30/12/2024

Xe buýt riêng cho phụ nữ: Nên hay không?

UBND TP.Hà Nội vừa có chỉ đạo nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ nhằm chống nạn quấy rối tình dục. Vấn đề này đang gây ra nhiều tranh cãi.

 

Xe buýt riêng cho phụ nữ: Nên hay không?

 

UBND TP.Hà Nội vừa có chỉ đạo nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ nhằm chống nạn quấy rối tình dục. Vấn đề này đang gây ra nhiều tranh cãi.
Hành khách nữ rồi sẽ có tuyến xe buýt riêng ?

Hành khách nữ rồi sẽ có tuyến xe buýt riêng ? – Ảnh: Ngọc Thắng

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết: “Tôi cho rằng dù mới là chủ trương, để mở tuyến xe buýt này, các cơ quan chức năng còn phải nghiên cứu kỹ càng nhưng đây là việc làm rất kịp thời, tích cực, cho thấy thái độ trách nhiệm của lãnh đạo TP.Hà Nội đối với những bức xúc của người dân”. Ông Hùng cũng cho biết ở một số nước trên thế giới đã tổ chức mô hình xe buýt riêng, hay trong bãi đỗ xe có những khu riêng cho phụ nữ. “Kinh nghiệm trên thế giới thì đã có nhưng để phù hợp với tình hình ở VN cần phải có những tính toán kỹ càng hơn, trong đó việc mở tuyến xe buýt cho nữ thì số lượng xe như thế nào, có tuyến riêng hay kết hợp, tức là phải nghiên cứu một cách tổng thể”, ông Hùng nói.
Đánh giá về mức độ quấy rối tình dục với phụ nữ đi xe buýt hiện nay, ông Khuất Việt Hùng cho rằng kết quả khảo sát của một số tổ chức lấy mẫu mang tính ngẫu nhiên, không đại diện cho tất cả. Bên cạnh đó, kết quả phản ánh của hành khách đến Tổng công ty vận tải Hà Nội 9 tháng qua cho thấy trong 40.000 cuộc gọi chỉ có 5 cuộc phản ánh bị quấy rối.
Bà Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường, một trong những đơn vị tham gia nghiên cứu về tình trạng quấy rối tình dục trên phương tiện vận tải công cộng, cũng nêu quan điểm ủng hộ việc làm của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên, bà Thuý cho rằng nếu đơn thuần là mở tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ sẽ không hẳn giải quyết được nạn quấy rối tình dục. “Xe buýt chỉ là phương tiện, sẽ còn rất nhiều nơi công cộng khác cũng có nguy cơ phụ nữ trở thành nạn nhân bị lạm dụng. Chúng tôi cho rằng ngoài mở tuyến riêng thì thành phố cần phải thực hiện nhiều biện pháp khác để nâng cao nhận thức người dân để hiểu rõ quấy rối tình dục có tác hại như thế nào”, bà Thuý nói.
Trong khi đó, Phó giáo sư Nguyễn Quang Toàn, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội, băn khoăn: “Nếu mở tuyến xe buýt riêng cho nữ thì sẽ gây ra sự bất tiện. Đó là 2 người bạn đi với nhau không lẽ lại để nam lên một xe, nữ lên một xe, hay một ông chồng dẫn bà vợ và con đi chơi lại phải tách ra đi xe riêng? Nhưng để đối phó với tình trạng xã hội bức xúc thì cá nhân tôi cho rằng đây là việc làm tốt và chúng ta nên khuyến khích, không có giải pháp nào được coi là ưu điểm tuyệt đối”.
Không phải là giải pháp căn cơ
TS Nguyễn Minh Hoà - giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM – phân tích: “Tôi cho rằng đây là cách làm có vẻ đối phó nhất thời, không phải là giải pháp căn cơ. Xe buýt là phương tiện vận tải công cộng, chả lẽ nam giới lên xe lại bị đuổi xuống? Theo tôi, biện pháp gắn camera và có hiển thị lên màn hình trên xe buýt là biện pháp tích cực, có thể giảm bớt phần nào nạn quấy rối tình dục hoặc ngăn chặn phần nào bọn xấu thực hiện các hành vi khác”.
Ngoài ra, cũng theo TS Nguyễn Minh Hoà, môi trường xe buýt hiện nay khá phức tạp nên nhiều sinh viên, nhất là sinh viên nữ thường than phiền. Nếu cải thiện được tình trạng chen chúc, chật chội và bố trí lại ghế ngồi có khoảng cách hợp lý thì phụ nữ cũng khó bị quấy rối khi đi xe buýt.
T.T.Bình

 

 

Thái Sơn