10/01/2025

Bệnh nhân nghèo đã vơi bớt khó khăn

Chỉ vài ngày sau khi bài viết “Người bệnh hiểm nghèo đối mặt khó khăn” được đăng trên Tuổi Trẻ (ngày 26-12-2014), hàng ngàn bệnh nhân đang tính chuyện “về nhà chờ chết” đã ở lại bởi bảo hiểm y tế tiếp tục chi trả tiền thuốc cho họ.

 

Bệnh nhân nghèo đã vơi bớt khó khăn

Viết báo để dành tiền làm từ thiện, bấm vào từng nút “thích” ở mỗi bình luận, báo thông tin giá trị cho Tuổi Trẻ… là những câu chuyện đáng chú ý của giải thưởng Bạn đọc cùng làm báo tháng 12-2014.

Chỉ vài ngày sau khi bài viết “Người bệnh hiểm nghèo đối mặt khó khăn” được đăng trên Tuổi Trẻ (ngày 26-12-2014), hàng ngàn bệnh nhân đang tính chuyện “về nhà chờ chết” đã ở lại bởi bảo hiểm y tế tiếp tục chi trả tiền thuốc cho họ.

Bạn đọc báo tin về nội dung này cho Tuổi Trẻ, cũng là một bệnh nhân đang mang trong người chứng bệnh hiểm nghèo, đã được Tuổi Trẻ  trao giải thưởng bạn đọc cùng làm báo tháng 12-2014, cùng với hai bạn đọc khác có bài viết được nhiều người quan tâm trong tháng.

Cảm ơn Tuổi Trẻ  vào cuộc

“Khi được bác sĩ thông báo chính sách bảo hiểm y tế sắp áp dụng, chúng tôi đã định chấp nhận về nhà chờ chết vì lương không đủ mua thuốc cho vài ngày điều trị. Nhưng rồi tôi suy nghĩ và quyết định gọi đến Tuổi Trẻ  trình bày câu chuyện này.”

“Tôi nghĩ việc cung cấp thông tin là để nhờ báo phản ánh tâm tư và giúp đỡ rất nhiều người bệnh hiểm nghèo gặp khó khăn trong các bệnh viện, đồng thời cũng là cung cấp thông tin để các cấp các ngành thấy được những bất cập về chính sách, kịp thời có sửa đổi để người nghèo, người bệnh đỡ khó khăn”. Người bệnh (đề nghị không nêu tên) đã chia sẻ về giây phút báo tin cho báo.

Ông kể mình bị ung thư phổi và đang được điều trị bằng thuốc Tarceva. Trong những ngày cuối năm 2014 vừa qua, ông và những người bệnh ung thư cùng cảnh ngộ hết sức lo lắng vì chính sách mới bảo hiểm y tế dự định áp dụng từ 1-1-2015 sẽ chỉ chi trả 50% chi phí điều trị các thuốc mới đắt tiền như Tarceva, trong khi chi phí điều trị bằng các thuốc này lên tới 36-118 triệu đồng/tháng. Người làm công ăn lương như ông và phần lớn người bệnh hiểm nghèo hoàn toàn không có khả năng chi trả chi phí này.

“Thật bất ngờ là chỉ hai ngày sau khi báo đăng, Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam đã họp cùng với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN và quyết định bảo hiểm y tế tiếp tục chi trả tiền thuốc cho chúng tôi tới hết liệu trình điều trị. Quyết định kịp thời này đã mang lại niềm vui, sự sống cho tất cả những người bệnh hiểm nghèo chúng tôi. Rất cảm ơn sự tích cực vào cuộc của Tuổi Trẻ” – ông bày tỏ.

Viết báo để dành tiền làm từ thiện

Bài viết ngắn về “Cây cầu chia đôi” (đăng trên Tuổi Trẻ ngày 2-12-2014) phản ánh cầu Phú Long (cầu cũ, nối TP.HCM – Bình Dương) chỉ được sửa chữa, gia cố một nửa phần cầu phía bên địa bàn TP.HCM, còn một nửa cầu phía Bình Dương không được sửa chữa khiến vừa mất mỹ quan vừa kém an toàn cho người qua lại, của chị Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương) đã nhận được sự đồng thuận cao từ bạn đọc.  

