09/01/2025

Làm gì khi con trẻ xem phim “mát mẻ”?

Sốc và sợ hãi, đó là cảm giác của Maddie (nhân vật đã được đổi tên) khi vô tình phát hiện laptop của đứa con trai 15 tuổi có tới 40 đường dẫn (link) đến các trang web đen.

 

Làm gì khi con trẻ xem phim “mát mẻ”?

 

Sốc và sợ hãi, đó là cảm giác của Maddie (nhân vật đã được đổi tên) khi vô tình phát hiện laptop của đứa con trai 15 tuổi có tới 40 đường dẫn (link) đến các trang web đen.

 

 

 

 

Một mình lang thang trên Internet, trẻ rất dễ rơi vào “cạm bẫy” của những trang web đen - Ảnh: BBCIMG
Một mình lang thang trên Internet, trẻ rất dễ rơi vào “cạm bẫy” của những trang web đen – Ảnh: BBCIMG

Theo CNN, chuyện xảy ra với Maddie – một người mẹ có hai con – là hoàn cảnh chung của vô số bậc phụ huynh khác bởi: “Một nghiên cứu diện rộng cho thấy có đến 42% trẻ trong độ tuổi 10-17 cho biết đã xem phim “đen” online trong 12 tháng qua”.

Không là ngoại lệ

Câu chuyện trên cũng dần phổ biến ở VN. Chị N.Quỳnh (giám đốc một công ty truyền thông) cho biết chị cũng từng sững sờ khi phát hiện laptop của đứa con trai 12 tuổi có nội dung “đen”. Chị càng sửng sốt hơn khi con kể đó là do các bạn ở trường chia sẻ lại.

Còn anh H.Tuấn (38 tuổi, ngụ Q.1) vẫn hối hận về việc đã cho cậu con trai 14 tuổi “ăn roi mây” khi phát hiện con đang xem phim “đen”.

“Thực chất lỗi là do đứa em tôi hay vô YouTube xem mấy loại phim này, trong khi hiện YouTube có chức năng tổng hợp, phân tích thông tin cho các chức năng “Recommended” (có thể hiểu: gợi ý những clip nội dung tương tự với clip đã xem) hoặc “Watch it again” (xem lại) và con tôi chỉ vô tình thấy được, tò mò nhấp chuột vào”.

Cần thêm nhiều nghiên cứu, sẻ chia

Theo một nghiên cứu của ĐH New Hampshire (Hoa Kỳ), 66% trẻ em trong độ tuổi 10-17 xem phim “đen” là do ngẫu nhiên chứ không phải chủ động tìm kiếm.

Còn một khảo sát được thực hiện trên tạp chí Seventeen (Mỹ) vào năm 2010 chỉ ra rằng khoảng 13% đối tượng nam giới 15-22 tuổi cho biết phim “đen” lẫn việc giáo dục giới tính có ảnh hưởng tới quyết định liên quan đến tình dục ở họ.

Theo bà Elizabeth Schroeder – chuyên gia tính dục và nguyên giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục giới tính Answer, việc đầu tiên phụ huynh nên làm trong trường hợp này là hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên do, trò chuyện cùng con bởi điều con họ làm không phải là sai trái.

“Hành vi trên xảy ra ở cả trẻ trai lẫn trẻ gái và rất tự nhiên, rất bình thường, nhất là khi hormone giới tính trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì, chưa kể yếu tố hiếu kỳ ở chúng” – bà Schroeder khẳng định.

Một số phụ huynh nêu thêm giải pháp là cài các phần mềm “chặn” web đen vào máy tính của con. Trong trường hợp con từ chối “mở lòng” thì hãy để trên bàn chúng những quyển sách, tạp chí chuyên mảng giáo dục giới tính.

Thạc sĩ xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) bổ sung: “Các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý đến bạn bè của trẻ – đối tượng có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ.

Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh Việt vẫn cho rằng đây là đề tài tế nhị và không đủ “dũng khí” chia sẻ với con do sợ cảm giác tiếp tay “vẽ đường cho hươu chạy”.

Trong khi tâm lý chung thì chuyện gì càng bí ẩn càng thách thức sự hiếu kỳ, muốn khám phá ở con người. Vì vậy chúng ta nên chăng “vẽ đường” cho hươu chạy đúng còn hơn vào ngõ cụt”.

Theo thạc sĩ Nhờ, các bậc phụ huynh cũng nên tận dụng thời gian để trò chuyện cùng con, học thêm kỹ năng sử dụng công nghệ và tránh trường hợp sử dụng sản phẩm công nghệ như món quà “bù đắp” cho con vì sự bận rộn của bản thân. 


CÔNG NHẬT