11/01/2025

Vẫn chờ nhau dù không hẹn ước

Phong trào sinh viên – học sinh ở Sài Gòn những năm chống Mỹ đã kịp kết nối những trái tim trẻ yêu nước, rạo rực nhiệt huyết, chấp nhận hi sinh vì lý tưởng.

 

Vẫn chờ nhau dù không hẹn ước

 

Phong trào sinh viên – học sinh ở Sài Gòn những năm chống Mỹ đã kịp kết nối những trái tim trẻ yêu nước, rạo rực nhiệt huyết, chấp nhận hi sinh vì lý tưởng.

 

Hai vợ chồng ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu thời hoạt động trong phong trào sinh viên – học sinh – Ảnh: My Lăng chụp lại

Dù chỉ là lời nói vu vơ hay những lần “nhìn” thấy qua lớp khăn rằn, họ đã rung động, lấy tình yêu trong sáng, thuần khiết làm động lực vượt qua tra tấn, đau bệnh để có niềm tin sắt đá về một ngày đoàn tụ khi giải phóng.

Mối tình của hai người bịt khăn rằn

Khi Lê Tú Cẩm bỏ học đi kháng chiến, nhiều người ngạc nhiên vì cô nữ sinh lớp đệ tam Trường Gia Long ấy sinh ra trong một gia đình khá giả. Hình ảnh Lê Tú Cẩm đã khiến Trương Thanh Danh, anh cán bộ phong trào học sinh Thành đoàn, cảm phục và thầm ước: “Giá như mình gặp người con gái ấy một lần…”.

Năm 1964, hoạt động trong nội thành bị bể, Trương Thanh Danh rút về căn cứ Củ Chi. Cơ quan của anh và Lê Tú Cẩm chỉ cách nhau một con đường nhỏ nhưng họ rất ít có điều kiện gặp nhau. Một lần đi công tác về, Danh thấy có dáng người con gái băng ngang qua đường. Dù cả hai đều bịt mặt bằng khăn rằn (nhằm giữ bí mật để sau này nếu bị bắt thì không biết mặt ai mà khai) nhưng Danh linh cảm: đây chính là người con gái mình khao khát được gặp! Sau lần gặp gỡ duyên nợ ấy, Danh cứ nhớ mãi đôi mắt to đen rất đẹp.

Năm đó Lê Tú Cẩm mới 16 tuổi. Mấy lần Danh định ngỏ lời nhưng thấy cô còn nhỏ nên không dám… Tháng 12-1965, Trương Thanh Danh bị bắt trên đường về Sài Gòn công tác. Anh em đồng chí mỗi người “đả thông” một ít, Tú Cẩm biết Danh có tình cảm với mình. Cô im lặng. Do cơ sở có nội tuyến của địch, Tú Cẩm bị bắt khi đang hẹn giao vũ khí ở góc chợ gần Bảo tàng Mỹ thuật thành phố bây giờ. Ðó là năm 1967.

Thời gian này, ở trong tù Trương Thanh Danh bị địch tra tấn nhưng Danh thề với lòng mình: có chết cũng không hé nửa lời! Trong lao tù, ngoài thời gian sinh hoạt, học tập chính trị và văn hóa cùng anh em, Danh lại nhớ đến một đôi mắt to đen lay láy và dáng người mảnh mai, đài các… Xin anh em được chiếc vỏ dừa cứng đơ, Danh nảy ý định làm… nhẫn cưới vì tin rằng “nhất định mình sẽ sống tới ngày cách mạng thành công và gặp cô ấy”.

Trong khi đó, qua dò hỏi nhiều người, Tú Cẩm hay tin Trương Thanh Danh bị xử tử hình. Chút cảm tình với anh bỗng chốc bùng lên dữ dội như ngọn lửa gặp gió!

“Tôi có cảm giác mất mát thật khó diễn tả, cứ như đó là người rất gắn bó với mình. Cái khoảng trống rất lớn cứ chơi vơi trong lòng không giải thích được…” – bà Tú Cẩm nhớ lại.

Năm 1968, Trương Thanh Danh bị đày đi Côn Ðảo. Anh mang chiếc nhẫn bên mình, giấu trong lai quần. Lao tù tăm tối, nhưng anh vẫn rừng rực niềm tin mãnh liệt về ngày đại thắng của dân tộc. Rồi anh sẽ đeo chiếc nhẫn ấy vào ngón tay nhỏ nhắn trắng xinh của Tú Cẩm và cầu hôn.

