11/01/2025

Lo chuyện chấm thi

Nhìn vào thực tế của việc tuyển sinh những năm qua cho thấy còn nhiều điểm bất hợp lý, bất công, nhất là việc chấm thi. Điều này khiến xã hội còn nghi hoặc có hay không chuyện “học tài, thi phận” trong tình hình thi cử ngày nay.

 

Lo chuyện chấm thi

 

Nhìn vào thực tế của việc tuyển sinh những năm qua cho thấy còn nhiều điểm bất hợp lý, bất công, nhất là việc chấm thi. Điều này khiến xã hội còn nghi hoặc có hay không chuyện “học tài, thi phận” trong tình hình thi cử ngày nay.

Giám khảo chấm thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh: Đào Ngọc ThạchGiám khảo chấm thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Dễ chênh lệch điểm số

Dù đã có sự thay đổi lớn về nội dung ôn thi (bám sát chương trình), cách ra đề thi (theo hướng mở, tích hợp, đánh giá năng lực toàn diện của người học) và đáp án chấm (cũng theo hướng mở, phát huy sáng tạo của thí sinh)… mà Bộ GD-ĐT đã áp cho những gần đây, nhưng nỗi lo lắng về chấm thi không công bằng vẫn còn đó.

Nếu có tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH thì sẽ thấy mỗi kỳ thi một cách, mỗi hội đồng chấm thi một kiểu tổ chức nhưng đều giống nhau ở chỗ cập rập như chạy nước rút để chấm cho xong càng nhanh càng tốt. Vì thế dễ dẫn đến chênh lệch quá lớn giữa các giám khảo. Có giám khảo chấm cả ngày chỉ 2, 3 xấp, nhưng có người chấm gần cả chục xấp. Có giám khảo cho điểm thoáng, quá cao, lại có người cho điểm rất chặt, quá thấp. Sự không nhất quán này thể hiện rõ nhất ở những môn xã hội.

Khập khiễng trong quan niệm chấm sẽ dễ dẫn đến biên độ chênh lệch điểm số của các thí sinh – cái gọi là may rủi. Ví dụ khi chấm môn sử, hai giám khảo cho điểm khá rộng ráp bài chấm chung với nhau dễ làm cho bài làm thí sinh lợi điểm. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả: thực chất thí sinh đúng ra chỉ được điểm trung bình lại bằng điểm với thí sinh khá. 

Trong đó môn văn được xem là môn có nguy cơ lệch điểm nhiều nhất. Kinh nghiệm nhiều năm chấm thi, chúng tôi thấy chỉ có câu tái hiện kiến thức 2 điểm (theo đề cũ) và câu đọc hiểu (theo cấu trúc đề mới, 2014) là có thể chấm chính xác theo đáp án của hai  giám khảo. Vì những câu này có thang điểm rõ ràng, chính xác đến 0,25 điểm. Còn lại những câu khác (nghị luận xã hội, văn học) dễ rơi vào may rủi cho thí sinh như trường hợp môn sử trên.

Cần quy định rõ ràng

Mùa thi 2015 sẽ đặc biệt hơn khi phải gánh một lúc hai mục đích. Lại tổ chức ở các cụm trường ĐH, có sự kết hợp coi và chấm của các giảng viên ĐH và giáo viên THPT. Đây là điểm mà Bộ cần lưu ý về mặt tổ chức chấm. 

Nhiều giảng viên đã lâu ngày không biết đến chương trình THPT, nhiều người có trình độ cao nên nhìn đâu cũng “bắt lỗi” bài làm… Kết quả làm cho điểm chấm lệch rất lớn với bài chấm của giáo viên THPT. Năm 2014 vừa qua, tại nhiều hội đồng, có giảng viên sau khi chấm 2 xấp, chủ tịch hội đồng chấm phải đình chỉ vì điểm lệch quá lớn.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ trong dự thảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 sắp tới, Bộ cần phải có những quy chế rõ ràng, hợp lý hơn khi đưa về các cụm coi và chấm thi. Cần làm rõ cho các vấn đề như: Thang điểm của đề thi phải cụ thể, chi tiết thế nào (dù là thang điểm 10 hay 20, đáp án chấm đóng hay mở…)? Thời gian chấm bao nhiêu để không phải quá cập rập? Kết hợp thế nào giữa giáo viên THPT và giảng viên ĐH trong các vòng chấm? Hạn chế số bài chấm của mỗi giám khảo trong từng buổi, từng đợt như thế nào? Tăng cường, phân công chấm thanh tra ra làm sao?… Có như thế mới đem lại công bằng cho thí sinh, xoá đi quan niệm “học tài, thi phận”.

Trần Ngọc Tuấn