27/11/2024

Tương lai tan thành mây khói

Bị cáo, bị hại trong vụ án này là những người rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học. Họ từ những miền quê khác nhau về thủ đô mang theo những ước mơ rất đẹp. Nhưng rồi ước mơ ấy đã đột ngột dở dang bằng bi kịch người chết, kẻ hầu toà mà nguyên nhân chỉ vì chút mâu thuẫn cỏn con.

 

Tương lai tan thành mây khói

 

Bị cáo, bị hại trong vụ án này là những người rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học. Họ từ những miền quê khác nhau về thủ đô mang theo những ước mơ rất đẹp. 

 

Nhưng rồi ước mơ ấy đã đột ngột dở dang bằng bi kịch người chết, kẻ hầu toà mà nguyên nhân chỉ vì chút mâu thuẫn cỏn con.

Toà án nhân dân TP Hà Nội ngày cuối năm rét buốt. Đứng trước cổng toà là những ông bố bà mẹ với khuôn mặt khắc khổ, tái mét vì gió lạnh. Người đàn ông chở vợ đi xe máy biển số tỉnh Vĩnh Phúc, dừng lại trước cổng toà vì bảo vệ chặn ngang.

Ông nói bằng giọng van nài: “Xin cho tôi vào với con tôi một chút”. Buổi sáng hôm ấy có rất nhiều ông bố bà mẹ đứng khúm núm, rụt rè trước cổng toà như vậy. Họ xin mãi từ lúc sáng sớm đến khi phiên toà diễn ra được một lúc mới lần lượt được vào toà.

“Có đáng không?”

Họ là bố mẹ, người thân của ba bị cáo – đến từ ba miền quê khác nhau. Lê Văn Quý (24 tuổi) quê Thanh Hoá, Nguyễn Trường Giang (22 tuổi) quê Vĩnh Phúc và Hoàng Ích Kiên (23 tuổi) quê Nam Định. Trong số ba bị cáo thì Hoàng Ích Kiên vừa tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội. Kiên nhận tấm bằng cử nhân chưa ráo mực, chưa xin được việc làm thì phải đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho lỗi lầm của mình.

Trước toà, cả hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát lẫn ba vị luật sư đều đặt rất nhiều câu hỏi “tại sao” đối với bị cáo Kiên. “Tại sao không mâu thuẫn gì cũng đánh người ta? Tại sao bạn rủ đi đánh nhau lại không can ngăn mà còn đi theo?”.

Trước những câu hỏi ấy, có lúc Kiên im lặng, lúc trả lời vì men rượu dẫn lối.

Vừa tốt nghiệp đại học, Kiên thuê nhà trọ với bạn cùng trường là Nguyễn Tuấn Mạnh (23 tuổi, quê Hoà Bình) chờ xin việc. Chiều 3-6-2014, Mạnh và Kiên đi chợ mua đồ về uống rượu với người bạn cùng xóm trọ. Khi đã có men trong người, Mạnh rủ Kiên đi tìm đánh mấy sinh viên ở dãy trọ cách đó 100m vì mâu thuẫn với nhau trong lúc đá bóng. Mạnh tay không đi trước, Kiên mang chiếc gậy sắt thường dùng phơi quần áo theo sau.

Nước mắt của mẹ

Lúc lên xe tù, bị cáo Quý còn nói với ra từ thùng xe: “Quyền ở nhà nhớ chăm sóc bố mẹ nhé”!

Mẹ Quý gạt nước mắt dúi lên xe túi đồ cho con. Trong túi đồ ấy có nước ngọt, bánh kẹo và thức ăn nấu chín.

Thấy lực lượng an ninh kiểm tra túi đồ, bà nói bằng giọng van nài: “Có cái đùi gà đó, chú nhớ cho cháu ăn nhé”.

Bà nhắc lại câu nói ấy lần thứ hai thì người bảo vệ lấy chiếc đùi gà ra, anh bảo không được mang đồ này về trại giam. Chiếc đùi gà được trả lại cho người mẹ. Bà đứng đó, nước mắt lưng tròng nhìn theo chiếc xe tù lao đi vun vút. 

Đứng trước toà, anh Lê Văn Quyền, người liên quan của vụ án, đã kể lại: “Mạnh và Kiên chạy vào phòng trọ đánh và đạp tôi túi bụi. Mạnh đánh tôi bằng tay không, Kiên dùng gậy sắt. Tôi phải quỳ lạy van xin Mạnh đừng đánh nữa. Mạnh bỏ đi một lúc rồi quay lại đánh tôi đến bốn lần”…

Cơn tức giận cộng với ma men dẫn lối khiến Mạnh và Kiên không hiểu lẽ đúng sai. Cả hai vẫn tiếp tục đánh anh Quyền đến khi chủ nhà trọ vào can ngăn, đuổi cả hai người về rồi khoá chặt cổng dãy trọ.

Nguyên nhân của sự tức giận, hung hãn ấy lại rất cỏn con. Cách đó mấy tuần, hai xóm trọ của Mạnh và anh Quyền tổ chức đá bóng rồi mâu thuẫn trên sân cỏ. 

Nếu sự việc chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ mọi việc đã khác, sẽ không có bi kịch xảy ra. Bi kịch xảy ra khi anh trai của Quyền là Lê Văn Quý đi làm gần đó, khi nghe tin em trai bị đánh đã rủ bạn làm cùng là Nguyễn Trường Giang đến tìm Mạnh để xử lý.

