11/01/2025

Đón tết tha hương

Xa cha mẹ, xa con cái đi làm công nhân cả năm trời đã chạnh lòng. Tết đến không về được với người thân, gặp gỡ cô dì, chú bác, ăn cái tết sum vầy lại càng buồn.

 

Đón tết tha hương

 

Xa cha mẹ, xa con cái đi làm công nhân cả năm trời đã chạnh lòng. Tết đến không về được với người thân, gặp gỡ cô dì, chú bác, ăn cái tết sum vầy lại càng buồn. 

 

 


 

 

Bà Song hi vọng ra giêng sẽ về với con cháu – Ảnh: Quốc Việt

Vậy mà nhiều công nhân đã xa nhà mấy mùa xuân…

Lặng nhìn bức ảnh con thơ ở quê, chị Thảo, công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM rơm rớm nước mắt. Vậy là hai cái tết rồi chị không thể về với con. Nước mắt chị rơi ướt tấm ảnh cậu con trai 5 tuổi mắt tròn xoe như đang ngóng mẹ, và ướt đẫm cả gói quà chị chuẩn bị gửi bạn cầm về.

Điệp khúc… xa quê

“Từ hồi vào Nam làm công nhân, em đã bảy cái tết không về quê. Còn từ khi vợ chồng có thằng cu con đến giờ đã phải chịu hai cái tết xa nó rồi. Nhớ con đến đứt ruột, chỉ thèm được ôm ấp, hít hà hơi con, chỉ ước được đút cho con vài miếng bánh, ly sữa. Nhưng thương con thì phải chấp nhận xa để lo cho nó thôi anh ạ!” – buổi tối cuối năm, chị Nguyễn Thị Thảo ngồi giãi bày về nỗi niềm xa quê.

Rời quê biển Quảng Xương, Thanh Hóa vào Nam làm công nhân hơn 10 năm, chị đã lặng lẽ đón bảy cái tết xa nhà. Đứa con đầu lòng đã hơn 5 tuổi, nhưng chị chỉ gần gũi bên con được hai mùa xuân.

Tâm sự về cảnh đời gia đình mình, chị kể cũng như nhiều bạn bè khác từ miền ngoài vào Nam kiếm sống. Mỗi năm 365 ngày có lẽ không đêm nào họ không chạnh nghĩ đến đường về quê, đến bậu cửa thân thuộc, gương mặt, giọng nói thân thương của người thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được mong mỏi đó.

Thảo tâm sự lẽ ra có con chị phải về quê nhiều hơn, nhưng nếu như vậy thì không đủ tiền để lo cho nó. “Bé càng ngày càng lớn, nhu cầu nhiều lắm. Ông bà thì già rồi, ốm đau suốt. Em làm công nhân, chồng chạy chợ lặt vặt. Kiếm được đồng nào phải dành dụm thật kỹ để gửi về nhà”.

Thu nhập hai vợ chồng chỉ được 6-7 triệu đồng/tháng. Đó là nguồn sống của toàn bộ gia đình bảy người, gồm cả cha mẹ và con thơ ở quê.

Mỗi tháng vợ chồng gói ghém chỉ xài dưới mức nửa thu nhập, nửa còn lại gửi hết về quê. Ông bà ở nhà thương con cháu, cũng dè sẻn từng đồng. Con trai chị hơn 5 tuổi vẫn chưa được vào mẫu giáo. Thảo tính tết này không về quê, vợ chồng chị sẽ tiết kiệm tiền để đầu năm lo cho con đi học.

Chị ứa nước mắt: “Thương cu con lắm. Gần hết tuổi mẫu giáo rồi mà vẫn chưa đi học. Em sợ nó vào lớp 1 sẽ thua thiệt bạn bè. Vợ chồng không về tết, bớt được tiền tàu xe, quà cáp. Khoản ấy để lo cho con vào mẫu giáo”.

Tan ca làm về nhà từ lúc 18g, lùa vội mấy miếng cơm rau, chị Vũ Thị Định (quê Thanh Hóa, công nhân may tại Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức) chỉ còn biết kê gối nằm xem tivi trong căn phòng trọ chờ cơn buồn ngủ kéo đến.

Đã ba mùa tết qua vợ chồng chị không về nhà với hai đứa con trai và cha mẹ hai bên nội ngoại. Chồng chị làm thợ hồ, rày đây mai đó chỉ thỉnh thoảng mới ghé nhà. Phòng của hai vợ chồng xa con đơn giản hết mức: bếp gas mini, nồi điện mini, vài ba chén đũa và chiếc chiếu trải nằm ngủ. Món nào cũng cũ kỹ.

Hỏi sao không về, chị ngại ngùng: “Bí tiền nên không về được”. Không về nên chị chẳng biết giá vé xe năm nay bao nhiêu nhưng chị nhẩm tính nếu hai vợ chồng về, hai ngày một đêm, ăn uống hai lượt vô ra ít nhất phải 7-8 triệu đồng tiền xe, còn phải quà cho hai đứa nhỏ, nội ngoại, sơ sơ đã 2-3 tháng tiền lương. Hai đứa con chị, lớn lớp 9, nhỏ lớp 2 đang ở với ông bà nội ngoài quê.

