Quốc hội cần biết thực trạng oan sai
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên họp đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự ngày 19-3.
Quốc hội cần biết thực trạng oan sai
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên họp đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự ngày 19-3.
Ảnh: Việt Dũng |
Nghiên cứu thì thấy rằng lời khai nhận tội được coi trọng hơn các chứng cứ gỡ tội khác, thậm chí có tình trạng hợp thức hóa các chứng cứ khác để phù hợp với lời khai nhận tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng thường chỉ cố gắng xác định chứng cứ buộc tội nhưng lại xem nhẹ các chứng cứ gỡ tội |
Bà Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp) |
Tại phiên họp đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (ngày 19-3), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan tố tụng báo cáo thật về thực trạng bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai.
“Tôi đề nghị cần làm rõ thực trạng oan sai trong tố tụng hình sự, giữa báo cáo với tình hình thực tế phải tương đồng nhau, tức là báo cáo phải sát thực. Khi chúng tôi đi giám sát ở nhiều địa phương, nhiều nơi báo cáo rằng không có oan sai nhưng cũng không loại trừ có oan sai.
Trong thực tế, nhiều vụ án đương sự có đơn suốt thời gian dài, rất quyết liệt, bức xúc” – đại biểu Nguyễn Thái Học, thành viên Uỷ ban Tư pháp, đặt vấn đề. Ông Học cũng đề nghị phân tích rõ con số 226 đối tượng chết tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam trong ba năm qua.
“Báo cáo nói rằng nguyên nhân chủ yếu là chết do bệnh lý, do tự sát. Vậy có nguyên nhân thứ yếu không và nguyên nhân thứ yếu ở đây là gì?” – ông Học hỏi.
Ảnh: Việt Dũng |
Cần lý giải tại sao không có tội mà ở cơ quan điều tra người ta lại nhận tội, mặc dù người ta biết tội đó chỉ có đi tù chung thân hoặc tử hình? Phải chăng là dùng nhục hình làm người ta sợ quá nên phải nhận? Vai trò của kiểm sát trong những vụ án này thế nào? |
Ông Nguyễn Văn Hiện (chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) |
Hội chứng kêu oan?
Khẳng định lại nội dung có trong báo cáo, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết nguyên nhân các đối tượng chết trong trại tạm giam, nhà tạm giữ vẫn là “bệnh lý và tự sát là chủ yếu”.
Đề cập vấn đề oan sai, ông Lượng cho rằng thời gian qua báo chí đưa lên một số vụ “nên nó thành hội chứng, chỗ nào cũng kêu oan”!
“Trả lời như anh Lượng thì chưa thỏa đáng, chắc chắn nhiều đại biểu Quốc hội sẽ không tán thành” – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng lên tiếng. Ông Hùng thấy ngạc nhiên vì báo cáo của Bộ Công an phân chia làm hai loại là treo cổ và tự tử.
“Vậy thì treo cổ là tự mình treo hay người khác treo? Điều kiện tạm giam, tạm giữ thế nào mà tự tử dễ như vậy? Chết vì bệnh lý thì tôi xin hỏi có những bệnh như vảy nến, suy nhược cơ thể… thì trong điều kiện bình thường những người đó có bị chết không? Trách nhiệm của cơ quan tạm giam, tạm giữ thế nào?” – ông Hùng nêu một loạt câu hỏi.
Ông Hùng đồng thời đề nghị phân tích rõ chất lượng tiếp nhận và xử lý các đơn thư khiếu nại tố cáo về bức cung, dùng nhục hình, oan sai. Ông dẫn vụ án cụ thể được dư luận quan tâm là vụ Nguyễn Thị Nguyệt Nga ở Bắc Giang. “Trong vụ này có những chi tiết mà nếu nêu ra công luận thì sẽ không thể nào chấp nhận được” – ông Hùng nói.
Sáng 4-11-2013, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi) được trả tự do bằng quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án chung thân về tội danh “giết người”. Trong ảnh: ông Nguyễn Thanh Chấn (áo trắng) trở về trong vòng tay của những người thân sau 10 năm lãnh án oan – Ảnh: X.Long |
Sao lại nhận tội?