Cái ngày mơ ước cuối cùng cũng đến. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trương Thanh Danh được đón về Sài Gòn, tập trung ở Trường Hùng Vương. Tú Cẩm được trao trả trước anh một năm. Cô đến thăm Danh. Ðấy là lần đầu tiên, sau gần 10 năm thương nhớ, họ mới thấy gương mặt nhau! Lúc đó Tú Cẩm 27 tuổi. Người con trai thầm thương trộm nhớ Cẩm bấy lâu đang đứng trước mặt cô. Anh gầy xanh xao và yếu quá. Hai người ngồi trên bậc thềm, im lặng rất lâu…

Mãi một lúc sau, Danh mới gom hết can đảm, run run cầm chiếc nhẫn làm từ vỏ dừa mà anh nâng niu, giữ gìn gần 10 năm trời, đeo vào tay cô. Họ kết hôn. Cưới xong đúng hai ngày, cô ra Bắc học. Lần đầu tiên, họ viết thư cho nhau.

“Sau này có người nói vui với vợ chồng tui là “Tiếc cho anh chị không có thời gian để yêu nhau nhỉ!”. Hồi đó lo hoạt động cách mạng, làm gì có thời gian đi chơi, hò hẹn nên cũng chẳng có giờ phút mà lãng mạn. Tình cảm của tụi tui có lẽ xuất phát từ tình đồng chí mà thành”, 40 năm sau ngày đoàn tụ, bà Tú Cẩm nở nụ cười đài các và duyên dáng, kể chuyện… Họ sống hạnh phúc với hai người con trai khá thành đạt.

Án tử hình và lời trái tim

59 năm trước (1956), khi Lê Hồng Tư đang là bí thư Chi đoàn thanh niên lao động Trường Văn Lang (đường Cô Giang, Q.Nhì – tức Q.1 hiện nay) thì gặp Nguyễn Thị Châu. Cô nữ sinh với mái tóc dài kẹp gọn gàng toát lên vẻ thùy mị, thanh thoát khiến chàng lớp trưởng lớp đệ tam “chết” ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Mấy lần Lê Hồng Tư ngỏ lời, Châu đều từ chối vì phải lo cho mấy người em và tham gia cách mạng, chưa đóng góp được gì nhiều. Do hoạt động lâu năm và là thủ lĩnh của khá nhiều phong trào đình đám ở trường, Lê Hồng Tư bị xếp vào danh sách đen. Tháng 12-1960, trong một lần chia tay, Lê Hồng Tư nghĩ không biết bao giờ mới gặp lại, ráng lắm mới nói được câu: “Nếu còn sống thì anh vẫn giữ đề nghị thành hôn với Châu”. Châu không nói gì.

Bị chỉ điểm, Châu bị bắt trưa 9-2-1961. Ðịch giở đủ trò tra tấn nhưng không moi được thông tin nào. Ðến lúc chênh vênh không biết sống chết ra sao, chịu những màn tra tấn đau đớn, Châu lại nhớ đến anh ray rứt vì còn nợ anh một câu trả lời…

Châu ở trong tù mấy tháng thì Lê Hồng Tư cũng bị bắt. Ðịch đưa anh về Tổng nha Công an, tra tấn chết đi sống lại rồi đưa ra tòa xử. Lê Hồng Tư nằm đầu danh sách bốn người bị tử hình! Do dư luận phản ứng quá mạnh mẽ, cuối cùng địch đày bốn người đi Côn Ðảo.

Mãi đến năm 1964, một tử tù Sài Gòn bị đày ra, nhốt cùng phòng tử hình, báo với Lê Hồng Tư: “Chị Chín ở Cà Mau nhắn: chị Châu, vị hôn thê của anh, gửi lời hỏi thăm anh đó”.

Anh lặng người ứa nước mắt. Câu nói đó đã tiếp thêm ý chí, niềm tin, trở thành động lực và chỗ dựa vững chắc để anh tiếp tục vượt qua những tháng ngày lao tù, bệnh tật.

Ở đất liền ai cũng nghĩ Lê Hồng Tư đã hi sinh. Nhiều người ngỏ lời, Châu đều từ chối vì niềm tin sắt đá rằng anh vẫn còn sống và nhất định trở về gặp mình trong ngày đất nước độc lập. Không một lời hẹn ước. Vậy mà họ vẫn một lòng chờ đợi nhau sau gần 15 năm biệt tăm tin tức.

Ngày 1-5-1975, Côn Ðảo giải phóng. Ngày 4-5, Lê Hồng Tư được đưa về Sài Gòn. Nhìn anh, cô nghẹn ngào không nói lên lời. Hai người cầm tay nhau… Ðó là cái nắm tay đầu tiên của họ! Phút giây ít ỏi bên nhau, cô chủ động nói: “Mình không hứa với nhau nhưng em vẫn chờ đợi anh tới giờ”.

40 năm sau ngày giải phóng, “anh Tư” và “cô Châu” đã lên chức ông bà từ lâu. Tuổi tác và thời gian dường như với họ lại là gia vị cho tình yêu thêm nồng nàn, thắm thiết. Vẫn “anh anh em em” ngọt ngào và hạnh phúc.