12/01/2025

Cửa luôn mở với người khiếm thị

Một quán cà phê ở Bình Thạnh cần tuyển một người nhìn kém, ngoại hình khá; nhà nguyện ở quận 9 tuyển người trông coi và cắm hoa…

 

Cửa luôn mở với người khiếm thị

 

Một quán cà phê ở Bình Thạnh cần tuyển một người nhìn kém, ngoại hình khá; nhà nguyện ở quận 9 tuyển người trông coi và cắm hoa…

 

 

 

 

Các chuyên viên tư vấn của Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng trò chuyện với học viên (mặc đồng phục) trong lớp học nghề thủ công – Ảnh: L.Trang

Những thông tin về nghề nghiệp cho người khuyết tật như trên được cập nhật thường xuyên trên website của Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Nơi đây luôn có người túc trực ở phòng tư vấn và sẵn sàng giải đáp miễn phí những vướng mắc tâm lý, hướng nghiệp cho người khiếm thị để giúp họ bước qua những rào cản của xã hội và sống trọn vẹn hơn. Nhật Hồng cũng là một trong số hiếm hoi những trung tâm bảo trợ người khuyết tật có một phòng tư vấn tâm lý hướng nghiệp tại TP.HCM.

1.001 lý do đến phòng tư vấn

Cơ hội mở ra nếu lạc quan, tự tin

Thầy Minh vừa là giáo viên hỗ trợ hòa nhập và dạy tin học tại trung tâm, vừa là người tư vấn về công nghệ hỗ trợ người khiếm thị.

Thầy kể: “Minh và Hùng là thế hệ đời đầu may mắn được ăn học và ra trường có công việc ổn định. Điều mình muốn chia sẻ với các bạn học sinh, sinh viên khiếm thị hiện nay là nhiều bạn luôn ở trạng thái mất niềm tin, sợ đi học ra trường không có việc, bị hoang mang giữa một vòng tròn, không biết nên thế nào. Hiện nay công nghệ, kỹ thuật hỗ trợ người khiếm thị rất phát triển, nếu các bạn chọn được hướng đi đúng cho mình và tự tin, lạc quan, nỗ lực thì cuộc sống, cơ hội học tập, nghề nghiệp sẽ chờ đón các bạn”.

Phòng tư vấn có ba người: cô Lê Phương phụ trách tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề, thầy Nguyễn Mạnh Hùng tư vấn tâm lý và học tập, thầy Nguyễn Đức Anh Minh tư vấn công nghệ.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh đưa đẩy nhưng đều gặp nhau ở cái tâm muốn giúp đỡ những người thiệt thòi trong cộng đồng.

Trong đó, thầy Hùng và thầy Minh đều là những người khiếm thị nhưng may mắn được học đại học, ra trường có cơ hội đi dạy và học cao lên.

Sự đồng cảm cũng thôi thúc họ gặp nhau mỗi tuần để đề ra kế hoạch làm việc, những dự án, ý tưởng mới để phát triển hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho người khiếm thị vốn chưa được xã hội quan tâm.

Có học sinh đến phòng tư vấn với tâm sự: “Em chưa biết làm gì và đi đâu. Có lẽ em cứ sống trong trung tâm thế này đến khi nào lớn tuổi không được ở đây nữa rồi tính tiếp”.

Không ít những suy nghĩ mơ hồ, phó mặc về tương lai hoặc tự ti, sợ hãi được chia sẻ tại phòng tư vấn. Lại có em muốn làm ca sĩ, hướng dẫn viên, chuyên gia… nhưng khả năng không cho phép.

Có em tìm tới phòng tư vấn kể những câu chuyện về tình yêu với người mắt sáng, về nỗi buồn bị gia đình ngăn cản, hay những câu hỏi về tình cảm, sức khỏe, sinh lý, tình dục mà học sinh khiếm thị vốn ít được trang bị thông tin, lại ngại hỏi và cũng thiếu người giải đáp.

Khi đã vào được đại học, lại có em trăn trở với tương lai, với nỗi sợ thất nghiệp, nỗi lo tụt lại so với bạn bè và không tìm được sự đồng cảm, giúp đỡ của giảng viên… Có cả 1.001 lý do để các em tìm đến phòng tư vấn, hoặc trực tiếp, hoặc qua điện thoại và email.

“Tôi bắt đầu tư vấn qua điện thoại cho người khiếm thị từ năm 2010. Có những cuộc tư vấn qua điện thoại kéo dài mấy tiếng đồng hồ, người gọi muốn được trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống và dự định của họ, muốn nghe những lời khuyên. Những bạn trẻ khiếm thị khi đến tuổi thì muốn tìm tình yêu, muốn lập gia đình, họ có nhiều băn khoăn về sự phản đối của mẹ cha, định kiến của xã hội, nguy cơ cho những đứa con…” – thầy Hùng cho biết.

