09/01/2025

Đào tạo kiểu bán hàng đa cấp

Lợi dụng những người trẻ đang cần việc làm, một công ty tư vấn và giáo dục tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã dùng chiêu tuyển dụng và đào tạo để hợp thức hóa việc “moi tiền” ứng viên.

 

Đào tạo kiểu bán hàng đa cấp

 

 

Lợi dụng những người trẻ đang cần việc làm, một công ty tư vấn và giáo dục tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã dùng chiêu tuyển dụng và đào tạo để hợp thức hóa việc “moi tiền” ứng viên.

 

 

 Chi nhánh của công ty tại số 333 đại lộ Bình Dương, ngay trong khu vực của một quán cà phê - Ảnh: Mỹ QuyênChi nhánh của công ty tại số 333 đại lộ Bình Dương, ngay trong khu vực của một quán cà phê – Ảnh: Mỹ Quyên

 

N.T.T.S (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) đang sinh sống tại Dĩ An, Bình Dương đăng tin tìm việc trên một tờ báo. Sau đó, S. nhận được điện thoại của một nhân viên thuộc Công ty TNHH một thành viên tư vấn và giáo dục kỹ năng Việt (trụ sở chính tại Khu công nghiệp Việt – Singapore), có chi nhánh tại 333 đại lộ Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một, mời đến phỏng vấn. 

Muốn làm quản lý, đóng gần 9 triệu đồng

Quá vui mừng, S. mang hồ sơ đến địa chỉ trên, gặp người quản lý. Sau khi xem qua hồ sơ, người quản lý nói công ty đang tuyển vị trí nhân viên tư vấn, làm giờ hành chính, lương 4 – 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, muốn trở thành nhân viên thì phải có chứng chỉ của một khóa học về kỹ năng. Người này nói công ty sẽ giúp S. có được chứng chỉ đó nếu theo khóa học 7 ngày, học phí 590.000 đồng.

S. nghĩ nếu phải bỏ ra số tiền này để có được một công việc với mức lương tương đối như vậy, thì cũng xứng đáng. “Hơn nữa, họ nói học phí này sẽ được hoàn lại nếu làm việc sau 2 tháng. Còn công việc thì chỉ ở công ty tư vấn cho khách hàng nào có nhu cầu học kỹ năng, đơn giản vậy thôi”, S. kể và cho biết đã quyết định nộp tiền để theo học.

 Một ứng viên đang được phỏng vấn… làm học viên  Một ứng viên đang được phỏng vấn… làm học viên 

Sau buổi học đầu tiên, người quản lý nói S. lên gặp giám đốc chi nhánh tên Minh. Ông Minh sau khi xem xong hồ sơ của S. đã nói: “Hồ sơ của em quá tốt. Hiện công ty đang mở thêm 3 chi nhánh, cần 2 quản lý cho chi nhánh mới. Em tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, đáp ứng đúng điều kiện tụi anh đang cần, nên anh  muốn cho em một cơ hội. Anh muốn em học lớp quản lý để sau khi chi nhánh mới hoàn thành em có thể đảm nhận vị trí quản lý đang thiếu”. Bên cạnh đó, ông Minh hứa hẹn trong 2 tháng rưỡi học lớp quản lý này, S. vẫn được tạo điều kiện cho làm việc buổi sáng tại công ty và vẫn được hưởng lương bình thường. Mức học phí khóa học quản lý là 8.550.000 đồng.

S. đã đi mượn tiền để đóng với hy vọng mình sẽ trở thành quản lý ở chi nhánh mới, được hưởng mức lương 10-15 triệu đồng/tháng như lời ông Minh nói. Tuy nhiên, sau một buổi theo học lớp này, S. mới biết hóa ra rất nhiều người đều được “trao cơ hội” làm quản lý chứ không phải riêng gì mình. Thậm chí, một học viên mới học hết lớp 9, vừa hoàn thành bổ túc THPT, cũng được ông Minh nói “hồ sơ em ổn, anh nhận thấy em có khả năng trở thành quản lý…”.

Thu tiền xong, đánh rớt

Nguyễn Xuân Sánh (H.Bến Cát, Bình Dương), một trong những ứng viên được công ty nói trên gọi điện mời phỏng vấn tuyển dụng, cay đắng cho biết: “Họ đánh vào tâm lý bọn em đang cần việc làm và lợi dụng khi tụi em chưa biết hết nhau, đã dùng lời ngon ngọt để tụi em tin mà đóng tiền. Lúc đầu là 590.000 đồng, sau đó là 8.550.000 đồng. Nhà em ở huyện Bến Cát nên họ nói đang mở thêm chi nhánh ở Bến Cát, nhà bạn khác ở Q.Thủ Đức thì họ nói mở chi nhánh ở Thủ Đức… Ai cũng nghĩ họ chỉ trao cơ hội cho riêng mình”.

