09/01/2025

Lần đầu tiên VN cho phép mang thai hộ

Luật hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và dự kiến có thể đưa vào áp dụng từ năm 2015…

 

Lần đầu tiên VN cho phép mang thai hộ

 

Luật hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và dự kiến có thể đưa vào áp dụng từ năm 2015…

 

 

 

Một công đoạn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM): đưa phôi vào máy hạ nhiệt độ xuống -150OC - Ảnh: T.T.D.
Một công đoạn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM): đưa phôi vào máy hạ nhiệt độ xuống -150OC – Ảnh: T.T.D.

 

Từ cấm hoàn toàn (theo Luật hôn nhân gia đình năm 2000 và quy định về sinh con bằng phương pháp khoa học), Luật hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và dự kiến có thể đưa vào áp dụng từ năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói với Tuổi Trẻ: “Khi xét hồ sơ đề nghị của các gia đình mong muốn sinh con bằng phương pháp khoa học tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chúng tôi thấy có những hồ sơ rất thống thiết, gia đình khao khát có một đứa con nhưng người mẹ có bệnh lý không thể mang thai được.

Từ thực tế đó, khi Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Luật hôn nhân gia đình sửa đổi, chúng tôi đã đề xuất nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và các bộ ngành đều đồng tình với đề xuất này”.

Chuyện của một người thuê mang thai

Đây là câu chuyện khá nổi tiếng trong giới những người làm nghệ thuật ở VN. Ông bố ở đây là người đồng tính, đã thuê một phụ nữ ở Hà Nội mang thai hộ, em bé được tạo ra từ tinh trùng của người bố và trứng của người được thuê mang thai. Ba ngày sau khi em bé được sinh ra, bố bé đã đưa con vào TP.HCM sống cho đến nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bố bé cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn khi làm giấy khai sinh cho con dù bé là con ruột của anh. “Tôi quê ở miền Bắc, hiện sống ở miền Nam, nhưng giấy khai sinh của con tôi lại làm ở một tỉnh miền Trung” – bố em bé cho biết.

Trong thực tế, ngoài các gia đình đồng tính thì hiện có một số lượng không nhỏ các gia đình hiếm muộn do người mẹ có bệnh lý không thể mang thai và rất mong muốn có con đẻ của mình. Khi pháp luật cho phép nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, họ sẽ thuận lợi hơn khi tiến hành thủ tục pháp lý như làm giấy khai sinh cho cháu bé và xác định cha mẹ thật sự của cháu.

* Cho hay không cho phép mang thai hộ là vấn đề được quan tâm khi xây dựng dự thảo Luật hôn nhân gia đình sửa đổi. Theo ông, vì sao cuối cùng đề xuất cho phép này được chấp thuận?

– Đề xuất này được ủng hộ vì thực tế có những người mẹ không thể mang thai được. Có thể lần sinh trước họ bị chảy máu và đã bị cắt tử cung, nhưng vẫn có trứng và có nhu cầu sinh con. Có những người có bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản. Có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu… Những người này khao khát có con ruột thật sự nhưng nếu cấm mang thai hộ thì họ không bao giờ có cơ hội.

Những năm vừa qua, vì VN cấm mang thai hộ nên đã có người phải ra nước ngoài để thực hiện dịch vụ này. Trở về nước, họ gặp rất nhiều khó khăn khi làm giấy tờ, xác định hồ sơ nhân thân cho cháu bé.

Về mặt kỹ thuật và nhân văn, hỗ trợ sinh sản cho những người này hoàn toàn thực hiện được và hoàn toàn xứng đáng, tại sao không cho phép bệnh viện mình làm cho người dân của mình?

Tôi vẫn nghĩ rằng nếu không cho phép, những người có điều kiện sẽ đi nước ngoài để nhờ mang thai hộ, nhưng người có nhu cầu chính đáng mà không có điều kiện kinh tế thì đành chịu, vì chi phí dịch vụ ở nước ngoài tốn kém, đắt đỏ.

Có quy định này, bệnh viện mới có cơ hội giúp những người như vậy. Thế giới cũng đã có rất nhiều nước cho phép mang thai hộ, kể cả ở châu Âu, châu Á…

* Việc mang thai hộ sẽ được cho phép thực hiện thế nào?

– Đến giờ này thì dự thảo hướng dẫn thực hiện việc mang thai hộ theo Luật hôn nhân gia đình sửa đổi coi như đã hoàn tất, các bộ ngành đều đã thống nhất với dự thảo của Bộ Y tế, dự kiến quy định có thể được đưa vào áp dụng từ năm 2015.

Khi Bộ Y tế xây dựng dự thảo, có hai quan điểm. Một cho rằng nơi nào làm được kỹ thuật hỗ trợ sinh con bằng phương pháp khoa học thì cho triển khai dịch vụ cho những người cần nhờ người mang thai hộ.

VN hiện có gần 20 cơ sở y tế triển khai được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như vậy. Quan điểm thứ hai là chỉ cho phép 2-3 cơ sở triển khai kỹ thuật. Cuối cùng chốt lại sẽ có ba cơ sở y tế là Bệnh viện Phụ sản T.Ư ở miền Bắc, Bệnh viện T.Ư Huế ở miền Trung và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ở miền Nam được phép hỗ trợ các gia đình cần nhờ người mang thai hộ.

Một phần Bộ Y tế muốn quản lý thật tốt, tránh các hệ lụy và biến tướng thương mại, như kiểu thuê mang thai hộ rồi người mang thai thuê không trả con cho gia đình thuê chẳng hạn.

Về kỹ thuật, mang thai hộ là hình thức nhờ bệnh viện lấy trứng của mẹ (hoặc của người hiến tặng trứng) và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ.

* Về mặt kỹ thuật, VN có cho phép mẹ mang thai hộ con như thế giới đã có những trường hợp mẹ hơn 60 tuổi mang thai giúp con gái và sinh cháu thành công?

– Về mặt kỹ thuật thì đây không phải là vấn đề gây trở ngại, nhưng chúng tôi không đặt ra khi xây dựng quy định. Lý do là khi bà ngoại đã lớn tuổi mà mang thai cháu thì có thể có rủi ro bệnh tật hoặc tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe bà và cháu, trong đó có cả những tai biến nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy VN chỉ cho phép chị em mang thai giúp nhau, chị em ruột mang thai giúp là tốt nhất, tiếp theo là các chị em trong họ hàng bên nội bên ngoại.

* Thực tế VN đã có người đồng tính thuê mang thai hộ và đã sinh con, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm giấy tờ xác định nhân thân cho cháu bé. Hiện nay khi luật pháp không bác bỏ quyền sống chung của các cặp đồng tính, có nên cho phép họ được nhờ mang thai hộ và có con ruột thật sự của mình không, thưa ông?

– Vấn đề này chưa được đặt ra trong hướng dẫn này, một phần vì Luật hôn nhân gia đình sửa đổi không bác bỏ nhưng cũng không cho phép hôn nhân đồng tính. Nếu cho phép họ có con thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết.

 

LAN ANH thực hiện