10/01/2025

Đổi thay ở “đảo Đài Loan”

Hơn mười năm trước, “phong trào” lấy chồng nước ngoài bùng lên ở cù lao Tân Lộc (nay là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).

 

Đổi thay ở “đảo Đài Loan”

 

Hơn mười năm trước, “phong trào” lấy chồng nước ngoài bùng lên ở cù lao Tân Lộc (nay là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). 




 

 

Phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm cho phụ nữ ở cù lao Tân Lộc khiến họ không còn nghĩ đến chuyện lấy chồng nước ngoài – Ảnh: Tấn Đức
Mình không ủng hộ cũng không ngăn cản chị em lấy chồng nước ngoài, mà chỉ tâm tình, phân tích mọi lẽ được mất, thiệt hơn để họ tự quyết. Và may thay, tới giờ này cứ mười người thì hết tám đã nói với tui lấy chồng xa xứ biết đâu mà về
Bà LÊ THỊ KIỀU LAM (Hội Phụ nữ phường Tân Lộc)

Có dạo người ta còn gọi đây là “đảo Đài Loan”, bởi số cô dâu theo chồng về xứ Đài ở đây cao nhất nhì so với các xã, phường khác ở miền Tây Nam bộ, với gần 700 trường hợp.

“Cơn sóng” lấy chồng Đài Loan vỗ qua cù lao Tân Lộc đã lùi xa. Bây giờ – như lời Kim Trinh, cô gái có gương mặt tươi như hoa đang hái mận trong vườn:

“Lấy chồng cùng xứ yên tâm hơn, được ở gần cha mẹ, mà công ăn việc làm cũng không đến nỗi phải lo. Chịu khó làm việc, một buổi đứng cũng được trả công hơn trăm ngàn đồng. Chiều ở nhà nấu cơm cho chồng con, tối cả nhà xúm lại coi phim hoặc nghe ca nhạc. Vậy là hạnh phúc”. 

Lấy chồng xa xứ biết đâu mà về!

Vợ chồng Trinh đều là dân xứ cù lao, nhà ở khu vực An Hòa. Ngoài thửa đất 1.500mtrồng rau màu, chồng có nghề quay chậu (làm chậu hoa kiểng) bỏ mối cho các chủ vườn bông, Trinh đi làm thuê, chịu cực chút nhưng gần cha mẹ và quan trọng hơn “được sống đời với người thương” vẫn sướng gấp trăm lần phập phồng đánh đổi vận may nơi xứ người.

Đó cũng là tâm trạng của nhiều cô gái trẻ mà chúng tôi tiếp xúc, trong lúc các cô vẫn miệt mài quệt mồ hôi làm việc ăn công nhật.

“Bên cạnh nghề nông, mấy năm qua hội phụ nữ địa phương còn tổ chức dạy các nghề thêu, nấu ăn, trang điểm… miễn phí cho hàng trăm phụ nữ, đồng thời hỗ trợ chi phí đi lại và tặng trang thiết bị học tập. Nhiều người sau khoá học nghề ngắn hạn giờ đã có thể tham gia các cơ sở may quần áo gia công hoặc nhận hàng về may tại nhà, với nguồn thu nhập trên 250.000 đồng mỗi ngày” – bà Lê Thị Kiều Lam, cán bộ Hội Phụ nữ phường Tân Lộc, cho hay.

Nhiều năm qua, cùng với những thành viên khác trong hội, bà thường xuyên làm “quân sư” chuyện tình cảm cho những chị em có ý định lấy chồng nước ngoài.

“Mình không ủng hộ cũng không ngăn cản chị em lấy chồng nước ngoài, mà chỉ tâm tình, phân tích mọi lẽ được mất, thiệt hơn để họ tự quyết. Và may thay, tới giờ này cứ mười người thì hết tám đã nói với tui lấy chồng xa xứ biết đâu mà về” – bà Kiều Lam nói vui.

Tạo việc làm

Ông Đỗ Trung Ngôn, phó chủ tịch UBND phường Tân Lộc, cho biết cù lao Tân Lộc rộng khoảng 32km2, trước năm 1990 người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng mía và chế biến đường, làm rượu mật với trên 300 lò nấu. Tuy nhiên do công nghệ lạc hậu, nghề làm đường ở đây dần đi đến bờ vực phá sản.

Phong trào lấy chồng nước ngoài xuất hiện trong bối cảnh đó. Thoạt đầu là những gia đình nghèo, làm ăn thất bát, con cái không có điều kiện học hành, tìm việc làm rất khó khăn nên bấm bụng lấy chồng nước ngoài với hi vọng đổi đời cho bản thân và gia đình. Họ may mắn gặp những ông chồng tốt bụng, chu cấp tiền cho nhà gái mua xe, cất nhà.

Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, tạo thành cơn sóng lấy chồng nước ngoài.

Xác định nguyên nhân đa số thiếu nữ ở cù lao này lấy chồng nước ngoài do có hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm nên địa phương đã tập trung chuyển đổi kinh tế, phát triển nhiều ngành nghề để tạo ra nhiều sự lựa chọn, thu hút lao động.

Những loại cây trồng được xem là “mũi nhọn” phù hợp với đất cù lao đã ra đời như mận An Phước, xoài, ổi cùng nhiều loại rau màu đặc sản đã dần đánh bạt cây mía. Cùng lúc đó, các xóm nghề tiểu thủ công như may mặc, đan lát, chế biến thuỷ sản, làm hàng thủ công mỹ nghệ… cũng ra đời.

