Vụ nữ sinh bị đánh: Tạo cơ hội cho các em sửa sai lầm
Chiều 16-3, quyết định xử lý kỷ luật các học sinh tham gia đánh bạn tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh) đã được công bố với mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học một tuần.
Vụ nữ sinh bị đánh: Tạo cơ hội cho các em sửa sai lầm
Chiều 16-3, quyết định xử lý kỷ luật các học sinh tham gia đánh bạn tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh) đã được công bố với mức kỷ luật cao nhất là buộc thôi học một tuần.
Buổi họp công bố quyết định kỷ luật vụ học sinh đánh bạn tại trường ở Trà Vinh – Ảnh: Sơn Bình |
Giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh Nguyễn Thành Nguyện tại buổi họp báo công bố hình thức kỷ luật đối với các học sinh liên quan ngày 16-3 – Ảnh: CTV |
Có chín học sinh liên quan đến việc đánh bạn phải chịu các hình thức kỷ luật.
Trong đó, buộc thôi học một tuần đối với ba học sinh gồm lớp trưởng Dương Thuý V. (tổ chức đánh bạn), Lâm Trần Bình T. (phang chồng ghế trúng đầu bạn) và Nguyễn Thùy D. (quay video clip, cho bạn mượn phát tán); cảnh cáo trước hội đồng kỷ luật đối với các học sinh đánh bạn gồm Trần Ngọc Anh T., Trần Hồng G., Kim Thảo N., Cam Kim T. và Lâm Trí N.; khiển trách nữ sinh Trần Kim A. vì đánh bạn trước đó.
Trước khi công bố những thông tin liên quan đến quyết định kỷ luật vụ nữ sinh bị bạn đánh, ông Nguyễn Thành Nguyện đã đại diện ngành giáo dục của tỉnh Trà Vinh gửi lời xin lỗi đến em P. (nữ sinh bị đánh) cùng gia đình, các phụ huynh học sinh của Trường THCS Lý Tự Trọng và cộng đồng đã bức xúc cũng như chia sẻ quanh vụ việc trên. |
Ông Nguyễn Thành Nguyện – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, người đã tổ chức buổi họp báo công bố quyết định kỷ luật – cho biết Phòng GD-ĐT TP Trà Vinh tạm đình chỉ công tác một tháng đối với ông Phan Thanh Nguyên (hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng), ông Võ Thanh Vũ (phó hiệu trưởng), ông Thạch Minh Tâm (tổng phụ trách Đội) và ông Võ Thành Tất (giáo viên chủ nhiệm lớp có các học sinh đánh bạn).
Những người bị tạm đình chỉ công tác sẽ phải viết tường trình, chờ hình thức kỷ luật.
Ông Nguyễn Thành Nguyện xác nhận trong báo cáo trách nhiệm gửi Phòng GD-ĐT TP Trà Vinh, ông Phan Thanh Nguyên xin lỗi nạn nhân, gia đình nạn nhân, các cấp lãnh đạo khi để xảy ra vụ việc đau lòng và tự đề xuất hình thức kỷ luật “cách chức hiệu trưởng”.
Nói về đề nghị trên, hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên cho biết là người đứng đầu, ông phải nhận trách nhiệm khi trường xảy ra chuyện chứ không đổ lỗi cho ai.
Trao đổi về việc trước đó hội đồng kỷ luật Trường THCS Lý Tự Trọng đề xuất hình thức kỷ luật nặng hơn là buộc thôi học một năm với ba học sinh tham gia đánh bạn, ông Nguyễn Thành Nguyện cho biết hội đồng đã tham mưu nhiều cấp để có quyết định như trên.
Các em còn quá nhỏ (12-13 tuổi), hoàn cảnh gia đình khó khăn (cha mẹ ly dị, mồ côi, phải sống với người thân) nên có phần thiếu sự giáo dục, quan tâm. Hãy cho các em cơ hội trong môi trường giáo dục để sửa chữa sai lầm, trở thành học sinh tốt. Hơn nữa, để xảy ra chuyện đau lòng trên, trách nhiệm thuộc về người lớn.
Ông Nguyễn Thành Nguyện cũng cho biết sau vụ việc này, phía nhà trường, gia đình và địa phương sẽ quan tâm đặc biệt đến các em theo nhiều hướng tích cực, giúp các em nhận ra giá trị cuộc sống.
Nhà trường cũng sẽ kết hợp chặt chẽ với công an, cùng rà soát xem có tình trạng băng nhóm bên ngoài tác động đến các em trong trường để có hướng giải quyết, bởi đó cũng là nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường.