Trung tâm nhận được cả những ca tư vấn cho người sáng: họ muốn biết cách hỗ trợ người thân bị khiếm thị, cách làm việc với người khiếm thị mà không khiến họ tự ái, mặc cảm. Có người từ chỗ sáng mắt chuyển sang khiếm thị sau một vụ tai nạn, họ cần được động viên để vượt qua giai đoạn khủng hoảng cực kỳ khó khăn lúc đó.

Hơn 60 nghề cho người khiếm thị

Tốt nghiệp đại học ngành tâm lý, thầy Hùng tiếp tục học cao học vì đam mê nghiệp tư vấn. Hai luận văn mà thầy Hùng thực hiện trong quá trình học đều liên quan đến những vấn đề của người khiếm thị.

Một là “Tâm lý HS, SV khiếm thị học hoà nhập” và hai là “Những vấn đề tâm lý của các cặp vợ chồng khiếm thị”.

Quá trình khảo sát, điều tra giúp thầy Hùng có nhiều câu chuyện và kinh nghiệm để chia sẻ cho các lớp đàn em về những thắc mắc trong cuộc sống.

Bốn năm nay, thầy Hùng vẫn thường xuyên trực số điện thoại “nóng” của trung tâm và sẵn sàng tư vấn dù đêm hôm hay giờ nghỉ. Dù rằng với đôi mắt không nhìn thấy, thầy Hùng cũng có lúc gặp khó khăn khi không nhìn được “ngôn ngữ hình thể” của người đối diện, hay đôi khi phải kiên trì động viên những bạn trẻ được gia đình đưa tới phòng tư vấn mà chưa sẵn sàng trò chuyện.

Hơi ngược với… quy trình nhưng cô Lê Phương thường chủ động xuống sân trường, ra các góc hành lang, sân sau để hỏi han, trò chuyện và… tìm người cần tư vấn chứ không thầm lặng ngồi chờ.

“Tư vấn hướng nghiệp ở đây khác nhiều so với ở các trường phổ thông, nơi tôi có thời gian làm việc trước đây. Không đơn giản chỉ là cho học trò làm một bài trắc nghiệm nghề nghiệp rồi chọn trường, mà với mỗi học sinh khiếm thị có những dạng khác nhau như bán phần, toàn phần, có em đa tật” - cô Phương nói.

Theo cô Phương, công việc phù hợp của các em cũng khác nhau và công việc hướng nghiệp cũng không thể ngày một ngày hai. Mỗi em có một bộ hồ sơ hướng nghiệp riêng, chúng tôi phải theo dõi các em từng ngày để nhìn thấy khả năng, sức khoẻ từng em và hướng các em đi một con đường phù hợp. Thậm chí phải nắm hoàn cảnh từng em để xem điều kiện gia đình và địa phương sinh sống có “mở” ra một nghề nào cho các em không.

Hiện cô Phương cùng nhóm tư vấn viên của Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng đang gấp rút hoàn thành bộ sách thống kê những ngành nghề mà người khiếm thị có thể làm để nuôi sống bản thân.

Có hơn 60 nghề nghiệp, trong đó có những nghề phổ biến như bấm huyệt trị liệu, giáo viên, nhạc công, trực điện thoại, hướng dẫn viên…

Các thầy cô cũng dành thời gian nghiên cứu dự báo nhu cầu nghề nghiệp của người khiếm thị trong vài năm tới: có nghề khả năng kiếm việc ở thành phố rất khó nhưng về quê lại dùng được.

Lại có những học viên ở trung tâm nay đã lớn tuổi, học gì cũng khó, được tư vấn làm những nghề thủ công đơn giản hoặc nấu ăn, bán hàng để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Ngay tại trung tâm cũng mở ra nhiều lớp đào tạo nghề để học sinh được thử sức mình và chọn nghề phù hợp.

* Cô LÊ THỊ VÂN NGA (giám đốc Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng):

Tương lai tốt đẹp hơn

Chúng tôi mở ra phòng tư vấn hoạt động miễn phí, không chỉ để giúp đỡ học sinh đang học ở trung tâm mà muốn hỗ trợ người khiếm thị ở nhiều nơi khác. Có những vấn đề mà người khiếm thị lúng túng, không biết tìm thông tin ở đâu cũng như hỗ trợ từ ai.

Phụ huynh bối rối khi có con khiếm thị, thầy cô khó khăn khi truyền đạt, hay những người tình nguyện muốn giúp đỡ người khiếm thị nhưng không có địa chỉ… Có nhiều thành phần khác nhau muốn được tư vấn về nhiều khía cạnh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cho người khuyết tật.

Nhiều người vẫn nghĩ khiếm thị thì không thể sử dụng điện thoại cảm ứng chẳng hạn… Từ những nhu cầu đó, phòng tư vấn ra đời để chuẩn bị sớm nhất có thể việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống của các em, cho các em một tương lai tốt đẹp hơn.

LƯU TRANG