11/01/2025

Giám sát oan sai

Hôm qua, UBTV QH đã tổ chức họp đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

 

Giám sát oan sai

 

 

Hôm qua, UBTV QH đã tổ chức họp đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

 

 

Ông Chấn trong ngày được thả Ông Chấn trong ngày được thả – Ảnh: Hà An

Tham gia phiên họp có Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đại diện các ủy ban của QH, đại diện các bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, NN-PTNT, đại diện Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Tư pháp.

 3 năm có 226 trường hợp chết khi bị tạm giam, tạm giữ

Theo báo cáo của Bộ Công an do trung tướng Trần Trọng Lượng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm – trình bày tại phiên họp, từ năm 2012 – 2014, số người bị bắt, tạm giữ hình sự lên tới trên 200.000 người.

 
 
Giám sát oan sai - ảnh 2

Báo cáo của Bộ Công an cho biết có 226 đối tượng chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý, do đối tượng tạm giữ tạm giam tự sát. Vậy có nguyên nhân thứ yếu không? Nguyên nhân đó là gì?

Giám sát oan sai - ảnh 3
 

Ông Nguyễn Thái Học - 
thành viên Ủy ban Tư pháp QH

 

Ông Nguyễn Thái Học (Phú Yên), thành viên Uỷ ban Tư pháp QH, đề nghị làm rõ hơn các số liệu đã được báo cáo. “Báo cáo của Bộ Công an cho biết có 226 đối tượng chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý, do đối tượng tạm giữ tạm giam tự sát. Vậy có nguyên nhân thứ yếu không? Nguyên nhân đó là gì?”, ông Học nêu câu hỏi.

Cho rằng lý do như đại diện Bộ Công an trình bày là không thuyết phục, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện yêu cầu phải làm rõ thêm nguyên nhân chết người. “Người có hành vi phạm tội khỏe lắm mới phạm tội được”, ông Hiện nói. Cũng theo ông Hiện, qua kinh nghiệm hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực tư pháp, ông nhận thấy những năm gần đây tình trạng chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam xảy ra nhiều hơn trước.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của QH, đặt ra một loạt câu hỏi: “Theo Phụ lục 3 của báo cáo các đồng chí phân loại các trường hợp chết do treo cổ và tự tử. Tại sao lại tách riêng treo cổ và tự tử? Phải chăng chết do treo cổ là do người khác treo? Điều kiện giam giữ như thế nào để dẫn đến số người bị tạm giam, tạm giữ chết nhiều như vậy, nhiều hơn cả bệnh lý”. Theo ông Hùng, pháp luật đã có quy định khi bị tạm giữ, tạm giam thì cơ quan tạm giữ, tạm giam phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn tính mạng sức khỏe cho người bị tạm giam, tạm giữ.

Tiếp đó, ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị làm rõ về các trường hợp chết do bệnh lý khi bị tạm giam, tạm giữ. “Trong báo cáo các đồng chí có nêu về các trường hợp chết vì HIV và một số bệnh bất khả kháng khác thì không đặt vấn đề. Nhưng còn có những bệnh khác liệu nếu không bị tạm giam giữ có chết không. Ví dụ trong này nêu chết vì bệnh vảy nến, chết vì suy nhược cơ thể. Nếu không bị tạm giam, tạm giữ có chết không. Rồi bệnh tim thì có thể đột tử. Nhưng nhiều trường hợp bệnh tim ở điều kiện thường có thể qua khỏi được. Vậy trách nhiệm của cơ quan tạm giam, tạm giữ như thế nào?”, ông Hùng chất vấn và nói thêm: “Tôi đọc báo cáo thấy các trường hợp chết do tự sát treo cổ quá nhiều, vậy điều kiện giam giữ ra sao?”.

Giám sát oan sai - ảnh 4Bà Nguyễn Thị Bằng (ngụ Đồng Nai) được tuyên vô tội sau 3 năm bị tạm giam – Ảnh: Thành An

Bổ sung câu hỏi của ông Hùng, ông Nguyễn Văn Hiện đề nghị làm rõ việc treo cổ tự sát tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam. Theo ông Hiện, qua giám sát ở nhiều nơi thì phần lớn các buồng giam có cửa sổ rất thấp, cũng không có chỗ nào để có thể treo cổ. “Vậy những trường hợp treo cổ tự sát có phải là ngồi treo cổ hay không”, ông Hiện nêu câu hỏi.

Trước hàng loạt các câu hỏi, tướng Trần Trọng Lượng cho biết hiện tại chưa có thông tin cụ thể và sẽ cho tìm hiểu bổ sung các vấn đề được nêu ra tại cuộc họp. Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để có báo cáo chính xác về các trường hợp tử vong tại nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Bảo đảm khách quan trong tố tụng

Tại phiên làm việc buổi chiều, đoàn giám sát đã nghe đại diện các bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao trình bày báo cáo về các vụ án cụ thể theo yêu cầu của đoàn.

