10/01/2025

Năm 2015: căng thẳng văcxin dịch vụ

Theo ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mới đây Cục đã làm việc với các nhà cung cấp văcxin và dự báo năm 2015 sẽ rất căng thẳng về văcxin dịch vụ.

 

Năm 2015: căng thẳng văcxin dịch vụ

 

Theo ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mới đây Cục đã làm việc với các nhà cung cấp văcxin và dự báo năm 2015 sẽ rất căng thẳng về văcxin dịch vụ. 

 

 


 

 

Nhiều phụ huynh xếp hàng dài chờ đến lượt cho con đi tiêm phòng tại phòng tiêm chủng dịch vụ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương – Ảnh: Việt Dũng
Ông Trần Đắc Phu – Ảnh: T.Anh

Ông Phu nói: 

– Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn khác đang có nhiều gia đình chờ văcxin dịch vụ. Việc chờ đợi này sẽ rất nguy hiểm vì văcxin dịch vụ sẽ rất căng thẳng trong năm 2015.

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng việc thiếu văcxin dịch vụ do các cơ sở tiêm chủng không lập kế hoạch, không đăng ký nhu cầu văcxin từ trước, nhưng đến nay nguyên nhân chính là do các nhà sản xuất không cung ứng đủ văcxin.

Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp với các nhà cung ứng văcxin vào đầu tháng 2-2015 để tìm hiểu xem khả năng cung cấp năm 2015 thế nào, khả năng năm 2016 ra sao?

Thông tin hiện nay từ nhà cung cấp thì văcxin 5 trong 1 dịch vụ (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib) phải giữa năm mới về 40.000-50.000 liều/tháng, còn văcxin 6 trong 1 (phòng các bệnh giống 5 trong 1 và thêm bệnh bại liệt) thì phải hết năm 2015 mới có.

Văcxin thuỷ đậu hiện cũng đang hết, văcxin dịch vụ 3 trong 1 và 4 trong 1 có thành phần ngừa ho gà hiện cũng đều hết.

Hết văcxin kéo dài đến sang năm

Khảo sát của Tuổi Trẻ tại phòng tiêm chủng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) ngày 1-3 cho thấy trong số 37 sản phẩm văcxin dịch vụ đang được tiêm chủng tại phòng tiêm này, có tới gần 1/2 đang ở tình trạng hết văcxin.

Trong số này có những văcxin thuộc nhóm rất “hot”, đang có hàng ngàn gia đình chờ đợi để được tiêm chủng, như thuỷ đậu, văcxin 5 trong 1, 6 trong 1, 4 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt)… thì có loại sẽ hết đến sang năm!

* Với tình hình như thế, ông có khuyến cáo gì nhằm phòng ngừa những vụ dịch như dịch sởi, ho gà vừa qua?

– Muốn phòng dịch trong cộng đồng thì tỉ lệ tiêm chủng cao mới khống chế được dịch. Như dịch sởi, nếu không có những chiến dịch tiêm vét năm 2014 và gần đây là chiến dịch tiêm ngừa sởi – rubella cho trẻ 1-14 tuổi thì dịch sẽ lại bùng lên vào đầu năm 2015. Mỹ, Canada và nhiều quốc gia khác đã loại trừ bệnh sởi từ lâu mà năm 2015 cũng bùng phát căn bệnh này.

Từng sở y tế phải xem xét khả năng của các nhà cung cấp văcxin, nếu nhà cung cấp không cung ứng đủ văcxin dịch vụ cho các gia đình có nhu cầu thì phải điều phối để trẻ được tiêm chủng mở rộng nhằm đảm bảo lịch tiêm chủng.

Nếu không, các cháu được tiêm dịch vụ mũi 1 rồi, sau này không có văcxin thì cứ đợi văcxin mũi 2, 3 thành ra vẫn còn nguy cơ mắc bệnh.

Chúng tôi cũng khuyến cáo lại là văcxin dịch vụ năm nay sẽ rất khó khăn về khả năng cung ứng, văcxin 5 trong 1 phải giữa năm mới về còn hiện nay rất khó khăn, văcxin dại cũng khó khăn nhưng có thể thay thế bằng sản phẩm của Ấn Độ.

Nhờ có sản phẩm thay thế và chính sách hỗ trợ người nghèo tiêm văcxin dại mà số tử vong do bệnh dại đã giảm rất mạnh từ trên 100 người/năm còn khoảng 30 người năm 2014.

* Người dân đã rất khổ sở khi chờ đợi văcxin dịch vụ. Cách làm của cơ sở tiêm chủng và cung cấp văcxin vừa qua ông có cho là phù hợp?

– Vừa rồi họp với các nhà cung cấp văcxin và cơ sở tiêm chủng lớn, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở phải minh bạch trong cung cấp thông tin về văcxin dịch vụ là mỗi tháng, mỗi quý có khả năng cung cấp bao nhiêu liều.

Từ thông tin đó, người dân có thể đăng ký sớm và nếu hết văcxin có thể chuyển sang tiêm chủng mở rộng. Đúng là người dân có quyền lựa chọn loại văcxin cho con em mình, nhưng Nhà nước chỉ có thể đảm bảo 100% của 12 loại văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, còn văcxin dịch vụ thì tùy thuộc vào khả năng của nhà cung cấp.

Văcxin dịch vụ khan hiếm do nhiều yếu tố và một trong số đó là nhà sản xuất phải ưu tiên các thị trường lớn, trong khi VN là thị trường nhỏ, chưa kể gần đây họ gặp khó khăn do chuyển địa điểm sản xuất.

* Văcxin khan hiếm, theo ông, nên làm thế nào để đảm bảo lịch tiêm chủng?

– Người dân nên cố gắng cho con em mình tuân thủ lịch tiêm chủng, như 9 tháng tuổi phải đảm bảo tiêm mũi văcxin sởi đầu tiên, sau đó lúc trẻ 12 tháng có thể tiêm văcxin sởi – rubella hoặc sởi – quai bị – rubella dịch vụ nếu gia đình có nhu cầu.

Đừng đợi đến 12 tháng mới cho con tiêm chủng mũi sởi – quai bị – rubella dịch vụ (lịch tiêm mũi sởi – quai bị – rubella dịch vụ là khi trẻ 12 tháng tuổi – PV), vì trẻ hoàn toàn có thể mắc sởi khi 10-11 tháng tuổi.

Chúng tôi chưa có một điều tra đầy đủ, nhưng qua khảo sát vừa qua thì có nhiều gia đình vì chờ văcxin nên trẻ đã mắc bệnh khi quá lịch tiêm mà chưa được tiêm chủng. Người ta đã tính toán lịch tiêm vào thời điểm đó, vì đến tháng tuổi đó nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn, nếu vì lý do chờ văcxin mà con cháu mắc bệnh thì rất là tiếc.

Tôi cũng nói thêm là văcxin chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đều là văcxin tốt, ví dụ như văcxin sởi do VN sản xuất hoàn toàn trên dây chuyền, công nghệ Nhật Bản, được đánh giá là văcxin tốt trên thế giới. Vì sao các gia đình lại phải cố chờ để tiêm dịch vụ cho các cháu và để trẻ có nguy cơ mắc bệnh do không đảm bảo lịch tiêm chủng? 


LAN ANH thực hiện