Vợ kiếm tiền, chồng trông con
Diva Hà Trần chính thức trở thành đại diện của chiến dịch HeForShe tại VN, kêu gọi đoàn kết bình đẳng giới. Cô đã chia sẻ về câu chuyện “phân vai” của nhà mình:
Vợ kiếm tiền, chồng trông con
Diva Hà Trần chính thức trở thành đại diện của chiến dịch HeForShe tại VN, kêu gọi đoàn kết bình đẳng giới. Cô đã chia sẻ về câu chuyện “phân vai” của nhà mình:
Hà Trần trở thành đại diện của chiến dịch cổ vũ về bình đẳng giới tại VN – Ảnh: Jundat
|
Ở nước ngoài chẳng ai thắc mắc mà còn cho là quá bình thường những chuyện chẳng hạn như hai vợ chồng cùng nhau nuôi con, nhà không thuê giúp việc. Nhưng ở VN, mọi người cứ thắc mắc rằng vì sao chồng phải dọn dẹp nhà cửa hay vì sao chồng phải nấu cơm? Trong gia đình tôi, không nhất thiết có việc ai phải gánh trọng trách nào, mà điều đó còn tùy theo mỗi giai đoạn của cuộc đời. Bởi một con người ấy không phải lúc nào cũng như thế, lúc nào cũng là một cỗ máy đi làm, hay lúc nào cũng là bà nội trợ.
Gia đình tôi có những giai đoạn uyển chuyển trong đời sống gia đình. Có giai đoạn tôi là người nội trợ ở nhà còn chồng đi làm. Có giai đoạn chẳng hạn như bây giờ, khi tôi sinh con xong, rất bận rộn trở lại với công việc, trở lại với sự nghiệp của mình, thì anh ấy chấp nhận sự hy sinh một cách tự nguyện để cho vợ được làm những việc mà vợ muốn, còn anh gánh trách nhiệm chăm sóc nhà cửa, chăm con khi vợ đi vắng. Đó là điều hết sức bình thường, nó tự nhiên như hơi thở cuộc sống, như mỗi ngày mở mắt ra thì uống một ly nước lọc vậy. Điều đó không có gì phải gượng ép. Khi hai con người sống với nhau một cách không gượng ép như thế thì cuộc sống của họ sẽ có hạnh phúc, mà hạnh phúc của họ lành mạnh và cân bằng.
Có khó khăn không để chồng chị – người đàn ông trong gia đình chấp nhận sự chuyển vai ấy?
Những thắc mắc của mọi người như chồng là phải đi làm, sao chồng lại ở nhà chỉ là những suy nghĩ theo thói quen. Không chỉ có tôi mà nhiều nghệ sĩ nữ thành công là nhờ có người chồng hy sinh như thế, tạm dừng công việc để lo cho gia đình. Theo kinh nghiệm của người đã có gia đình như tôi, làm việc nhà còn mệt hơn là làm công việc của người đi ra ngoài đấy.
Nhưng thường thì những người làm ra tiền mới là người có tiếng nói quyết định trong gia đình…
Tôi hiểu một số người đàn ông sợ lui về hậu trường vì trong bất cứ mối quan hệ nào họ nghĩ người nắm thế mạnh kinh tế có thể đưa ra tiếng nói quyết định. Điều đó khiến người đàn ông đôi khi sợ hay e dè vì người vợ mới là người kiếm tiền. Người ta sợ vợ có tiền thì mình mất quyền. Nhưng tôi cho rằng cái họ sợ chính là sự đánh giá của xã hội. Áp lực của xã hội nhiều hơn là áp lực giữa hai người với nhau. Điều cần là mình phải thay đổi nhận thức của một xã hội, qua sự thay đổi sự nhận thức của từng cá nhân.
HeForShe là phong trào đoàn kết vì bình đẳng giới do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phát động trên khắp thế giới nhằm huy động sự tham gia của nam giới toàn cầu, những tác nhân thay đổi để đạt được bình đẳng giới và quyền phụ nữ. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi của thế giới đã tham gia trở thành đại diện cho chiến dịch này.
|
Minh Ngọc
(thực hiện)