09/01/2025

CIA tra tấn tù binh ‘tàn bạo trên mức tưởng tượng’

Khoảng 500 trong hơn 6.000 trang tài liệu điều tra của Ủy ban tình báo Thượng viện đã cho thấy hoạt động tra tấn của CIA là “tàn bạo trên mức tưởng tượng”, “hoàn toàn thiếu hiệu quả” và cáo buộc CIA “lừa dối Nhà Trắng và Quốc hội” trong khi tiến hành những hoạt động tra tấn “tàn bạo và vô ích”, theo Reuters.

 

CIA tra tấn tù binh ‘tàn bạo trên mức tưởng tượng’

 

 

Khoảng 500 trong hơn 6.000 trang tài liệu điều tra của Ủy ban tình báo Thượng viện đã cho thấy hoạt động tra tấn của CIA là “tàn bạo trên mức tưởng tượng”, “hoàn toàn thiếu hiệu quả” và cáo buộc CIA “lừa dối Nhà Trắng và Quốc hội” trong khi tiến hành những hoạt động tra tấn “tàn bạo và vô ích”, theo Reuters.

 

 

Trấn nước, hình thức thẩm vấn bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách “tra tấn”. – Ảnh: Reuters

Khoảng 500 trong hơn 6.000 trang tài liệu điều tra của Ủy ban tình báo Thượng viện đã cho thấy hoạt động tra tấn của CIA là “tàn nhẫn trên mức tưởng tượng” và “hoàn toàn thiếu hiệu quả”. Ngoài ra, CIA còn đánh lừa chính phủ Mỹ trong suốt khoảng thời gian thực hiện các chiến dịch của tổ chức này, bằng cách cung cấp báo cáo giả về cách thức giam giữ, thẩm vấn tù binh, theo Reuters.

Cuộc điều tra được Thượng viện tiến hành suốt  gần 5 năm qua, tiêu tốn khoảng 40 triệu USD cho thấy, ít nhất 119 người đã phải trải qua các “nghi thức giam giữ” của CIA. Trong số đó, ít nhất 26 người bị bắt giữ hoàn toàn sai trái mà không có nguyên nhân, theo CNN.

Các hình thức thẩm vấn mà CIA tiến hành được bản báo cáo đánh giá “tàn nhẫn đến rợn tóc gáy”, bao gồm cả trấn nước, đánh đập, và các hành vi tra tấn tâm lý như dùng tiếng ồn, hành quyết giả, không cho ngủ, lăng nhục…

Một bản tóm tắt cho thấy, CIA còn phối hợp và áp dụng liên tục các hình thức nêu trên, điển hình là việc trói đứng tù nhân và không cho ngủ trong suốt 180 giờ đồng hồ, hoặc kéo tù nhân bị trói trần truồng khắp trại giam trong khi họ bị bịt mắt và đánh đập. Thậm chí, có người bị trấn nước đến mức gần chết 183 lần, theo NBC News.

Bà Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện. – Ảnh: AFP 

Những “nghi thức giam giữ” này đã để lại nhiều hậu quả kinh khủng. Có ít nhất một người bị thẩm vấn đã chết do ngạt nước. Ngoài ra, các nạn nhân còn phải chịu đựng chứng động kinh, mất ngủ, ảo giác, bệnh hoang tưởng. Nhiều người còn tìm mọi cách để hủy hoại thân thể, theo CNN.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã phải bỏ ra 80 triệu USD để thuê 2 nhà tâm lý học nhằm tham vấn cho quá trình thẩm tra.

Tuy “kỳ công” như vậy, nhưng kết quả mà CIA đạt được gần như con số 0. Thượng viện Mỹ đã chứng minh 20 trường hợp được CIA cho là thành công nhất đều sai về các nguyên tắc căn bản. Bên cạnh đó, 7 trong số 39 người bị CIA gắn mác “đặc biệt nguy hiểm” không cung cấp được bất cứ thông tin tình báo có giá trị nào, theo NBC News.