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga mở đầu phát biểu bằng việc ghi nhận thành tích của các cơ quan điều tra trong công tác đấu tranh chống tội phạm.
“Trong hàng trăm ngàn vụ án thì chúng ta phải khẳng định tỉ lệ các vụ có oan sai là rất nhỏ” – bà Nga nói. Đồng thời bà Nga cũng nhấn mạnh tuy là tỉ lệ nhỏ nhưng có những vụ lại đặc biệt nghiêm trọng, tác động rất lớn đến cá nhân, gia đình và dư luận xã hội. Đây lại là những vụ án rất phức tạp, giết người cướp của…
Câu hỏi của đại biểu Nga là tại sao những vụ như Huỳnh Văn Nén (được xác định oan trong vụ giết bà Dương Thị Mỹ), Nguyễn Thanh Chấn lại nhận tội ngay giai đoạn đầu của điều tra, dù lúc đó sức khoẻ tâm thần họ bình thường?
Tại sao bị can không thực hiện hành vi phạm tội mà lại nhận tội? “Nghiên cứu thì thấy rằng lời khai nhận tội được coi trọng hơn các chứng cứ gỡ tội khác, thậm chí có tình trạng hợp thức hoá các chứng cứ khác để phù hợp với lời khai nhận tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng thường chỉ cố gắng xác định chứng cứ buộc tội nhưng lại xem nhẹ các chứng cứ gỡ tội” – bà Nga bình luận.
“Cần lý giải tại sao không có tội mà ở cơ quan điều tra người ta lại nhận tội khi người ta biết tội đó chỉ có tù chung thân hoặc tử hình? Phải chăng là dùng nhục hình làm người ta sợ quá nên phải nhận? Vai trò của kiểm sát trong những vụ án này thế nào?” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói thêm.
Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong xác nhận: “Riêng trường hợp vụ Nguyễn Thanh Chấn thì có hành vi nhục hình, đánh ông Chấn gãy tay (nhưng điều tra viên ấy chết rồi), nếu điều tra viên ấy chưa chết thì chắc chắn chúng tôi sẽ khởi tố. Vụ Huỳnh Văn Nén thì xảy ra quá lâu, bây giờ cơ sở pháp lý để xác minh có hay không dùng nhục hình thì chúng tôi sẽ vẫn tiến hành quyết liệt, cẩn thận để làm rõ”.
Về vụ án Nguyễn Thị Nguyệt Nga, trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết đã tước quân tịch, khởi tố bắt hai điều tra viên là thiếu tá Nguyễn Danh Ngọc và thiếu tá Đào Mạnh Tiến về hành vi dùng nhục hình. “Quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm minh. Vụ án đang trong quá trình điều tra nhưng bước đầu đã làm rõ được hành vi nhục hình” – ông Lượng nói.
Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, đại diện TAND tối cao cho biết trong cuộc họp liên ngành ngày 18-3, viện trưởng Viện KSND tối cao đã cho ý kiến là cần phúc tra thêm một số nội dung nữa trước khi kết luận để báo cáo.
Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan hữu quan và thành viên đoàn giám sát bổ sung, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội nắm rõ thực trạng thật về oan sai và các nguyên nhân dẫn đến oan sai. Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc trong hôm nay (20-3) để thảo luận về một số vụ án cụ thể.
Bị oan còn bị cò kè Bình luận về công tác bồi thường cho người bị oan, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng hiện nay “thủ tục rất phức tạp, nhiêu khê, mất thời gian, ví dụ vụ ông Chấn tôi đọc trên phương tiện thông tin đại chúng cho biết ông và gia đình đã phải nộp khoảng 100 loại giấy tờ”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói thêm: “Người ta đã bị oan rồi thì cớ sao lại bị trì hoãn quá trình bồi thường, xin lỗi người ta. Có những vụ kéo dài ba năm trời mới xong. Người ta bị oan rồi sao lại còn bị cò kè bớt một thêm hai nữa. Tôi nghĩ đã đến lúc giao cho cơ quan nào đó để thực hiện bồi thường một cách khách quan cho người bị oan, chứ không nên để như hiện nay là cơ quan làm oan lại đi thoả thuận bồi thường”. |