Lời con trẻ
Nhiều người lớn thường cho rằng “Trẻ con không hoặc chưa biết gì”. Nhưng lắm lúc, các em làm người lớn giật mình.
Lời con trẻ
Nhiều người lớn thường cho rằng “Trẻ con không hoặc chưa biết gì”. Nhưng lắm lúc, các em làm người lớn giật mình.
Vài lần chở con đi học, sợ trễ giờ mà đường kẹt cứng, tôi phóng đại lên lề. Con trai tôi, đang học lớp 3, liền thắc mắc: “Sao mẹ lại chạy trên lề đường của người đi bộ?”.
“Vì mẹ đang vội, sợ trễ giờ học của con”. Con tần ngần một chút rồi bảo: “Như vậy là không công bằng vì những người khác vẫn chờ dưới đường”. Tôi giật mình. Hình như mọi người đang nhìn mình với con mắt khó chịu.
Tôi cảm thấy mình có ý thức và biết sống tốt hơn là nhờ con và vì con. Cám ơn nhà trường đã dạy con những điều tốt đẹp hằng ngày. Cám ơn con đã nhắc mẹ về lẽ công bằng, về những điều bình thường trong cuộc sống.
Cách đây gần 30 năm, tôi tính xung phong đi bộ đội. Anh phụ trách của tôi ở thành Đoàn, vốn là cựu chiến binh bảo: “Thời bình, con gái không nhất thiết phải đi lính. Nếu được, em về công tác ở Cần Giờ giùm, đang thiếu người dữ lắm”. Nghe lời khuyên của anh, tôi về làm phụ trách thiếu nhi huyện. Thời đó, khó khăn đủ bề, thân gái dặm trường. Nhiều lúc tủi thân vì sự vô tâm của mấy anh đồng nghiệp, tôi muốn bỏ cuộc. Bỗng nhớ lời của anh trong lớp tập huấn chỉ huy Đội thành phố ở công viên Tao Đàn năm 1978.
Hôm đó, cả đám ngồi bệt trên mặt đường nhựa dự tập huấn. Vì quá mỏi chân, tôi và mấy bạn khác tự động lên vệ đường ngồi cho thoải mái. Thấy vậy, anh nhẹ nhàng nói: “Ai cho phép các em được quyền ngồi chỗ tốt hơn các bạn? Nếu ai cũng làm như vậy thì xã hội sẽ hỗn loạn”. Tôi và mấy bạn đang ngồi thoải mái, vội trở về đúng vị trí, trong đội hình. Tôi cũng rất thích lời của bài hát Một đời người, một rừng cây - “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” (Trần Long Ẩn).
Về lại thành phố gần 20 năm, cuộc sống xô bồ lắm lúc buộc mình du di với chính mình, quên lời anh dặn với đủ lý do biện minh. Khi được làm mẹ, con tôi đã nhắc nhở mình về những điều tốt đẹp bình thường mà đôi lúc bị quên lãng.
Anh phụ trách năm nào giờ đã lên chức ông ngoại, vẫn sôi nổi nhiệt tình, dù tuổi không còn trẻ. Đi bộ đội, tu nghiệp nước ngoài, làm quản lý du lịch mà vẫn không rượu, bia, thuốc lá, cà phê. Ai thắc mắc chuyện có vẻ lạ đời thì anh bảo: “Nhờ làm công tác thiếu nhi, nhờ những lời nhắc nhở của bọn trẻ”. Anh kể, hồi chiến đấu ở Campuchia, nhiều thiếu nhi lúc đó (giờ cũng ngoài 40 tuổi) viết thư dặn anh: “Không được uống rượu, hút thuốc, đánh bài. Nghe nói bộ đội gian khổ, xa nhà nên hay ghiền mấy thứ đó nhưng anh thì không được vì anh là phụ trách thiếu nhi”. Giọng văn buồn cười mà tin cậy, cứ như của mẹ hoặc của bà dặn con cháu. Sau này anh có con rồi đi dạy, lại càng phải giữ mình vì các con và cả học trò đều nhìn anh như tấm gương sáng. Anh vẫn thường nửa đùa, nửa thật: “Mình không tốt như mọi người tưởng đâu, mà tốt là do hoàn cảnh, không muốn các con và học trò mất niềm tin”.
Khi ra đường, mỗi lần gặp ai chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy lên lề hoặc xả rác…, tôi vẫn thường tự hỏi: “Con cháu họ sẽ nghĩ gì về những hành động của người lớn và các bậc phụ huynh?”. Tôi cũng nghiệm ra rằng, để cuộc sống tốt đẹp hơn, phải bắt đầu từ gia đình, từ giáo dục, từ những lời con trẻ.
Huỳnh Dạ Thảo