17/01/2025

Ghen quá hoá rồ

Vợ mất, chồng đi tù, hai đứa trẻ bơ vơ, hai người mẹ vốn là thông gia nay quay sang trách móc lẫn nhau. Tấn bi kịch ấy xuất phát từ sự ghen tuông mù quáng.

 

Ghen quá hoá rồ

Vợ mất, chồng đi tù, hai đứa trẻ bơ vơ, hai người mẹ vốn là thông gia nay quay sang trách móc lẫn nhau. Tấn bi kịch ấy xuất phát từ sự ghen tuông mù quáng.

Phiên toà xét xử bị cáo Đỗ Văn Quân (31 tuổi, ngụ tại quận Bắc Từ Liêm) về tội giết người được Toà án Nhân dân TP Hà Nội mở sáng 18-12. Nạn nhân bị giết chết là vợ bị cáo – chị Lê Thị Minh Hằng (24 tuổi).

“Ai cho bị cáo cái quyền ấy?”

Câu hỏi ấy được vị chủ toà phiên toà nhắc lại nhiều lần với bị cáo. Đáp lại chỉ là sự lặng thinh. “Cái quyền ấy” mà vị chủ toạ nói ở đây là quyền tát vợ, đánh vợ, doạ giết, mua axit, dùng dao đâm hàng chục nhát vào người vợ…

Nhà bị cáo và nhà chị Hằng chỉ cách nhau mấy bước chân. Họ từng là hàng xóm, lớn lên cạnh nhau, trở thành những người bạn thân thiết rồi nảy sinh tình yêu. Sau đám cưới, hai đứa con gái lần lượt chào đời. Vợ là giáo viên mầm non, chồng mở quán bán cháo. Họ chung sống với mẹ chồng tại ngôi nhà ở quận Bắc Từ Liêm. Bất hòa lớn dần khi Quân cho rằng vợ mình ngoại tình. 

Con xin lỗi!

Có lẽ cảm nhận được sự gay gắt của hai bên gia đình nên khi được nói lời sau cùng, bị cáo nói trong tiếng nấc nghẹn: “Con biết lỗi của mình. Bị cáo xin lỗi mẹ vợ và mẹ. Bị cáo có tội. Hai mẹ đừng trách móc nhau nữa. Các cháu đã mất cả bố lẫn mẹ, xin hai bà và chị vợ chăm sóc các cháu để các cháu nên người…”.

“Bị cáo từng hỏi vợ, vợ cũng thú nhận có quan hệ tình cảm với một người ở quận Gia Lâm, làm chung trường mầm non nhưng hứa không đi lại nữa. Sáng 12-6, bị cáo thấy trong túi xách của vợ có một chiếc điện thoại. Bị cáo kiểm tra thì thấy có tin nhắn tình cảm của vợ với người ta. Bị cáo hỏi có phải vợ dùng điện thoại này để liên lạc với tình nhân không, vợ bảo đó là điện thoại của chị họ cho mượn. Bị cáo tức giận nên tát vợ. Tát xong thì vợ bị cáo bỏ về nhà mẹ đẻ” – bị cáo khai trước toà.

Mâu thuẫn của họ lớn dần khi bị cáo nhiều lần sang thuyết phục nhưng chị Hằng cương quyết không theo bị cáo về nhà. Chiều 18-6, sau khi đi uống bia về, bị cáo ra chợ mua hai con dao, chuẩn bị 700ml axit đựng trong một chai nhựa, bỏ tất cả vào balô rồi đến nhà mẹ vợ. Sau khi thuyết phục vợ không được, hai người to tiếng với nhau.

Bị cáo khai hai vợ chồng chỉ nói chuyện nhẹ nhàng, bị cáo không bóp cổ vợ mà chỉ vuốt má, không đạp cửa xông vào phòng mà do cửa khép hờ, bị cáo chỉ đạp nhẹ là ra.

Trước những lời khai của bị cáo, giọng vị chủ toạ có phần gay gắt: “Cháu của chị Hằng đứng ở đó và chứng kiến tất cả. Bị cáo bóp cổ vợ, khi chị Hằng hoảng sợ bỏ chạy lên tầng hai chốt cửa lại thì bị cáo vẫn đuổi theo đạp cửa xông vào. Chị Hằng chạy ra lan can định trèo xuống tầng 1, bị cáo túm tóc giật vào rồi đâm liên tiếp vào người chị ấy, như vậy mà bị cáo dám nói chỉ nói chuyện nhẹ nhàng ư?”. Bị cáo im lặng.

Vị chủ toạ giơ những tấm hình chụp nạn nhân với chằng chịt vết đâm và máu tươi. Giọng ông như có phần lạc đi: “Vợ chồng có chuyện gì thì về đóng cửa bảo nhau, bị cáo chưa nói gì đã lấy dao cắt cổ người ta ngay, rồi đâm liên tiếp hàng chục nhát. Tại sao bị cáo lại xử sự như thế, ai cho bị cáo cái quyền ấy?…”.

