10/01/2025

Dạy con chơi phây-búc

Đầu năm, đến nhà một người bạn là doanh nhân, đã chứng kiến được một cuộc sinh hoạt đầu năm khá thú vị. Anh bạn doanh nhân này sinh ra trong một gia đình gia giáo.

 

Dạy con chơi phây-búc


Đầu năm, đến nhà một người bạn là doanh nhân, đã chứng kiến được một cuộc sinh hoạt đầu năm khá thú vị. Anh bạn doanh nhân này sinh ra trong một gia đình gia giáo. 

 

 

 

 

Truyền thống của gia đình anh là vào ngày đầu năm bao giờ cũng có một buổi sinh hoạt, ở đó các bậc sinh thành luôn có một thông điệp gia đình, khi thì nói về chữ hiếu, khi là tình anh em ruột thịt…

Từ khi có gia đình nhỏ của riêng mình, và con cái bắt đầu lớn, anh cũng học tập cha ông để gầy dựng cái nếp nhà ấy. Và năm nay, tôi vô tình được chứng kiến cuộc sinh hoạt đầu năm của gia đình anh bạn.

Ở đó, vợ chồng anh trò chuyện với hai con của mình, một cháu 16 tuổi và một cháu 18 tuổi. Cuộc trò chuyện của vợ chồng anh với các con xoay quanh chủ đề… Facebook (phây-búc)!

Đại khái, anh khuyến khích các con chơi Facebook, vì anh quan niệm rằng nó cũng là một phương tiện để mở rộng mối quan hệ trong xã hội.

Nhưng anh yêu cầu các con chơi Facebook là phải đăng ký chính danh, để có viết gì lên đấy cũng phải thận trọng. Chuyện gì biết chắc thì mới comment, không biết thì phải hỏi… Và anh tuyên bố ba mẹ sẽ là bạn bè của các con trên Facebook, vừa để chia sẻ và cũng là để theo dõi.

Trong những ngày này, càng ngẫm nghĩ tôi càng thích thú với cuộc trò chuyện đầu năm của anh bạn với các con (một cuộc trò chuyện có trao qua đổi lại chứ không phải là một buổi rao giảng). Bởi, Facebook những ngày sau tết thật là kinh khủng.

Cái lễ hội chém lợn ngày xưa nó chỉ gói gọn trong làng Ném Thượng, và cùng lắm là thêm một số người các làng lân cận. Bây giờ, sự phát triển của công nghệ đã đưa hình ảnh máu me rùng rợn ấy đi khắp năm châu và tràn lan trên Facebook.

Một ông cụ tên tuổi hôn cô hoa hậu và làm đôi câu đối lẩm cẩm thật đấy, nhưng những người đáng tuổi con cháu có nên mắng mỏ bằng những ngôn từ bất kính hay không? Tôi nghĩ nếu đối mặt nhau, chẳng ai làm thế, nhưng trên Facebook cứ gọi là vô tư đi!

Hay nữa, một cô người mẫu chửi bới tục tĩu trong đồn công an, cũng đã được ghi lại thành clip và đập vào tai vào mắt các bạn trẻ mới tập tễnh vào đời như hai con của anh bạn tôi, qua Facebook…

Có người bảo rằng không có Facebook thì những thứ rác rưởi ấy cũng tràn lan trên mạng. Xin thưa rằng, các trang mạng nói vậy chứ vẫn còn dễ kiểm soát nếu các bậc phụ huynh chịu ghé mắt để ý đến con, chứ Facebook thì chịu.

Tôi vẫn thường hỏi các học trò của mình đang đi du học rằng không hiểu ở những nước tiên tiến có những chuyện như thế này không? Các em bảo cũng thế cả thôi.

Nghĩa là bên cạnh những trang mạng đứng đắn, cũng đầy rẫy những trang vớ vẩn. Trong Facebook cũng búa xua, có cả rác lẫn hoa.

Có điều phần lớn người trẻ đều có sức đề kháng, biết phân định đâu là chuyện đọc qua rồi bỏ, đâu là chuyện đáng lưu lại trong đầu làm vốn tri thức.

Cái “văcxin” giúp họ có sức đề kháng chính là một môi trường giáo dục luôn luôn phản biện, luôn luôn hoài nghi để đi tìm sự thật, và các bên phải chấp nhận đối thoại (xin phân biệt rõ là giáo dục ở đây không chỉ gói gọn trong nhà trường, mà cả gia đình, xã hội).

Những điều người lớn nói ra không phải tất tật đều là “khuôn vàng thước ngọc”. Mọi việc chỉ là “khuôn vàng thước ngọc” sau khi được chính bản thân tìm tòi, sàng lọc, phân tích.

Với tôi, một cuộc sinh hoạt đầu năm của anh bạn với các con xoay quanh chủ đề sử dụng Facebook cũng là một cách để tiêm văcxin đề kháng cho con trẻ.


GIÁNG HƯƠNG