Vai trò của các nhà giáo dục

Trong bài Phúc Âm, ta đọc thấy Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên; trong bài đọc I đề cập đến tiếng Chúa gọi Samuel. Cả hai trình thuật đều làm nổi bật tầm quan trọng của người thi hành vai trò trung gian giúp những người được gọi nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa và vâng theo tiếng nói đó.

 Vai trò của các nhà giáo dục

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô 
Chúa Nhật II TN, 15/1/ 2012

Anh chị em thân mến!

Trong các bài đọc Sách Thánh của Chúa Nhật hôm nay – Chúa Nhật II Mùa Thường Niên – nổi bật chủ đề ơn gọi: trong bài Phúc Âm, ta đọc thấy Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên; trong bài đọc I đề cập đến tiếng Chúa gọi Samuel. Cả hai trình thuật đều làm nổi bật tầm quan trọng của người thi hành vai trò trung gian giúp những người được gọi nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa và vâng theo tiếng nói đó. Trong trường hợp  Samuel, đó là Êli, vị Tư tế tại đền thờ Silo, nơi mà ngày xưa trưng bày hòm bia giao ước, trước khi được đưa về Giêrusalem. Vào một đêm nọ, Samuel, lúc đó còn là một cậu bé, ngay từ tuổi ấu thơ, đã sống phục vụ trong Đền thờ, đêm đó, cậu nghe có tiếng gọi mình đến 3 lần trong giấc ngủ, và cứ mỗi lần như thế, cậu đều chạy đến phòng Tư tế Êli. Nhưng vị Tư tế không hề gọi cậu. Lần thứ ba, Êli mới hiểu và nói với Samuel: nếu tiếng đó còn gọi con, thì con hãy thưa: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1S 3,9). Và điều đó đã xảy ra đúng như vị Tư tế đã nghĩ. Từ đó trở đi, Samuel học cách nhận ra tiếng Chúa nói, và trở nên vị Tiên tri trung thành của Chúa.


Trong trường hợp các môn đệ của Đức Giêsu, thì gương mặt trung gian là Gioan Tẩy Giả. Thật thế, Gioan có rất nhiều môn đệ, và giữa họ, có 2 anh em Simon và Anrê, Gioan và Giacôbê, là những ngư phủ miền Galilê. Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu cho 2 môn đệ trong số họ, sau ngày Đức Giêsu chịu Phép Rửa trên sông Giođan. Ông chỉ Đức Giêsu cho họ và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa!” (Ga 1,36), điều này có nghĩa là: “Đây là Đấng Thiên Sai”. Và cả hai liền đi theo Đức Giêsu, ở lâu giờ với Người. Sau khi đã xác tín rằng Người thật sự là Đức Kitô, họ liền đi nói với những người khác, và như thế, tạo nên hạt nhân đầu tiên của điều mà sau này ta gọi là Tông đồ đoàn.

 

Dưới ánh sáng của 2 bài đọc này, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò có tính quyết định của vị linh hướng trên con đường đức tin, đặc biệt trong việc đáp trả lại một ơn gọi đặc biệt sống đời thánh hiến, phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài. Tự bản tính, đức tin Kitô giáo giả thiết sự loan báo và chứng tá: quả thật, đức tin hệ tại việc đón nhận Tin Mừng, đó là Đức Giêsu Thành Nazareth đã chết và sống lại, rằng Người là Thiên Chúa. Như thế, tiếng gọi đi theo Đức Giêsu một cách gần kề hơn, bằng cách từ bỏ việc xây dựng cho mình một gia đình, để tận hiến cho đại gia đình Giáo Hội, dĩ nhiên, tiếng gọi này cũng đi qua chứng tá và lời đề nghị một “người anh cả”, thường là một linh mục. Nhưng ngoài điều này ra, ta vẫn không quên đi vai trò cơ bản của cha mẹ, là người, với đức tin đơn sơ và vui tươi của họ, cũng như với tình yêu vợ chồng của họ, chứng tỏ cho con cái của mình biết rằng xây dựng toàn bộ đời sống trên tình yêu Thiên Chúa là điều tốt đẹp và khả thi.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cho tất cả các nhà giáo dục, đặc biệt cho các linh mục và các bậc làm cha, làm mẹ, để họ ý thức cách trọn vẹn tầm quan trọng của vai trò tinh thần của mình, để tạo cơ hội cho các bạn trẻ, ngoài việc tăng triển về phương diện nhân vị, dễ dàng đáp lại tiếng Chúa gọi, để thưa với Người rằng: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”.