Khủng bố nhắm tới trung tâm mua sắm ở Mỹ

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson vừa lên tiếng cảnh báo khách hàng đến các siêu thị và trung tâm mua sắm lớn tại Mỹ cần cẩn trọng trước nguy cơ khủng bố.

 

Khủng bố nhắm tới trung tâm mua sắm ở Mỹ

 

Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson vừa lên tiếng cảnh báo khách hàng đến các siêu thị và trung tâm mua sắm lớn tại Mỹ cần cẩn trọng trước nguy cơ khủng bố.

 

 


 

 

Ảnh: AFP

“Những ai có ý định đi mua sắm ở siêu thị Mall of America (tại thành phố Bloomington, bang Minnesota) hôm nay cần phải đặc biệt cẩn thận – Bộ trưởng Johnson tuyên bố trên chương trình Thông điệp liên bang của kênh CNN – Khi một tổ chức khủng bố kêu gọi tấn công ở một nơi cụ thể, chúng ta phải coi đó là diễn biến nghiêm trọng”.

Cảnh báo trên liên quan việc tổ chức khủng bố al-Shabab ở Somalia, có quan hệ với al-Qaeda, mới tung lên mạng một đoạn video kêu gọi tấn công các trung tâm mua sắm và siêu thị ở phương Tây.

Theo AFP, hôm 23-2 Bộ Quốc phòng Pháp đã triển khai tàu sân bay Charles De Gaulle tới vùng Vịnh tham gia chiến dịch chống IS ở Iraq do Mỹ lãnh đạo. Các chiến đấu cơ Rafale của Pháp sẽ xuất phát từ tàu Charles De Gaulle không kích mục tiêu IS ở Iraq. 

Ðoạn video phát tán trên mạng xã hội Twitter mô tả lại vụ al-Shabab tấn công đẫm máu ở siêu thị Westgate tại Nairobi (Kenya) hồi năm 2013 khiến 67 người thiệt mạng.

“Nếu chỉ một vài chiến binh thánh chiến có thể khiến cả Kenya ngừng trệ trong gần một tuần thì hãy tưởng tượng những gì các chiến binh có thể làm được tại phương Tây, nước Mỹ và các trung tâm mua sắm Do Thái toàn thế giới” – một phiến quân nói bằng khẩu âm Anh trong đoạn video.

“Ðiều gì sẽ xảy ra nếu một vụ tấn công tương tự nổ ra ở trung tâm Mall of America tại Minnesota? Hay ở trung tâm West Edmonton Mall tại Canada? Hay ở phố Oxford tại London (Anh)?” – tên phiến quân đặt câu hỏi.

Mall of America là trung tâm mua sắm lớn thứ hai của nước Mỹ, thu hút tới 40 triệu lượt khách mỗi năm. Ngay lập tức ban giám đốc Mall of America tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp an ninh để đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Theo báo New York Times, Minnesota là nơi có cộng đồng người Somalia khá đông đảo. Tuần trước, một người đàn ông ở Minnesota bị truy tố vì tội âm mưu hỗ trợ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhà chức trách Mỹ từng bày tỏ lo ngại nguy cơ các thanh niên Hồi giáo trong cộng đồng này đi theo con đường cực đoan. Chính quyền bang Minnesota tuyên bố sẽ giám sát tình hình và đảm bảo an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) đánh giá chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhóm al-Shabab có thể đe doạ các siêu thị và trung tâm mua sắm ở Mỹ. Một số chuyên gia an ninh cho rằng
al-Shabab có thể phát đi thông điệp trên để cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu với IS và cả al-Qaeda. Tuy nhiên, Bộ trưởng Johnson nhấn mạnh mối đe dọa có thể xuất phát từ những tên khủng bố nội địa và độc lập.

Sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris (Pháp), Copenhagen (Ðan Mạch), Ottawa (Canada) và Sydney (Úc), nhà chức trách phương Tây đặc biệt lo ngại nguy cơ khủng bố “sói cô độc”.

