27/11/2024

‘Xin lỗi Việt Nam!’

Larry Vetter biết mình mắc nợ những đứa trẻ bất hạnh này và phải làm một điều gì đó để bù đắp nỗi đau của chúng, nỗi đau mang tên da cam.

 

‘Xin lỗi Việt Nam!’

 

Larry Vetter biết mình mắc nợ những đứa trẻ bất hạnh này và phải làm một điều gì đó để bù đắp nỗi đau của chúng, nỗi đau mang tên da cam.

 

 

 

Cựu binh Mỹ Larry Vetter với trang web về những nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN - Ảnh: An DyCựu binh Mỹ Larry Vetter với trang web về những nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN – Ảnh: An Dy
Âm thầm trả nợ quá khứ
Hơn 7 năm nay, hình ảnh một người nước ngoài cao lớn, vui đùa cùng những đứa trẻ là nạn nhân chất độc da cam đã không còn xa lạ với người dân P.Hoà Hải (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng). Còn với gia đình ông La Thành Cang thì sự có mặt của ông Larry Vetter, một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ từng tham chiến tại miền Trung VN (giai đoạn 1965 – 1969), cũng giống như một người thân trở về nhà. Ông Cang có 2 người con trai tên Toàn và Nghĩa, cả hai đều mang di chứng da cam trên cơ thể, là nỗi đau không gì bù đắp.
 
 
'Xin lỗi Việt Nam!' - ảnh 2
Hy vọng khi nghe tôi hát, những đứa trẻ ấy sẽ biết được tôi muốn chia sẻ nỗi đau cùng chúng, và dù không thể hiểu nhưng chúng cũng sẽ cảm nhận được sự cắn rứt, nỗi bất lực đang ăn mòn dần tâm trí tôi
'Xin lỗi Việt Nam!' - ảnh 3
 
Ông Larry Vetter, cựu binh Mỹ
 

Toàn – đứa trẻ cảm thấy xấu hổ với cơ thể tật nguyền, dị dạng, đã giữ chân ông Larry, khiến ông tình nguyện chọn Đà Nẵng gắn bó đến cuối đời. Từ năm 2008, ông quyết định dành lương hưu của một cựu binh cùng những khoản trợ cấp khác để hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho 2 anh em Toàn, Nghĩa. Tự tay ông Larry chăm sóc, massage và vật lý trị liệu cho đôi chân quắt queo của Toàn, Nghĩa như để xoa dịu phần nào sự đớn đau mà những đứa trẻ vô tội sinh ra sau chiến tranh hơn 20 năm phải gánh chịu. Nhờ sự “trở về” của Larry mà những đứa con tật nguyền của ông Cang được chăm sóc, nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần của Toàn, Nghĩa cũng được chia sẻ.