Nhắc đến tết, giọng chị buồn buồn: “Hai vợ chồng ở đây thì làm gì có tết. Năm nào cũng ở nhà, chả đi đâu. Đang chờ lương gửi về nhà cho hai con ăn tết. Tháng rồi không gửi nên tháng này có bao nhiêu phải gửi bù”.

Chị kể lương chị tháng rồi tăng thêm 400.000 đồng “vì Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu”, nhưng cũng chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng, tính cả tăng ca thì khoảng 4,5-5 triệu đồng.

Tính vào Sài Gòn cả hai làm công nhân, cực khổ nhưng còn có cái nuôi con ăn học nhưng chồng chị lớn tuổi xin vào làm công nhân không nơi nào nhận đành phải làm nghề thợ hồ. Cái nghề bấp bênh, thất thường theo mưa nắng, tháng nào anh đều việc thì hai vợ chồng gửi được 1-2 triệu đồng về quê cho ông bà nuôi cháu.

“Năm nào cũng bụng bảo dạ thôi thì ở ráng đến sang năm. Nhưng ráng năm này qua năm khác cũng không về được. Đứa con trai lớn mới gọi điện vào cứ bảo mẹ về luôn, mẹ đừng đi nữa” – chị kể lại lời con mà mắt hoe đỏ.

Bài toán mưu sinh

Cách tính toán tết xa quê của người nghèo còn chi li đến mức không chỉ tiết kiệm mà còn ở lại cố xoay xở gì đó để có thêm chút tiền. Chị Thảo nói sẽ phụ chồng bán rau quả mấy ngày tết. Chợ nghèo công nhân không họp được. Nhưng họ hi vọng siêu thị, chợ búa ở các khu dân cư đóng cửa nghỉ tết, người nghèo sẽ có cơ hội bán hàng hơn.

Đó cũng là cách xoay xở mùa tết của chị Hà Thị Lượt đang rong ruổi xe rau trên đường. Chị chia sẻ ước nguyện lớn nhất của mình là được về bên cha mẹ già ở Hưng Yên, được tận tay thử cho mẹ manh áo mới, được cắt cho cha miếng bánh chưng. Nhưng chị phải chọn ở lại, vì hi vọng việc mua bán mấy ngày tết sẽ khá hơn.

Bà Trương Thị Song, một phụ nữ 65 tuổi, goá bụa, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam vào TP.HCM nhặt rác hơn 10 năm nay. Bà tâm sự chân tình mà cũng rất thực tế: “Mấy ngày tết, nhà nào cũng thải rác nhiều. Xe rác lại tạm nghỉ. Nếu mình ở lại, cố đi nhặt, chắc có cơ may kiếm được nhiều rác hơn”.

Đang trọ trong căn phòng bé xíu giá chỉ 700.000 đồng ở con hẻm nhỏ đường Tên Lửa, Q.Bình Tân, nhưng bà vẫn cố tiết kiệm bằng cách chia nửa phòng cho người bạn già cùng nhặt rác với mình. Số tiền không đáng với bao người, nhưng với bà nó lớn lắm khi mỗi ngày cố bòn mót ít tiền lẻ từ những thứ người ta bỏ đi.

Ngày bà Song đưa con trai vào TP.HCM chữa bệnh ung thư cũng là ngày bà bước dần vào đời nhặt rác để lo cho con nằm viện. Con bà không qua khỏi bệnh tật. Và đời bà cũng chẳng thể thoát ra được cảnh lê la hè phố.

Ban đầu bà còn phải quang gánh trĩu vai, nhưng tuổi già và cuộc sống cơ cực ngày càng bòn rút cơ thể vốn đã quắt queo của bà. Người ta xót bà, cho một cái xe đẩy nhỏ để chở rác. Nó lặng lẽ giúp bà kiếm miếng cơm qua ngày suốt từ đó đến nay.

“Ước mơ của tôi là tết nhất được bên con cháu. Mình cũng già yếu rồi, biết còn được bao ngày nữa mà cứ xa chúng. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, tôi vẫn phải ở lại để kiếm thêm chút đỉnh mà lo cho chúng” – bà tâm sự nếu may mắn được ít tiền từ việc nhặt rác ngày tết, ra giêng bà sẽ về ăn tết muộn với con cháu.

Nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân

Dịp tết Ất Mùi 2015, Liên đoàn Lao động TP.HCM và các cấp công đoàn đã vận động doanh nghiệp và các công đoàn hỗ trợ gần 28.000 vé xe cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết.

Công nhân, người lao động bị tai nạn nặng, công nhân bị mất việc làm, không có tiền thưởng tết… sẽ được công đoàn chăm lo, tặng quà tết. Đặc biệt năm nay liên đoàn sẽ phối hợp với nghệ nhân Nguyễn Văn Chiến – chủ vườn cây kiểng Đăng Khoa – tổ chức đấu giá 10 cây mai có tuổi đời từ 30 năm trở lên để gây quỹ giúp đỡ các anh chị công nhân viên chức lao động không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Nhiều quận, huyện cũng tổ chức bữa cơm tất niên, hỗ trợ tiền tết cho công nhân không về quê đón tết. 

V.THUÝ

QUỐC VIỆT – VŨ THUÝ