“Tuyên bố của al-Shabab phản ánh một thời kỳ mới, trong đó các nhóm như IS hay al-Shabab công khai kêu gọi các tên cực đoan độc lập thực hiện tấn công khủng bố. Ðã qua rồi thời những nhóm này triển khai những tên cực đoan được đào tạo một nơi và gây án ở nơi khác” – Bộ trưởng Johnson nhấn mạnh.

Siêu thị West Edmonton Mall ở Canada cũng cho biết sẽ gia tăng các biện pháp an ninh. Bộ trưởng An toàn công cộng Canada Steven Blaney khẳng định nhà chức trách đang giám sát tình hình và sẽ hành động để bảo vệ người dân. “Canada sẽ không run sợ trước lời đe doạ của bất kỳ nhóm khủng bố nào” – ông Blaney tuyên bố.

Anh, Úc ngăn công dân gia nhập khủng bố

Chính quyền Anh đang thảo luận giải pháp ngăn chặn các cô gái trẻ ngả theo đường lối cực đoan và đi ra nước ngoài gia nhập IS cũng như các nhóm khủng bố khác.

Theo báo Guardian, Thủ tướng David Cameron cho rằng các trường học cần hỗ trợ nhà chức trách phát hiện những đối tượng có thể bị lực lượng cực đoan dụ dỗ. Chính quyền London cũng đang có kế hoạch tăng cường giám sát tại các sân bay.

Dư luận Anh đang chấn động vì vụ ba nữ sinh Kadiza Sultana (17 tuổi), Shamima Begum và Amira Abase (cùng 15 tuổi) trốn khỏi nhà ở London tuần trước và mua vé máy bay tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Nhà chức trách lo ngại cả ba sẽ gia nhập IS. Hồi tháng 12-2014, cảnh sát London thẩm vấn cả ba sau vụ một bạn học của họ tới Syria. Cha của Amira Abase cho biết trước đó con gái của ông không tỏ dấu hiệu gì cho thấy có hứng thú với chủ nghĩa cực đoan.

Các chuyên gia chống khủng bố ước tính khoảng 50 cô gái Anh đã tới Syria gia nhập IS. Theo điều tra của Viện Đối thoại chiến lược (ISD), ở châu Âu có tổng cộng 550 phụ nữ đã tới Syria và Iraq, cưới các tay súng cực đoan và tham gia đường dây lôi kéo những cô gái khác từ phương Tây.

Trước đó, chính quyền Anh đã thông qua luật thu hộ chiếu của các nghi can muốn tới Syria và Iraq, nhưng ba cô gái trên không nằm trong diện bị tình nghi.

Hôm qua, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã công bố một chiến dịch an ninh quốc gia mới, trong đó Canberra có thể từ chối chi trả trợ cấp xã hội cho những người bị coi là đem lại mối đe doạ về an ninh. Các biện pháp khác gồm có tước hộ chiếu của những người có hai quốc tịch và cấm xuất cảnh.

Theo Reuters, ông Abbott đưa ra các biện pháp mới này sau khi nước Úc chấn động bởi vụ bắt con tin trong một tiệm cà phê ở Sydney khiến ba người chết hồi tháng 12-2014. Ông đang đứng trước sức ép của dư luận phải có những hành động mạnh mẽ.

Thủ tướng Úc cho biết một số quyền tự do cá nhân có thể bị cắt bớt để ngăn chặn các mối đe doạ đang tăng nhanh từ những nhóm cực đoan như IS ở Iraq và Syria.

Ông Abbott cũng chỉ rõ sự liên quan giữa phúc lợi xã hội và khủng bố, cáo buộc hàng chục công dân Úc chiến đấu cho IS ở Syria và Iraq đang sống nhờ vào trợ cấp. Ông nói dứt khoát rằng việc chi trả trợ cấp cho “những cá nhân bị coi là mối đe doạ cho an ninh” có thể sớm bị huỷ bỏ. 

H.TRUNG – V.PHƯƠNG

HIẾU TRUNG