Sánh kể, sau khi học lớp quản lý được một tuần (gồm những kỹ năng giao tiếp, đi đứng, bắt tay…) thì công ty bắt học viên thi lý thuyết và thực hành. Lý thuyết thì ai cũng đậu, tuy nhiên đến phần thực hành thì ai cũng bị rớt. “Khi thi thực hành, họ vặn vẹo để làm khó học viên, học một đằng hỏi một nẻo khiến học viên bí, thế là họ cho rớt luôn và kêu học viên đi ra ngoài tìm người học. Cứ tìm được một học viên thì tụi em được trả 100.000 đồng. Và đó chính là lương. Nếu không tìm được thì sẽ không có đồng nào hết. Tụi em đã bàn bạc với nhau là không làm vì không muốn thêm bạn trẻ nào bị như tụi em nữa”, Sánh nói và cho biết đã có nhiều học viên bị đuổi học (và mất luôn số tiền đã đóng) vì lý do vô lý như đến công ty mà mặc áo kẻ ca rô, không mặc đồng phục…

Thấy có gì đó bất ổn, S., Sánh cùng các học viên khác gặp ông Minh để chất vấn, cho rằng công ty đã dối trá, không thực hiện đúng như những gì đã cam kết hôm phỏng vấn. Họ nhận được câu trả lời là học viên tự nguyện đóng tiền chứ công ty không ép, cứ thế mà làm theo hợp đồng (ở đây chỉ là hợp đồng dịch vụ đào tạo chứ không phải hợp đồng lao động – PV).

Đến nay, những học viên này đều đã nghỉ học, nhưng vẫn hy vọng sau này sẽ đòi lại được số tiền đã đóng (tổng cộng 9.140.000 đồng/học viên). “Đây là số tiền em dành dụm được sau một năm làm kế toán. Em biết nhiều học viên không có tiền phải đi vay mượn để đóng, vì tin rằng mình sẽ có một cơ hội công việc tốt. Nếu như ngay từ đầu họ nói công việc của bọn em là tìm người học và hưởng thù lao từ đó, giống như một dạng bán hàng đa cấp chứ không có lương cứng, thì tụi em đã từ chối ngay rồi”, Sánh bức xúc.

“Một ngày tìm được 2 người thì lương tháng là 4 triệu”

Có mặt tại chi nhánh Công ty tư vấn và giáo dục kỹ năng Việt tại số 333 đại lộ Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, chúng tôi nhận thấy vẫn có người mang hồ sơ đến xin việc. 

Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc chi nhánh (người mà các học viên nhắc ở trên), nói: “Nguyên tắc của công ty là nếu muốn trở thành nhân viên, phải trải qua một khóa học kỹ năng ngắn hạn trong vòng một tuần với học phí là 590.000 đồng. Nếu ai đã có chứng chỉ kỹ năng rồi thì được học từ 3 – 5 ngày miễn phí. Những nhân viên đồng ý đóng tiền thì sẽ được thử việc trong một thời gian. Ai tìm được một học viên thì được hưởng 100.000 đồng. Nếu một ngày tìm được 2 người thì rõ ràng lương tháng là 4 triệu đồng”.

Về khóa học quản lý, ông Minh cho rằng “công ty không ép, ai muốn có cơ hội, ai thấy hợp lý thì tự nguyện đóng tiền học”. “Đây là chính sách của công ty, chúng tôi chỉ làm theo chính sách ấy. Sau một tuần học, chúng tôi sẽ kiểm tra kiến thức, ai không đạt thì chúng tôi vẫn tạo cơ hội cho các bạn kiểm tra lại. Tuy nhiên, nhiều người chưa học xong đã bỏ ngang”!
 

Người xin việc cần thận trọng 

Theo ý kiến của học viên, công ty trên đã hứa hẹn về mức lương và cơ hội làm việc ở những vị trí quan trọng. Đây là việc đánh vào tâm lý chung của những người đang cần việc để các bạn tin. Tuy nhiên, tất cả những điều trên chỉ là nói miệng chứ không được ghi trong hợp đồng lao động hoặc văn bản cụ thể nào. Kể cả việc công ty yêu cầu ứng viên phải học một khóa học mới đủ điều kiện trở thành nhân viên, thì theo các học viên, điều này cũng không được thể hiện bằng văn bản.

Các bạn trẻ khi đi xin việc rất dễ bỏ qua chi tiết này, thường chỉ nghe họ nói chứ không có văn bản cụ thể, nên các công ty lợi dụng điều đó để thu tiền của người lao động. Do đó, khi đi xin việc, các bạn cần hết sức tỉnh táo, hỏi kỹ thông tin ngay từ đầu như mức lương cụ thể bao nhiêu, công việc mình phải làm là gì… và khi được nhận vào làm việc thì phải có hợp đồng lao động (dù chỉ là thử việc). 

Nếu nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, các học viên nên làm đơn và cung cấp chứng cứ cụ thể để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Luật sư Lưu Thị Quỳnh Trang

Mỹ Quyên