Một năm trở lại đây, 2 đứa con nuôi của Larry yếu hẳn, ông đưa chúng về ở chung trong ngôi nhà nhỏ của mình để tiện gần gũi, chăm nom. “Cũng có nhiều người thắc mắc trong hàng nghìn đứa trẻ da cam bất hạnh, sao tôi lại chọn 2 anh em Toàn, Nghĩa để cưu mang? Cũng bởi tôi muốn sự đồng hành của mình phải mang đến một kết quả nhất định nào đấy. Với tôi, đó còn là cái duyên”, người cựu binh Mỹ nói.
Cái duyên mà ông Larry nói có lẽ cũng không khác mấy với cuộc đối đầu định mệnh giữa ông với một người phụ nữ bụng mang dạ chửa trong trận càn ở Quảng Nam gần nửa thế kỷ trước. Ánh mắt căm phẫn pha lẫn khinh bỉ đến không có lời nào tả được đã ám ảnh ông, níu ông quay trở lại VN sau nhiều thập kỷ chật vật vượt qua cơn ác mộng. Ông buộc mình phải làm tất cả những gì có thể cho những “nạn nhân” của mình.
Câu chuyện con sao biển
Điều duy nhất cần làm là phải cứu họ, những con người gần như trọn đời sống trong bệnh tật, phải giúp họ ra sao, bằng cách nào là điều mà Larry và những người bạn Mỹ của ông luôn trăn trở.
Câu chuyện về người đàn ông nhặt sao biển được người cộng sự của ông, anh Nguyễn Đại Vương thay ông kể lại. Rằng có một người đàn ông đi dọc bãi biển và nhìn thấy vô số những con sao biển ngắc ngoải mắc cạn trên bờ, ông đã nhặt một con lên và ném về phía biển. Một cậu bé đi sau ông thắc mắc, làm sao ông có thể cứu hết những con sao biển này, ông cho biết giá trị của sự cứu rỗi nằm ở chính sinh mệnh của con sao biển vừa được ông cứu. Và quan trọng hơn nữa chính là hiệu ứng lan toả. Đứa trẻ ấy sẽ giúp ông cứu thêm nhiều, nhiều những con sao biển khác.
Cựu binh Mỹ Larry Vetter dạy vẽ cho các em nhỏ da cam tại TP.Đà Nẵng - Ảnh: A.QCựu binh Mỹ Larry Vetter dạy vẽ cho các em nhỏ da cam tại TP.Đà Nẵng – Ảnh: A.Q
Đó cũng chính là công việc mỗi ngày của Larry. Trong vai trò của một nhà báo tự do, ông đi khắp các tỉnh thành miền Trung từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi, tìm những nạn nhân chất độc da cam/dioxin để chụp hình, quay hàng trăm phóng sự, clip hình ảnh. Ông giữ lại những khuôn hình sống động nhất từ những thân thể bất động, tạo ra tiếng thét phẫn nộ từ những khuôn mặt ngô nghê, không cảm xúc của những đứa trẻ da cam và đưa những hình ảnh đó, tiếng kêu đó đi khắp thế giới để tìm công lý cho những phận người vô tội.
Gần 1 năm nay, Larry và anh Vương bắt tay vào làm trang web riêng về số phận của những đứa trẻ da cam mà ông gặp, những hoàn cảnh bi thương cùng cực cần được giúp đỡ. Trên trang childofwarvietnam.com, ông chăm chút từng thước phim, từng tấm ảnh… Larry cập nhật những thông tin của giới khoa học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về loại hoá chất độc hại mà quân đội Mỹ rải trong hơn 6.500 lượt trong chiến dịch Ranch Hand, hủy diệt những cánh rừng của VN. Hay thông tin về những khu vực tiếp giáp với căn cứ không quân cũ của Mỹ tại Đà Nẵng bị nhiễm độc cao hơn gấp 350 lần mức độ cho phép của thế giới đối với các hóa chất độc hại này. Cho đến từng trường hợp cụ thể cần được giúp đỡ, các hoạt động từ thiện, xã hội, những sự kiện trong và ngoài nước chung tay vì nạn nhân chất độc da cam.
“Tôi hy vọng khi chính thức đi vào hoạt động trong những ngày tới, childofwarvietnam.com sẽ phát huy tốt vai trò cầu nối tin cậy và trực tiếp giữa nạn nhân da cam VN và những tấm lòng thiện nguyện trên toàn thế giới. Tôi đặc biệt chia sẻ chúng đến với những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại VN, để nếu có thể, họ nên chung tay trả lại phần nào món nợ quá lớn đối với thế hệ thứ hai, thứ ba và có thể cả thứ tư của người Việt”, ông Larry trăn trở.
Tôi muốn hát lời “Xin lỗi Việt Nam”
Trong tâm thức của một người con đi xa muốn quay về, ông Larry thực sự bị ám ảnh bởi giai điệu mượt mà của Bonjour Vietnam do ca sĩ Phạm Quỳnh Anh (người Bỉ gốc Việt) thể hiện. Vì quá yêu thích nó mà Larry đã mạn phép tác giả viết một lời mới cho ca khúc, với những ca từ dành riêng cho những đứa trẻ da cam bất hạnh và hát cho chúng nghe.
No more sorrow (tạm dịch: Không còn đau đớn) đã ra đời, mang tâm thức của một người mẹ có những đứa con dị dạng, tật nguyền do di chứng da cam.
“Căn bệnh này là gì, hay nó mang cái tên của sự chết chóc mà mẹ không thể nói cho con biết. Dù mẹ có khóc thương cho con, thì con cũng chẳng thể chơi đùa bình thường… Đôi mắt giận dữ, bấn loạn của con như cào xé ruột gan mẹ, đau đớn đến nỗi mẹ không thể diễn tả. Trong chiến tranh mẹ chỉ là một cô gái nhỏ. Và lúc con sinh ra thì chiến tranh đã rời xa, không một hòn đạn, mảnh bom nào có thể chạm được vào thân thể con, vậy tại sao con vẫn phải gánh chịu nỗi đau của chiến tranh? Nó còn đau đớn hơn cả bom đạn… Mẹ cầu nguyện đến một ngày, mẹ con mình cùng sống trong tình yêu thương và chơi đùa cùng nhau. Mẹ cầu nguyện cho đến một ngày, con của mẹ được giải thoát khỏi mọi sự đau đớn…”. (Dịch từ bài hát của Larry)
“Hy vọng khi nghe tôi hát, những đứa trẻ ấy sẽ biết được tôi muốn chia sẻ nỗi đau cùng chúng, và dù không thể hiểu nhưng chúng cũng sẽ cảm nhận được sự cắn rứt, nỗi bất lực đang ăn mòn dần tâm trí tôi. Tôi muốn hát cho chúng nghe bài hát – Xin lỗi Việt Nam”, ông Larry Vetter xúc động.

 

An Dy