnh mới thật sự đỡ khổ.

QUỲNH LIÊN – LAN ANH