08/01/2025

Bệnh nhân BHYT bị ép ‘điều trị tự nguyện’

Bệnh nhân có bảo hiểm y tế và điều trị đúng tuyến nhưng phải đóng thêm tiền theo dạng “tự nguyện” !

 

Bệnh nhân BHYT bị ép ‘điều trị tự nguyện’

 

Bệnh nhân có bảo hiểm y tế và điều trị đúng tuyến nhưng phải đóng thêm tiền theo dạng “tự nguyện” !

 

 

 

Phiếu thu của BV đa khoa Hà Đông đối với bệnh nhân BHYT 'tự nguyện' - Ảnh: Thái SơnPhiếu thu của BV đa khoa Hà Đông đối với bệnh nhân BHYT “tự nguyện” – Ảnh: Thái Sơn

 

Phản ánh với PV Thanh Niên, nhiều bệnh nhân (BN) có bảo hiểm y tế (BHYT) đang điều trị tại Khoa Nội thận – tiết niệu, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hà Đông, Hà Nội, bức xúc về việc phải chi thêm tiền khi chạy thận. Bình quân mỗi BN phải chi thêm hơn 1 triệu đồng/tuần.
Đúng tuyến vẫn thêm tiền
Ông Nguyễn Đình Kha (44 tuổi, ở Phú Lương, Q.Hà Đông, Hà Nội) nhập viện hơn 1 tháng nay để điều trị suy thận mãn tính. Dù có BHYT, điều trị đúng tuyến nhưng mỗi tuần ông Kha phải đóng thêm hơn 1 triệu đồng để chạy thận, gồm: 274.000 đồng mua 1 quả lọc thận, 250.000 đồng bồi dưỡng cho bác sĩ của khoa mỗi lần chạy thận, mỗi tuần chạy thận 3 lần. “Trước đây tôi chạy thận ở Bệnh viện (BV) 103 không tốn thêm bất cứ khoản tiền nào. Nay về BV Hà Đông, đúng tuyến BHYT nhưng lại phải đóng thêm tiền”, ông Kha bức xúc.
BN Nguyễn Thị Thơm (57 tuổi, ở P.Phú Lương, Q.Hà Đông) cho biết trước đây điều trị ở BV Bạch Mai và một số nơi khác không tốn tiền chạy thận nhân tạo, nhưng khi về điều trị đúng tuyến BHYT tại Khoa Nội thận – tiết niệu (BVĐK Hà Đông) phải đóng thêm tiền. Khoảng 5 tháng qua, BN Thơm đóng 20 triệu đồng. “Bình quân một tháng chúng tôi phải nộp 4 triệu đồng. Khi chạy thận nộp 524.000 đồng nhưng khoa chỉ đưa phiếu thu thể hiện trên hóa đơn 274.000 đồng – số tiền mua quả lọc thận”, ông Thành – chồng BN Thơm – phản ánh.
Tương tự, BN Nguyễn Thị Chín (ở Quảng Ninh) trước đây điều trị 3 năm ở BVĐK Quảng Ninh không phải đóng thêm chi phí chạy thận, nhưng nay chuyển BHYT về BVĐK Hà Đông thì phải trả thêm tiền khi chạy thận. Hơn 5 tháng qua, BN Chín phải chi thêm 21 triệu đồng. Lương hưu của cả hai vợ chồng bà Chín 5 triệu đồng/tháng. “Chi phí trả thêm cho việc chạy thận “ăn hết vào lương”, vợ chồng BN Chín than.
Bình quân mỗi tuần, mỗi BN phải chạy thận 3 lần. Những trường hợp đóng thêm chi phí như trên được BVĐK Hà Đông xếp vào diện “tự nguyện”. Theo phản ánh của các BN, Khoa Nội thận – tiết niệu có 9 máy chạy thận, bác sĩ nói máy chỉ phục vụ 2 ca/ngày. Nếu làm thêm ca 3, từ 15 – 19 giờ thì BN phải viết phiếu “đề nghị khám bệnh tự nguyện và nộp tiền”. BN nào không đồng ý thì đi nơi khác điều trị.
 