 
 

Trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết trong giai đoạn từ tháng 10.2011 – 9.2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này theo Bộ Công an là do bệnh lý và do người bị tạm giữ, tạm giam tự sát.

 

 

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, khẳng định các vụ án oan mặc dù không nhiều nhưng đều là các vụ nổi cộm gây bức xúc dư luận. Bà Nga nêu ra một loạt các vấn đề được phát hiện qua giám sát các vụ oan sai nổi bật thời gian qua có nhiều đặc điểm giống nhau như đều là các vụ trọng án phức tạp, không quả tang, các bị cáo đều nhận tội ngay giai đoạn đầu, mặc dù sau đó được xác minh là không phải thủ phạm và lúc bị bắt thì sức khoẻ tâm thần hoàn toàn bình thường.

Nêu ra một loạt vấn đề liên quan đến các vụ Huỳnh Văn Nén, Hồ Duy Hải, Nguyễn Thanh Chấn…, bà Nga khẳng định: “Quy trình tố tụng có nhiều vấn đề”. Theo bà Nga, các cơ quan chức năng đã tập trung vào lời khai, coi nhẹ chứng cứ, thậm chí có dấu hiệu hợp thức hóa chứng cứ để phù hợp lời khai. Từ một loạt các vụ việc trên, bà Nga đề nghị đại diện Viện KSND tối cao đề xuất sẽ tổ chức giam giữ thế nào để tránh tình trạng này. Bà Nga cho rằng đang có xu hướng lạm dụng tạm giữ, tạm giam để lấy lời khai cho thuận tiện, dựa vào bản cung điều tra mà không quan tâm đến các chứng cứ khác, yếu tố khác.

Cũng theo bà Nga, trong các vụ việc ban đầu các bị cáo nhận tội, khi ra tòa lại kêu oan, rồi sau đó lại nhận, ra toà lại kêu oan… Nhiều trường hợp bị cáo tố bị bức cung, nhục hình, nhưng khi các điều tra viên phủ nhận, toà cũng cho qua.

Lý giải về việc này, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng tòa phải tin điều tra viên, kiểm sát viên. Tuy nhiên, bà Nga đã phản ứng rất mạnh trước quan điểm này của ông Phong. Bà Nga cho biết khi đi giám sát vụ Huỳnh Văn Nén, ông Nén tỏ thái độ rất căm hận điều tra viên và chỉ cho thấy những vết sẹo trên ống quyển mà theo ông do bị điều tra viên đánh. Ông Nén thậm chí còn tỏ thái độ không tin bất cứ ai là “người nhà nước”.

Theo bà Nga, nếu bối cảnh hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can, sau đó ra toà bị cáo nói bị ép cung, bỏ đói, dùng nhục hình rồi điều tra viên nói không phải mà cơ quan tố tụng tin điều tra viên, kiểm sát viên thì cần thảo luận thêm làm thế nào để bảo vệ bị can, bị cáo trong những trường hợp như vậy.

Lạm dụng tạm giam dễ dẫn đến oan sai

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Uỷ viên thường trựcUỷ ban Tư pháp, các báo cáo của Bộ Công an, Viện KSND tối cao đều thừa nhận có bức cung, nhục hình. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng oan sai. Điều đáng nói, phần lớn các vụ việc chỉ được phát hiện sau khi người bị tạm giam, tạm giữ chết hoặc thủ phạm nhận tội.

“Hiện đánh giá việc bức cung nhục hình thế nào? Nghiêm trọng hay không nghiêm trọng? Cơ quan điều tra Bộ Công an hay nêu nguyên nhân do điều tra viên nôn nóng. Nhưng nguyên nhân thực sự là gì? Do trình độ, phẩm chất đạo đức, áp lực công việc hay bệnh thành tích? Bộ Công an có giải pháp gì?”, ông Cường đặt vấn đề.

Ông Cường cho rằng, mặc dù bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ về các trường hợp tạm giam, tạm giữ, nhưng thực tế tỷ lệ này rất cao, trung bình cả nước tới gần 70%. “Cá biệt chúng tôi đi giám sát ở Mỹ Tho (Tiền Giang) thì tỷ lệ này tới 90%. Tức là cứ khởi tố 10 bị can thì tạm giam tới 9 bị can”, ông Cường nói và nhận định tạm giam nếu bị lạm dụng cũng là nguyên nhân dẫn đến oan sai.  Nhiều trường hợp do “lỡ” tạm giam nên sẽ cố gắng buộc tội. Khi ra toà thì “cố gắng” đưa ra bản án phù hợp thời gian tạm giam. Vì vậy, theo ông Cường, nếu việc áp dụng tạm giam đúng tinh thần bộ luật Tố tụng hình sự sẽ là điều kiện khắc phục tình trạng oan sai…

Cẩm Nguyên