26/11/2024

Nạn sát hại người bạch tạng ở Tanzania

Nguy hiểm luôn chực chờ người mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania vì các bộ phận trên cơ thể họ được cho là có thể mang lại may mắn và sự giàu có.

 

Nạn sát hại người bạch tạng ở Tanzania

 

 

Nguy hiểm luôn chực chờ người mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania vì các bộ phận trên cơ thể họ được cho là có thể mang lại may mắn và sự giàu có.

 

 

 

Nạn sát hại người bạch tạng ở Tanzania
Trẻ em bạch tạng ở Tanzania    Ảnh: AFP
Lâu nay, người bạch tạng ở châu Phi đã rất khổ sở vì luôn bị kỳ thị, xa lánh và giờ đây cuộc sống của họ càng trở nên nguy hiểm hơn, nhất là tại Tanzania. Theo tờ Daily Mail, gần đây ở nước này rộ lên tin đồn các bộ phận cơ thể người bạch tạng sẽ mang lại sự giàu có, quyền lực và thành công nên nhiều người thậm chí giết hại và buôn bán cả thân nhân của mình.
Những đồng tiền máu
Theo tờ Daily Mail, trong vài tháng qua, đã có gần 100 người bạch tạng bị sát hại và 59 người khác may mắn sống sót sau các vụ tấn công. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng chục ngôi mộ bị phá hoại để lấy xác. Nhà chức trách cho biết đây chỉ là những trường hợp ghi nhận được và con số trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Gần đây nhất là vụ bắt cóc bé gái 4 tuổi Pendo Emmanuelle Nundi ngay tại nhà vào tháng 12.2014. Cha và chú của nạn nhân đã bị bắt giữ nhưng đến nay tung tích nạn nhân vẫn còn là bí ẩn dù cảnh sát treo thưởng đến 1.700 USD để có thông tin giúp làm sáng tỏ vụ việc.
Trước đó, bé trai 10 tuổi Mwigulu Matonange bị 2 người đàn ông tấn công trên đường đi học về cùng một người bạn. Chúng cắt cánh tay của Matonange trước khi biến mất vào rừng. “Em bị đè xuống giống như con dê bị làm thịt”, cậu bé hồi tưởng lại vụ việc trong nước mắt. Nghiêm trọng hơn là vụ một phụ nữ bạch tạng 38 tuổi bị chồng và 4 người đàn ông khác tấn công bằng dao phay khi đang ngủ trong nhà. Theo một báo cáo của LHQ, thủ phạm thường cắt tay chân của các nạn nhân nhưng trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cả nội tạng cũng bị lấy đi.
Daily Mail dẫn lời một số nhà hoạt động vì quyền lợi của người bạch tạng Tanzania cho hay nhiều người sẵn sàng bỏ ra 3.000 – 4.000 USD để mua một cánh tay, chân hoặc 75.000 USD cho toàn bộ cơ thể người bạch tạng rồi đưa cho các phù thuỷ để chế tạo “bùa”. Những khoản tiền này cao gấp nhiều lần so với mức lương tối thiểu ở quốc gia nghèo thứ 15 thế giới và đang đe dọa nghiêm trọng cộng đồng người bạch tạng. “Chúng tôi có thể tin tưởng ai đây khi nguy cơ đến từ chính người thân của mình?”, ông Josephat Torner, nổi tiếng vì các hoạt động đấu tranh cho người bạch tạng, than thở với Daily Mail.
Nhiều nhà hoạt động khác đặt nghi vấn là có cả các chính trị gia dính líu vào đường dây tấn công người bạch tạng. “Những con cá lớn đứng sau chuyện này. Đó là những người có đủ thế lực và tiền bạc nhưng vẫn muốn giàu hơn, có quyền lực hơn”, ông Peter Ash, người sáng lập Tổ chức Under The Same Sun chuyên bảo vệ quyền lợi người bạch tạng, nói. Đáng chú ý là trong thời gian qua, đã có một số cuộc xét xử nhưng đa số bị cáo là những kẻ ra tay trực tiếp hoặc phù thuỷ còn người mua phía sau chưa hề bị đụng tới.
LHQ cũng cảnh báo tình trạng này có thể sẽ còn trầm trọng hơn do ngày càng nhiều chính trị gia tìm đến các phù thuỷ với hy vọng giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 ở Tanzania. Theo ông Ash, người bạch tạng thường phải lẩn trốn vào những dịp bầu cử ở quốc gia này.
Nỗ lực ngăn chặn
Trước tình hình trên, chính quyền đã cho lập một số trung tâm nuôi dưỡng người bạch tạng với tường cao bao quanh và được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo chuyên gia Ash, đây không phải giải pháp dài hơi bởi lẽ cốt lõi nằm ở tâm lý không xem người bạch tạng “là con người” ở châu Phi. Ngay cả trước khi xuất hiện nạn sát hại người bạch tạng thì nhiều trẻ em đã phải ở trong các trung tâm do gia đình và cộng đồng không cho phép chúng trở lại.
Ngoài ra, chính quyền Tanzania vừa ban hành lệnh cấm các phù thuỷ hành nghề với hy vọng chặn đứng được nạn dùng người bạch tạng làm bùa. Tuy nhiên, còn quá sớm để biết liệu lệnh cấm này có giải quyết được vấn đề hay không. Chuyên gia Harry Freeland nhận định với Daily Mail: “Chúng ta khoan vội kết luận. Biện pháp đó chẳng có ý nghĩa gì trước khi chúng ta có thể nhìn thấy những kết quả hữu hình”. Ông Ash thì nhắc lại chuyện vào năm 2009, Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete cũng từng tuyên bố đặt các phù thuỷ ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ và rồi âm thầm bị bãi bỏ. Kênh Discovery dẫn lời giáo sư tôn giáo học người Nam Phi Selaelo Thias Kgatla cho rằng lệnh cấm mới nhất của chính quyền Tanzania sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề. Theo ông, chừng nào người dân còn tin vào bùa chú và ma thuật, chừng đó họ còn tìm đến phù thuỷ và người bạch tạng vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu bị nhắm đến.

Trùng Quang