Tan giờ làm, Quý bảo Giang vào bếp lấy một con dao rồi đi theo mình. Khi gặp kẻ đánh em trai, Quý dùng dao đâm nhiều nhát vào người Mạnh.

Mạnh chết, cả nhóm ra đầu thú. Lê Văn Quý và Nguyễn Trường Giang hầu toà về tội giết người. Hoàng Ích Kiên hầu toà về tội gây rối trật tự công cộng. Đứng trước toà, cả ba bị cáo đều khép nép, rụt rè nhận tội. Vị đại diện viện kiểm sát nói đầy tiếc nuối: “Các bị cáo tuổi đời còn trẻ, đều là những người có học thức. 

Lẽ ra phải chọn cách hành xử đúng đắn thì lại hùa vào đánh nhau. Trong mấy tiếng đồng hồ từ tối hôm trước đến sáng hôm sau mà người bị chết, kẻ đi tù, sự nghiệp của các bị cáo đều dang dở, như vậy có đáng hay không?”.

Nghe đại diện viện kiểm sát nói, bị cáo Kiên cúi đầu: “Bị cáo biết lỗi của mình đã gây ra cái chết cho bạn và ảnh hưởng đến rất nhiều người, bị cáo rất ân hận”. Còn Lê Văn Quý nói lời sau cùng trong tiếng nấc: “Bị cáo bị bắt ngày 6-3, hai ngày nữa là đến ngày 8-3, bị cáo tính mua quà tặng mẹ nhưng không còn cơ hội nữa rồi”.

Món quà dở dang

Phía sau vành móng ngựa là các bị cáo và sau lưng các bị cáo là người nhà, người thân – những ông bố bà mẹ với khuôn mặt đen đúa, hốc hác. Nghe con trai nói trước toà, mẹ bị cáo Quý không cầm được nước mắt. Khi bào chữa cho Quý, vị luật sư cho rằng vụ việc xảy ra có đến 90% lỗi do bị hại gây nên. Bị hại uống rượu đánh người vô cớ, dù người ta đã quỳ lạy van xin cũng không tha. 

Có lẽ biết lỗi của Mạnh trong vụ việc nên đại diện bị hại khi nghe những lời ấy chỉ im lặng. Mẹ bị hại không đến toà mà ủy quyền cho người cháu ruột tham gia. Đứng trước toà, anh kể bố mẹ Mạnh ly hôn từ năm Mạnh 2 tuổi. Mạnh lớn lên trong vòng tay mẹ và bà ngoại. Cả hai người tằn tiện chắt chiu để Mạnh vào đại học.  

“Trước khi vụ việc xảy ra ba ngày, tôi có mặt ở Hoà Bình và nghe gia đình bàn tính chuyện cưới vợ cho Mạnh ở Hà Nội. Cả gia đình dự định chuyển nhà theo Mạnh xuống TP Hà Nội vì Mạnh theo học nghề ôtô, không thể lập nghiệp ở Hoà Bình. Ngờ đâu… Đứa con duy nhất là chỗ dựa của cô tôi đã tan thành mây khói…” – đại diện bị hại kể bằng giọng tiếc nuối.

Gia đình bị hại khổ, gia đình bị cáo cũng không sung sướng gì. Mẹ bị cáo Kiên đến toà mà khuôn mặt còn chưa hết bàng hoàng. Giọng bà thảng thốt: “Nó ở nhà ngoan lắm! Thỉnh thoảng nghỉ học về quê vẫn giúp mẹ cày bừa, cấy hái. Có ngờ đâu…”.

Trong số ba bị cáo, người làm nhiều người dự khán xót xa nhất có lẽ là bị cáo Giang. Giang vừa tốt nghiệp trường cao đẳng, xin làm phụ bếp cho một nhà hàng ở quận Tây Hồ. Giang thuê nhà trọ ở cùng Quý. Vị luật sư của Quý có vẻ đắn đo rồi xin toà xem xét cho Giang. “Bị cáo Giang có dấu hiệu vô tội. Dù không liên quan đến tôi nhưng nếu không nói thì tôi không có cơ hội nào để nói” – vị luật sư bảo. Ông cho rằng hôm gây án, Quý rủ Giang đi cùng nhưng không nói đi đâu. Khi đến nơi, Giang chỉ đứng ở ngoài trông xe. Quý vào đâm anh Mạnh xong rồi chở Giang về nhà, việc truy tố bị cáo Giang về tội giết người là do cơ quan tố tụng bị một vài tình tiết đánh lừa.

Những lời ấy của luật sư không được hội đồng xét xử chấp nhận. Toà vẫn tuyên phạt bị cáo Hoàng Ích Kiên 12 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, Lê Văn Quý 10 năm tù, Nguyễn Trường Giang 6 năm tù cùng về tội giết người.

Bố bị cáo Giang mặc một chiếc áo ấm cũ kỹ đến toà. Đôi tay người thợ xây bị vôi vữa ăn vào tận lòng bàn tay, để lại những mảng da bong tróc rớm máu. Sau phiên toà, ông bảo: “Tôi phải đi kêu oan cho con tôi, nó chỉ bị tai bay vạ gió”.

Lúc được gặp bố, Giang khóc và nói: “Bố mẹ ở nhà chăm sóc ông nội, cố gắng lo cho con ở phiên phúc thẩm”. “Nuôi con lớn mong con đỡ đần bố mẹ, cùng nhau gây dựng cuộc sống rồi cưới vợ sinh con. Giờ mất hết sự nghiệp rồi con ơi!” – người đàn ông nói với con trong tiếng nấc.