Bất hoà

Đứng trước toà, bị cáo khai chỉ đánh vợ duy nhất một lần. Bà Nguyễn Thị Vệ, mẹ bị hại, có mặt tại toà, phủ nhận điều này. Bà vừa nói vừa khóc, nước mắt và tiếng nấc làm câu chuyện ngắt quãng.

Trước khi vụ việc xảy ra 20 ngày, Quân cũng ghen tuông rồi đánh chị Hằng. Chị Hằng bỏ về nhà mẹ đẻ để chữa trị vết thương. Quân sang xin lỗi, làm cam kết nhận sai, hứa không đánh vợ nữa thì chị Hằng mới chịu trở về.

“Con tôi bị đánh nhiều lần nhưng nó thương mẹ nên không dám nói. Tôi khuyên con rằng phận đàn bà gặp được người tốt thì hưởng, gặp người không tốt thì phải chịu, đừng bỏ nhau mà thiên hạ chê cười. Vậy mà hôm đó tôi đi họp chưa đầy 10 phút thì nó ở nhà giết mất con tôi….” – bà Vệ nói.

Nghe những lời này của bà Vệ, mẹ bị cáo có mặt tại toà tỏ thái độ gay gắt. Bà bảo nguyên nhân bị cáo đánh vợ là do phát hiện vợ có điện thoại khác để liên lạc với tình nhân. Bị cáo tức giận nên mới tát vợ một cái, bà Vệ chưa rõ đầu đuôi đã bắt chị Hằng về nhà dù chị Hằng không muốn về.

Toà hỏi từ hôm xảy ra sự việc, bà sang nhà bà Vệ lần nào chưa, mẹ bị cáo lắc đầu bảo: “Con dâu chết, nhà tôi lo tang ma, cả hai đứa cháu tôi đều nuôi. Tôi có sang nói với bà Vệ rằng thôi người mất thì cũng mất rồi, giờ chúng ta hoà thuận để lo cho các cháu. Khi nào tôi bận, bà đi đón các cháu giùm. Thế mà bà Vệ không đón”.

Bà Vệ nghe vậy liền đứng dậy nói: “Bà ấy chỉ sang để thanh minh, giãi bày chứ không xin lỗi một câu. Tôi cũng mong bà ấy có lời bảo tôi đón cháu, tôi sẵn sàng nhưng bà không nói một lời. Con tôi sang nhà bà xin để tôi đưa cháu Hằng gửi lên chùa thì bị con bà ấy xô ngã…”.

Thấy không khí căng thẳng, vị chủ toạ phiên toà phải bảo tất cả im lặng. Ông nói cả hai người mẹ không ai có lỗi: “Lỗi là của bị cáo, hậu quả giờ bị cáo phải gánh chịu. Hai bà phải hết sức thông cảm cho nhau. Làm thế nào để đối xử tốt đẹp với nhau, cùng nuôi dạy các cháu chứ đừng chấp nhặt vài câu nói”.

“Bố đi Tây”

Giờ nghị án, mẹ bị cáo vội vàng chạy ra cổng toà bế hai con của bị cáo vào gặp bố. Bốn mẹ – con – bà – cháu ngồi trước vành móng ngựa ôm nhau khóc. Bị cáo hít hà, hôn lên tóc, lên đôi tay lấm lem và nứt nẻ của con. Hai cô bé đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi vẫn tin lời người lớn rằng “bố mẹ đi Tây cả rồi”. 

Bà Vệ và con cháu thấy hai đứa trẻ đi lẫm chẫm trong phòng xử nhưng không ai hỏi han gì. Có người hỏi “thương bà ngoại không”, cả hai chị em đều lắc đầu bảo “chỉ thương bà nội”. Mâu thuẫn, yêu ghét của hai bên gia đình thấm vào đầu óc non nớt của trẻ thơ…

Dù đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án tù chung thân nhưng toà vẫn tuyên án tử hình đối với bị cáo. Nghe tuyên án, cả nhà bị cáo oà khóc làm náo động cả một góc toà. Gia đình bị cáo đứng trước cửa phòng xử trách móc nhau. Một người bảo: “Chấp nhặt gì vài câu nói, nhà người ta mất con, đau xót như thế mà mình không nói lại được câu…”.

Có người bàn phương án mai mốt sẽ sang nhà bà Vệ xin lỗi và năn nỉ bà viết đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đám đông đang xôn xao thì giật mình vì cửa phòng xử bật mở, mọi người từ trong phòng túa ra bảo: “Dẫn đi cửa sau rồi, chạy xuống dưới mau”…

Sau phiên tòa, mẹ bị cáo trở về ngôi nhà nhỏ ở quận Bắc Từ Liêm với nghề đẩy xe rác để kiếm tiền nuôi hai đứa cháu nội. Cách đó vài căn là nhà bà Vệ. Mất mát quá lớn khiến họ không thể nào cảm thông cho nhau. Mẹ bị cáo đang tính đến chuyện sang xin lỗi bà Vệ và xin bà kháng cáo giảm án cho Quân.

 

Đó là hy vọng của bà, là điểm bám víu mong manh và duy nhất để con bà thoát khỏi án tử hình.