Phát triển kinh tế đã tạo ra việc làm và việc làm đã góp phần làm thay đổi ý định “nhắm mắt đưa chân” theo chồng nước ngoài của nhiều chị em.

“Ở xứ cù lao này bây giờ không lo thiếu việc. Những tháng trong và sau Tết Nguyên đán là mùa mận. Mận chín đỏ khắp cù lao. Một công mận 15 người vừa hái vừa phân loại rồi cho vô bao xốp, đóng thùng để bán trong nước hoặc xuất sang Trung Quốc” – ông Nguyễn Phước Thu, chủ vườn mận rộng hơn 2ha, hằng ngày thuê mướn hàng chục lao động, nói.

Qua mùa mận lại tới mùa ổi, củ kiệu, đậu phộng, rồi thu hoạch lúa… Những mùa vụ cứ nối tiếp nhau. Để đáp ứng nhu cầu nhân công thời vụ rất lớn, người ta lập ra các “tập đoàn lao động”, tùy theo công việc có thể lên tới 

70-80 người, trong đó đông nhất vẫn là giới nữ. Bà Nguyễn Thị Thành, phụ trách nhóm lao động chuyên trồng và thu hoạch củ kiệu, cho hay: “Ngày trước nhiều chị em vì khó khăn nên mới lấy chồng nước ngoài khi chưa hiểu gì phía bên chồng, chứ bây giờ có việc làm tại quê nhà thì không ai dại gì nhắm mắt đưa chân”.

Mong ước của người xa xứ

“Quê mình thay đổi nhiều” – đó là tâm sự của Lê Thị Hằng, ngụ ấp Trường Thọ 2, một trong những phụ nữ theo chồng về Đài Loan sớm nhất ở cù lao Tân Lộc.

Hằng không giấu chuyện 17 năm trước chị đồng ý lấy chồng vì một phần muốn giúp cha mẹ thoát cảnh nghèo khó và bản thân chị cũng muốn có một tương lai tươi đẹp hơn cuộc sống u ám lúc đó.

Hằng đã làm được điều đó. Ở tuổi 40, chị đã tạo dựng được một cơ ngơi làm ăn khá ổn định tại Đài Loan. Cậu con trai của Hằng năm nay đã 15 tuổi, học giỏi và rất ngoan. Đó là niềm vui, hạnh phúc và cũng là thành quả của những ngày tháng chăm chỉ làm việc của chị.

“Gia đình tôi rất khó khăn, đất đai đã bị cầm cố hết, do vậy tôi phải đi Đài Loan để lấy chồng và giúp ba mẹ. Lúc đầu rất vất vả và khó khăn nhưng sau này được bạn bè giúp đỡ, chia sẻ đã giúp tôi tạo dựng được cơ sở làm ăn và có số tiền khá lớn. Khi khá giả tôi gửi tiền về giúp ba mẹ chuộc lại đất đai, xây nhà cửa và hỗ trợ xây dựng cầu đường trong đất cù lao”.

Hằng cho biết sẽ cố gắng làm việc và tích luỹ để nuôi con ăn học, nếu có điều kiện sau này sẽ trở về nước sinh sống. “Về quê vẫn là về với cội nguồn, về để thờ cúng cha mẹ ông bà tổ tiên. Như vậy mới hợp với đạo lý của một người con người cháu trong gia đình” – Hằng nói.

Từ ngày theo chồng qua Đài Loan, đây là lần thứ hai về thăm quê, Hằng bảo thấy nhà được xây lại khang trang, nội thất ấm cúng, bàn thờ tổ tiên ông bà cũng trang trọng hơn. Được dọn dẹp sơn sửa đồ dùng trong nhà rồi thắp nhang cúng lạy tổ tiên mỗi tối – những việc làm tưởng như đơn giản ấy lại khiến chị thấy lòng ấm lại.

Vui hơn khi thấy nhà cô Hai, chú Bảy và nhiều ngôi nhà hàng xóm đã được xây cao hơn, rộng hơn. Khi mới bước chân về tới đầu vàm kênh Xáng, được bà con gọi chào, chúc mừng, Hằng thấy như mình đã trở về với chốn thân yêu, thấy như chưa xa quê hương ngày nào cả.

Hằng bảo bây giờ không còn nghe ai xì xầm “gái lấy chồng Đài Loan” như một thời xã hội vẫn hay thị phi, mà dành cho chị những lời thân mật gần gũi như con cháu trong gia đình. Chị hiểu rằng những vất vả và buồn tủi khi phải “xuất giá tòng phu” xa xứ một thời nay đã qua từ lâu.

Số phụ nữ lấy chồng nước ngoài giảm 60%

Tính tới tháng 1-2015, trên địa bàn quận Thốt Nốt có hơn 3.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trong đó nhiều nhất là lấy chồng Đài Loan (1.680 người) và Hàn Quốc (1.198 người). Qua ghi nhận có 32 chị em trở về địa phương sinh sống hoặc có chồng khác.

Bà Nguyễn Kim Phượng, chủ tịch Hội Phụ nữ quận Thốt Nốt, cho biết: “Phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đang có xu hướng giảm nhanh. Nếu trước đây mỗi năm có hàng trăm trường hợp lấy chồng nước ngoài, thì trong năm 2014 trên địa bàn quận Thốt Nốt chỉ có 45 trường hợp.

Chúng tôi thường xuyên cung cấp những thông tin cần thiết và tư vấn tâm lý cho những chị em có ý định lấy chồng nước ngoài để họ suy nghĩ, tự quyết tương lai. Kết quả sau từng năm, có trên 60% chị em từ bỏ ý định lấy chồng nước ngoài”.

TẤN ĐỨC – QUANG VINH