 

Ký rồi nộp lại hoá đơn
Đáng lưu ý, khi chạy thận lần thứ nhất, BN phải nộp thêm 524.000 đồng, nhưng họ chỉ được giữ hóa đơn ghi 274.000 đồng; hóa đơn ghi khoản thu còn lại BV bảo BN ký rồi thu lại. Khi chạy lần thứ 2, thứ 3, BN nộp 250.000 đồng/lần, hóa đơn ghi thu tiền chạy thận. Bác sĩ Hường cho rằng các khoản thu của BN đều có hóa đơn nhưng thừa nhận có hóa đơn BV giữ lại (hoá đơn ghi khoản tiền bồi dưỡng cho cán bộ làm ngoài giờ – PV). Chiều 30.1, một số BN cho biết, Khoa Nội thận – tiết niệu bất ngờ gọi BN đến để trả lại các hoá đơn mà BV giữ trước đó.

 

Ngoài việc phải chi bồi dưỡng cho bác sĩ, người bệnh phải mua quả lọc thận. Quả lọc thận nằm trong danh mục được nhà nước chi trả BHYT; lâu nay mỗi quả lọc sử dụng 6 lần mới thay, nhưng với BN diện “tự nguyện” như trên, thì BVĐK Hà Đông chỉ cho sử dụng 3 lần rồi bỏ, BN phải mua quả lọc mới. Cũng vì thế nên có BN chỉ chạy thận 2 lần/tuần thay vì 3 lần/tuần, như trường hợp BN Nguyễn Thị Tề (xã Phương Trùng, H.Thanh Oai, Hà Nội).

Làm phúc cho các bác thôi (?!)
Trả lời PV Thanh Niên, ông Đào Thiện Tiến, Giám đốc BVĐK Hà Đông, cho rằng chưa hề nhận được phản ánh nào từ BN về tình trạng trên.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Hường – phụ trách Khoa Nội thận – tiết niệu thì cho biết có nhận được đơn của BN. Theo bác sĩ Hường, BV quy định máy chạy thận nhân tạo chỉ hoạt động 2 ca/ngày. Mấy năm gần đây lượng BN chạy thận đông nên không đủ máy, BN được chuyển sang BV khác. Một số BN quay trở lại xin được chạy thận ca 3. “Để máy hoạt động thêm ca thì phải trả thù lao làm thêm ngoài giờ cho y bác sĩ. Chúng tôi có giải thích cho BN như thế, ai có nhu cầu thì phải ký vào phiếu đề nghị khám bệnh tự nguyện. Số tiền thu được đều thông qua bộ phận tài vụ của BV chứ không ai thu riêng cả. Chúng tôi giải thích nếu các bác trong khi chưa tìm được nơi nào khác thì chúng tôi cho các bác chạy thận ở đây, gọi là làm phúc cho các bác thôi”, bác sĩ Hường nói.
Theo bác sĩ Hường, việc cho máy hoạt động ca 3 và thu tiền của BN đã có sự thống nhất của lãnh đạo BV. Trong khi đó Giám đốc BV Đào Thiện Tiến lại nói “được bổ nhiệm chưa lâu nên không nắm rõ”!
Không phải đóng thêm tiền

Theo ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), BN BHYT chạy thận nhân tạo đúng tuyến thì không phải đóng thêm tiền, bởi chi phí đó đã có Quỹ BHYT thanh toán. Quỹ BHYT thanh toán trung bình khoảng 500.000 – 600.000 đồng/ca chạy thận. Ngoài tiền quả lọc (một quả lọc chạy 6 lần), BN còn được thanh toán khi có sử dụng thuốc tăng hồng cầu, đạm theo chỉ định của bác sĩ. “Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay việc BN phản ánh BV đa khoa Hà Đông thu tiền của BN BHYT đúng tuyến chạy thận tại đây; BV phải nói rõ thu tiền của người bệnh theo quy định nào”.

Thái Sơn