Con mong về ăn tết cùng ông bà
Trong một tiết học gần đây tôi tranh thủ ít phút đầu giờ hỏi học sinh của mình mong muốn gì khi tết đến.
Con mong về ăn tết cùng ông bà
Trong một tiết học gần đây tôi tranh thủ ít phút đầu giờ hỏi học sinh của mình mong muốn gì khi tết đến.
Nhắc đến tết, tất cả học sinh rất hào hứng và mạnh dạn giơ tay để nêu lên mong ước của mình. Những lý do các em thường nhắc tới là được nhiều tiền lì xì, nhiều quà, và thích đến tết vì được đi chơi thoải mái, không phải đi học, có thêm quần áo mới…
Một số học sinh sâu sắc hơn mong ông bà nội ngoại và gia đình mạnh khỏe may mắn, cuộc sống gia đình đầm ấm yên vui sung túc.
Cũng có vài em không biết là tự đồng cảm với nỗi đau của các bạn cùng lứa tuổi ở những vùng đất xa xôi khác còn chiến tranh hay nghe người lớn nói mà các em ước mong thế giới hoà bình không còn chiến tranh, các bạn ở những nơi đó được đến trường.
Dù là thế nào thì chỉ với một câu hỏi nhỏ thôi đã “thức tỉnh” học sinh về ý nghĩa ngày tết cổ truyền của dân tộc, hết thảy đều cùng nghe bạn bè mình gợi lên những mong ước tốt đẹp đến với mình và mọi người trong năm mới.
Chính nhờ đề tài sôi nổi này mà tôi có thêm dịp giới thiệu về Tết Nguyên đán cho các em, nhắc nhở các em nên và không nên làm gì để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nghỉ học…
Tôi ấn tượng với mong muốn giản đơn của một học sinh nam quê ở Thanh Hoá khi chỉ muốn về quê ăn tết cùng gia đình ông bà nội ngoại vì em rất nhớ ông bà và để xem trâu với bò khác nhau thế nào.
Hỏi tại sao có mong ước như vậy, em nói khi nào cha mẹ cũng hứa cho về quê chơi vào dịp hè hay tết nhưng chưa bao giờ thực hiện lời hứa.
Hôm sau, tôi có gặp mẹ của em học sinh đó khi chị đưa con đến trường, hỏi thăm chị thì được biết gia đình khó khăn không có điều kiện đi lại, tàu xe tốn kém, đặc biệt là trong dịp tết này, còn dịp hè vợ chồng không được nghỉ làm, còn để con về quê một mình lại không yên tâm.
Chị kể vợ chồng cưới nhau ở Thanh Hoá xong vào Sài Gòn làm ăn vất vả đủ bề nhưng không dành dụm bao nhiêu, chưa kể ốm đau bệnh tật, lại cưới xin, tiền thuê nhà, đến khi con đi học lại thêm tiền học… Cứ như vậy mà gia đình chị không dám về quê.
Chị kể thêm: “Có hôm con hỏi tôi y như trên tivi phản ánh là tóc ông có bạc không, râu ông có trắng không, trâu có to bằng con bò không, vậy đấy. Nhiều khi cũng không biết nói sao cùng con”.
Vâng, nhiều khi chúng ta dạy trò của mình yêu quý ông bà, tôn trọng người lớn trong khi trò không biết ông bà mình thế nào thì làm sao mà yêu?! Nhiều cha mẹ sống trong khu phố đâu để con cái tiếp xúc với ai vì sợ phiền phức. Dạy trò yêu quê hương đất nước trong khi các em đâu có biết quê như thế nào, chỉ nghe thầy cô giảng bài, các em nghe qua rồi lãng quên sau đó.
Không dám khuyên gì bậc phụ huynh nọ vì hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau, lối sống lối nghĩ khác nhau nhưng tôi tâm sự cùng chị dịp tết để gia đình đoàn tụ, anh em sum vầy, qua đó cha mẹ có cơ hội dạy con biết báo ơn ông bà.
Đó cũng là dịp cho con thấy mình đối xử với cha mẹ anh em thân thích làm sao, không phương pháp giáo dục nhân cách nào cho trẻ tốt hơn là mình làm gương tốt trước mặt trẻ.
Tôi cũng nói với chị cha mẹ cho con về thăm quê để con trẻ thấy cảnh đồng ruộng, trâu bò như thế nào chứ không chỉ qua trường lớp, bài văn mẫu hoặc qua lời kể của thầy cô.