Bản báo cáo cho biết, các thông tin mà CIA có được thông qua việc thẩn vấn, tra tấn các tù nhân “đều không có giá trị trong vấn đề chống khủng bố và tìm hiểu al-Qaeda, hoặc đã được thu thập từ các nguồn tình báo khác từ trước”, thậm chí hoàn toàn sai, theo Reuters.

Bên cạnh đó, CIA còn bị cáo buộc che dấu thông tin, thậm chí lừa gạt chính phủ Mỹ. Trong các báo cáo của mình, CIA đã khai báo không đầy đủ về các hình thức thẩm vấn cũng như hậu quả chúng để lại cho các tù nhân. Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Dianne Feinstein quả quyết CIA “đã liên tục cung cấp các thông tin giả mạo”, theo trang AlterNet.

 

Người biểu tình phản đối chế độ tàn bạo ở nhà tù Guantanamo. – Ảnh: Reuters

Nhiều cựu nhân viên CIA đã tỏ ra phẫn nộ khi tài liệu của Thượng viện được công bố. Một cựu sĩ quan tình báo cấp cao đánh giá bản báo cáo nêu trên là “nhục nhã vả không trung thực”, theo Foreign Policy. Cũng theo trang này, các cựu nhân viên CIA từng tham gia vào quá trình thẩm vấn còn mua hẳn tên miền CIASavedLives.com để “minh oan” cho những hành động của mình.

Bill Harlow, từng là phát ngôn viên của CIA dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch để thay đổi bản báo cáo đó (của Thượng viện) theo góc nhìn của chúng tôi, và giúp những người vừa bị kéo ra khỏi đống bùn lầy”.

Trong khi đó, Jose Rodriguez, người phụ trách quá trình thẩm vấn, khẳng định: “Chúng tôi chỉ làm những gì được yêu cầu. Chúng tôi chỉ làm những gì mà người ta bảo đảm đúng luật. Và những việc chúng tôi làm đã mang lại hiệu quả”, theo Foreign Policy.

Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra sau khi Thượng viện công bố loạt tài liệu này. 2 nghị sĩ đảng Cộng hòa, Marco Rubio và Jim Risch nói việc đưa những thông tin này ra ánh sáng là “liều lĩnh và vô trách nhiệm”. Các ông này cho rằng điều đó “có thể gây nguy hại cho mạng sống của nhiều công Mỹ ở nước ngoài, phá mối quan hệ của Mỹ và các đồng minh, kích động bạo lực và bị kẻ thù lợi dụng nhằm tuyên truyền sai sự thật”, theo Reuters.

Ngược lại, Thượng nghị sĩ John McCain, người từng tham gia Chiến tranh Việt Nam, cho rằng tài liệu này sẽ nâng cao vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, theo NBC News.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống George W. Bush.- Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên của cựu tổng thống George W. Bush cho biết ông chưa được tiếp cận bản báo cáo này, và không đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Trước đó, chia sẻ với CNN, ông Bush  lên tiếng ca ngợi các nhân viên CIA từng tham gia vào hoạt động tra tấn, gọi họ là “những nhà ái quốc”, và cho rằng nước Mỹ “rất may mắn khi có những con người làm việc tận tâm vì lợi ích quốc gia”.

Trong khi đó, Tổng thống Obama nhận xét rằng những hành động của CIA là “trái ngược với những giá trị cốt lõi của Mỹ”, đồng thời nhắc nhở “hãy để quá khứ ngủ yên”. Ông Obama phát biểu: “Không có quốc gia nào hoàn hào. Nước Mỹ sẵn sàng đối mặt với quá khứ, đối mặt với những điều chưa hoàn hảo. Chúng tôi có thể thay đổi, và trở nên tốt đẹp hơn”.

Các hoạt động bắt giữ, thẩm vấn mà CIA bị điều tra được thực hiện tại các trại tập trung ở Afghanistan, Thái Lan, Ba Lan, Rumani… trong giai đoạn 2002 – 2006, dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Hữu Đạt