Kết quả, ngày 5-1-2015, Khu quản lý giao thông đô thị số 3 cho biết để đồng bộ về cảnh quan và nâng cao tuổi thọ của công trình, trong thời gian tới họ sẽ cân đối nguồn vốn duy tu, bảo trì để duy tu, sửa chữa đồng bộ cả cây cầu trong năm 2015.

Theo chị Hạnh, đó là tin vui đầu năm của bà con khu vực hai bên cầu vì hầu hết người đi xe máy đã chọn cây cầu cũ này để đi lại thay vì đi cầu mới (có nhiều xe tải, nguy hiểm).

Cộng tác với Tuổi Trẻ  từ khá lâu, thường xuyên có bài trên mục Nhật ký thành phố của Tuổi Trẻ Cuối Tuần cũng như tích cực giới thiệu những mảnh đời nghèo khó với báo, chị Hạnh đã có một bộ sưu tập với nhiều bài viết của chính mình trên Tuổi Trẻ. Và tương ứng với các tác phẩm này là số tiền nhuận bút kha khá mà chị Hạnh đã dành riêng để làm từ thiện.

Ðối tượng từ thiện của chị chính là những nhân vật mà chị tiếp xúc. Dù không qua nghiệp vụ báo chí nhưng hành trang của chị luôn có máy ảnh, cuốn sổ, cây bút và một khoản tiền nho nhỏ từ quỹ nhuận bút để cuối buổi gặp bao giờ chị cũng gửi lại chút ít cho những hoàn cảnh đáng thương.

Chính tinh thần hào hiệp đó mà chị Hạnh đã lùng sục khắp các huyện thị của tỉnh Bình Dương tìm ra những tấm gương nghèo, hiếu học giới thiệu với Tuổi Trẻ, giúp các em tỉnh nhà nhận được học bổng “Bạn tôi – người vượt khó” năm 2013.

Chị Hạnh chia sẻ: “Mình không có đủ 4 triệu đồng để cho các em nên mình cố gắng viết càng nhiều càng tốt để mong Tuổi Trẻ  giúp được em nào hay em đó”.

Và với tâm niệm đó, chị đã viết giới thiệu đến Tuổi Trẻ 13 gương vượt khó, học giỏi, Tuổi Trẻ  đã chọn ra 11 em để hỗ trợ và trong số đó có bốn em được đưa ra Hà Nội nhận học bổng trực tiếp, đồng thời mời luôn chị Hạnh tham gia. Và chuyến đi đó đã là một kỷ niệm khó phai của chị Hạnh khi hơn lúc nào hết chị cảm thấy “bút lực” của mình đã lên tay và thật sự có ý nghĩa khi giúp được nhiều mảnh đời như vậy.

 

Tác giả Thu Phan: Nói thẳng để phụ huynh chuyển ý

Tác giả Thu Phan – Ảnh: Gia Tiến

 

Hằng ngày đọc báo thấy những cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc, Ðài Loan… bạc đãi, sát hại, ngay cả hàng xóm tôi cũng có nhiều cô gái trẻ có kết cục không mấy tốt đẹp khi trao thân cho người nước ngoài để đổi lại những món tiền, quà giá trị nên tôi mới viết bài “Cô dâu Việt bị sát hại vì coi con là “tài sản”” (đăng trên Tuổi Trẻ  điện tử ngày 3-12-2014).

Có thể nhiều người sẽ nói rằng tôi cực đoan, nói quá thẳng, chạm vào nỗi đau của người thân khi họ đã mất con. Thế nhưng, tôi chọn cách nói này với hi vọng sẽ giúp những phụ huynh đang có ý định gả con cho người nước ngoài với mong muốn kiếm được chút tiền trang trải nợ nần có thể suy nghĩ lại mà hồi tâm chuyển ý.

Do có công ty riêng nên tôi cũng đi suốt, không có thời gian để kiểm tra xem bài gửi có được đăng không.

Ðến khi về nhà mở mail mới biết Tuổi Trẻ  gửi đường link bài báo đã được đăng. Tôi vui lắm. Tôi đọc hết các bình luận bên dưới và thấy rất nhiều người đồng tình với quan điểm của tôi.

Tôi bấm vào từng nút “thích” ở mỗi bình luận vì cái nào cũng hay, cũng sâu sắc hết. Và tôi xem việc nhận giải thưởng này là động lực để tôi tiếp tục cộng tác với Tuổi Trẻ.

ÐỖ QUYÊN ghi