11/01/2025

Phi công VNA nghỉ việc hàng loạt là ‘đặc biệt bất thường’

Dù hiện có mức lương cao gấp 14 – 15 lần mức trung bình của người lao động trong tổng công ty, nhưng nhiều phi công của Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines) vẫn xin nghỉ việc.

 

Phi công VNA nghỉ việc hàng loạt là ‘đặc biệt bất thường’

 

Dù hiện có mức lương cao gấp 14 – 15 lần mức trung bình của người lao động trong tổng công ty, nhưng nhiều phi công của Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines) vẫn xin nghỉ việc.

 

 

 

Đã có 30 phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc chỉ trong một thời gian rất ngắn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đã có 30 phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc chỉ trong một thời gian rất ngắn – Ảnh: Diệp Đức Minh

Trước tình trạng phi công VN và lao động kỹ thuật cao xin nghỉ việc hàng loạt, thu hút sự quan tâm của dư luận, chiều 12.1, Vietnam Airlines (VNA) tổ chức họp báo, thông tin về vụ việc.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA, cho biết việc phi công của hãng nghỉ việc đang là “một hiện tượng đặc biệt bất thường”. “Từ đầu năm 2014 đã có hiện tượng một số kỹ sư, thợ máy nộp đơn xin nghỉ việc, dù tổng công ty đã làm công tác tư tưởng nhưng họ vẫn nghỉ. Đến nửa cuối 2014 đã có phi công nộp đơn xin nghỉ. Nhưng trong dịp Tết dương lịch vừa qua, từ 30.12.2014 đến 4.1.2015 đã có tới 117 lượt phi công báo ốm, sau đó có 30 trường hợp nộp đơn xin nghỉ việc”, ông Minh nói.
Sự việc bất thường, theo ông Minh là: “90% trường hợp xin nghỉ là thuộc đội bay Airbus, không có người trong các đội bay Boeing và ATR 72 xin nghỉ. Trong số 117 trường hợp báo ốm thì chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận của cơ quan y tế”, ông Minh nói.
Dù không trực tiếp nói phi công VNA đồng loạt nghỉ việc là do chế độ đãi ngộ thấp, song ông Minh thừa nhận hiện tượng này trên thế giới không phải là hiếm. Điều này đòi hỏi VNA và các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp kịp thời, bởi việc phi công nghỉ việc hàng loạt đã và đang đe doạ an ninh kinh tế của đất nước.
Ông Phạm Ngọc Minh trả lời báo chí về vấn đề tiền lương của phi công Vietnam Airlines - Ảnh: Thái SơnÔng Phạm Ngọc Minh trả lời báo chí về vấn đề tiền lương của phi công Vietnam Airlines – Ảnh: Thái Sơn
Không chạy theo mức lương thị trường
Ông Minh cho biết từ năm 2008, VNA đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao, đưa ra mục tiêu trong vòng từ 5 – 7 năm mức lương của lao động kỹ thuật cao sẽ tiếp cận 75 – 80% mặt bằng khu vực Đông Nam Á. Cũng năm 2008, trong đợt cải cách tiền lương đầu tiên, phi công đã được tăng lương gấp đôi, các năm gần đây đều có sự điều chỉnh theo hướng tăng tương đối rõ rệt. Theo đó, vào thời điểm tháng 9.2014, cơ trưởng máy bay Boeing 777 và Airbus 330 là 132 triệu đồng/tháng, đến tháng 1.2015 đã tăng lên 163 triệu đồng/tháng, dự kiến đến tháng 7.2015 tăng khoảng 177 triệu đồng/tháng. Đối với cơ trưởng máy bay A321 lương từ tháng 9.2014 là khoảng 115 triệu đồng/tháng, đến tháng 1.2015 tăng 143 triệu đồng/tháng, dự kiến đến tháng 7.2015 sẽ tăng khoảng 158,8 triệu đồng/tháng.
Đại diện bộ phận tổ chức tiền lương của VNA nhìn nhận, bên cạnh 600 phi công thì 9.000 lao động khác của tổng công ty cũng phải quan tâm. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, việc tăng lương chủ yếu tập trung cho phi công, trong đó mức lương chung cho các lao động khác vẫn giậm chân tại chỗ. Bình quân lương của lao động VNA hiện nay xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, còn tiếp viên khoảng 19 triệu đồng/tháng.
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Minh thừa nhận mức lương này vẫn thấp so với một số hãng hàng không trong khu vực. “Theo đánh giá của chúng tôi thì mức lương của lực lượng phi công hiện nay đang đáp ứng được yêu cầu lộ trình đề ra là khoảng 75 – 80% mức lương phi công nước ngoài mà VNA thuê và sẽ tiếp tục cải cách ở mức độ hợp lý”, ông Minh nói, đồng thời bác bỏ chuyện một số hãng khác đang cạnh tranh với VNA lôi kéo phi công chuyển việc.
Trong trường hợp đã tăng lương nhưng phi công vẫn không bằng lòng thì VNA có giải pháp gì? Trả lời câu hỏi này, đại diện VNA cho rằng ngoài việc tăng lương thì cần phải tính đến các biện pháp dài hạn đổi mới phương thức quản trị, tăng năng suất lao động, xã hội hoá tuyển dụng phi công… Việc tăng thêm lương cho phi công ngoài lộ trình đề ra là một câu hỏi khó, bởi chi phí tiền lương cho nhân công của VNA hiện nay đã chiếm 8% trong toàn bộ chi phí hoạt động của hãng. “Chúng tôi không có chủ trương thị trường nêu ra một cái giá nào đó thì chúng tôi phải chạy theo. Chúng tôi điều chỉnh là theo lộ trình và kế hoạch đã cam kết, toàn bộ phi công đều được điều chỉnh chứ không phải vài người bỏ đi hay con số hơn thế”, ông Minh khẳng định.
Phải bồi thường chi phí đào tạo
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Minh cho biết sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT thì đã có nhiều trường hợp phi công làm đơn nghỉ việc xin rút đơn. Đối với các phi công xin nghỉ cũng phải tính đến khoản tiền bồi thường, bởi trước khi vào nghề các phi công đã được nhà nước bỏ ra khoản tiền lớn để đào tạo. Việc cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp can thiệp phi công nghỉ việc, theo ông Minh là nhằm đảm bảo an ninh an toàn hàng không, nên khó có thể đề cập là phạm luật lao động.

Thái Sơn