“Hiện nay trường cũng quá đông học sinh, chúng tôi sẽ sớm đề xuất tách trường để dễ quản lý hơn” – ông Nguyện chia sẻ.
Sau khi nhận thông tin đình chỉ công tác một tháng, thầy Võ Thành Tất, giáo viên chủ nhiệm, cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm nhưng không quên tư vấn cho các học sinh liên quan.
Theo thầy, khi có quyết định kỷ luật, phía trường sẽ làm việc với phụ huynh các em để hướng dẫn các em trong một tuần nghỉ học phải tự ngẫm để nhận ra cái sai của mình đã làm buồn lòng gia đình, nhà trường như thế nào, phải mượn tập sách các bạn ghi chép bài đầy đủ, khi hết hạn kỷ luật phía nhà trường cũng sẽ giúp đỡ các em.
Còn hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên chia sẻ là sẽ yêu cầu gia đình, địa phương quan tâm hơn các em học sinh trong thời gian kỷ luật, khi trở lại trường các thầy cô, học sinh sẽ giúp đỡ các em. Khi cần phía nhà trường sẽ tách các em cùng nhóm ra các lớp khác, để các em sớm quên đi những việc sai trái và sớm hòa nhập trở lại.
Ông N.T.H. (cha em Nguyễn Thùy D.) tâm sự ông rất buồn khi hay tin con liên quan trong vụ đánh bạn (quay clip). Theo ông H., dù nhà trường có đưa ra hình thức kỷ luật buộc thôi học với con ông, ông cũng phải chấp nhận nhưng quan trọng là làm sao giúp con ông cũng như những học sinh khác trở thành học sinh ngoan, sống tốt sau vấp ngã trên.
* Thầy TRẦN VĂN ĐẠI LỢI (hiệu phó Trường THCS & THPT Thái Bình, TP.HCM): Không nên cách ly học sinh khỏi nhà trường Qua câu chuyện nữ sinh bị bạn đánh ở Trà Vinh, tôi thấy một bài học kinh nghiệm là nhà trường cần xây dựng lực lượng “chân rết” cùng phối hợp với ban giám hiệu, giáo viên đảm bảo an toàn trường học. Đó là lực lượng giám thị, sao đỏ, là ban cán sự lớp… để tránh trường hợp sự việc lớn xảy ra ngay trong trường học mà người lớn không ai hay biết. Giáo viên cần gần gũi, theo sát học sinh hơn để quan tâm giáo dục nhân cách cho các em, và học sinh cũng cần được răn đe đúng mức để nhận thức được đúng sai. Vụ việc vừa qua là hậu quả một quá trình bỏ quên việc giáo dục “tiên học lễ, hậu học văn”. Dù hình thức kỷ luật thế nào đi nữa thì lương tâm những người liên quan đến vụ việc cũng bị day dứt, tổn thương, và lớn hơn là niềm tin của gia đình và xã hội dành cho nhà trường bị giảm sút. Bởi từ trước đến nay, ai cũng coi nhà trường là nơi an toàn nhất để học sinh học tập và rèn luyện nhân cách. Tuy nhiên, việc hiệu trưởng tự nhận hình thức kỷ luật cao nhất và các giáo viên, giám thị có liên quan chịu hình thức kỷ luật đình chỉ công tác có thời hạn cũng cho thấy một sự đổi mới, tiến bộ khi người lớn dám nhận trách nhiệm trước sự việc chấn động vừa qua. Với hình thức kỷ luật đình chỉ học tập một tuần với ba em học sinh, theo tôi, mục đích vẫn là để các em có thời gian tĩnh tâm, suy nghĩ về việc làm của mình, vì vậy không nên cách ly các em học sinh khỏi nhà trường. Có thể tạo điều kiện cho các em vẫn đến trường, không vào lớp mà vào thư viện đọc sách (do giáo viên chọn lựa, sau đó viết tóm tắt hoặc thu hoạch), trò chuyện với chuyên gia tâm lý, lao động vệ sinh và trồng cây hay chép bổ sung bài vở… Cần tránh việc các em về nhà hoặc đi lang thang, bị những người xung quanh dằn vặt hay bàn tán. Nhà trường nên đón nhận các em và không làm ảnh hưởng đến tâm lý các em hơn nữa. Đây chỉ là một phút bốc đồng chứ không phải là bản chất nên cần tạo cơ hội cho các em được giáo dục, điều chỉnh hành vi và không có cảm giác bị loại bỏ hay cách ly ra khỏi bạn bè, thầy cô. |