27/11/2024

Không thể chỉ yêu mà không dạy

Cũng như nhiều bà mẹ đơn thân nuôi con ở VN, bà Sara Imas – một bà mẹ thành công người Do Thái – có một cuộc đời sóng gió.

 

Không thể chỉ yêu mà không dạy

Cũng như nhiều bà mẹ đơn thân nuôi con ở VN, bà Sara Imas – một bà mẹ thành công người Do Thái – có một cuộc đời sóng gió.

 


 

 

Nhưng người mẹ đơn thân ấy đã khẳng khái từ chối sự giúp đỡ của Thủ tướng Israel Rabin: “Tôi không cần ngài giúp đỡ, tự tôi cũng có tay”.

Người mẹ ấy đã kiên trì, từng bước vượt lên khó khăn. Bà chia sẻ: “Nếu thật sự yêu thương con, chúng ta hãy chú ý đưa con vào khuôn khổ ngay từ những năm đầu đời, không thể chỉ yêu mà không dạy”…

“Muốn làm người mẹ thành công”

Năm bà Sara Imas 12 tuổi, gia đình bà đang ở Trung Quốc thì người cha đột ngột qua đời. Họa vô đơn chí, vì là con cháu người Do Thái nên bà không thoát khỏi kiếp nạn “Đại cách mạng văn hóa” năm 1967 ở đất nước này. Bà bị đuổi ra khỏi nhà, bị cắt mất mái tóc xoăn tự nhiên, những bức thư Chính phủ Israel gửi tới cũng bị kiểm tra và tịch thu… Bà phải nghỉ học mưu sinh từ rất sớm, rồi lấy chồng sinh con.

Người chồng được bà nhắc đến rất ít và dường như không có chút vai trò gì trong cuộc đời mẹ con bà. Bà bị thôi thúc với ý nghĩ trở về quê hương Do Thái vì “quan điểm giáo dục của người Do Thái vốn được cả thế giới ca tụng, vì vậy tôi muốn trở về để tìm bí quyết nuôi dạy các con. Khi đó tôi vừa ly hôn, dù đã trở thành một người vợ thất bại, nhưng tôi muốn làm một người mẹ thành công. Và như thế, tôi dắt díu ba đứa con thơ của mình rời Thượng Hải tới Israel…”.

Trước tiên, bà mẹ đơn thân Sara Imas tìm cách khắc phục rào cản ngôn ngữ. Ở tuổi 42, bà khổ công học tiếng Hebrew, rồi nghĩ cách kiếm sống. Bà đã mừng đến rơi nước mắt khi làm ra chiếc bánh đa nem đầu tiên, “bởi ước muốn lớn nhất của tôi là nỗ lực kiếm tiền nuôi các con ăn học để chúng lớn lên trong vui vẻ”.

Thời gian đầu Sara Imas cũng biến mình là “nô lệ”, là “trực thăng” cho con cái, yêu con, bao bọc con một cách cố chấp. Nhưng một hôm, bà tỉnh ngộ trước lời góp ý thẳng thắn của cô hàng xóm: “Chẳng có người cha người mẹ nào không yêu con cái, chỉ có điều chúng ta cần phải biết yêu con có chừng mực, có nguyên tắc và phương pháp”.

Phạm sai lầm do quá yêu con

Vô cùng tàn nhẫn – vô cùng yêu thương, Công ty Alphabooks 2013, tác giả Sara: Dân tộc Do Thái chỉ chiếm 0,2-0,3% dân số thế giới nhưng lại sản sinh vô số nhân tài, có tới 32% số người đoạt giải Nobel là người Do Thái. Tại sao những nhân tài Do Thái nhiều hàng đầu trên thế giới? Ấy chính là nhờ phương pháp giáo dục trong gia đình!

Sara Imas bắt đầu thức tỉnh, bước ra khỏi những sai lầm lớn trong cách yêu thương con. Bà thấu hiểu giáo dục tố chất khác với giáo dục nghệ thuật.

Đổ xô đưa con đến những ngôi trường danh giá mà không quan tâm đến giáo dục tố chất, coi nhẹ kỹ năng đối nhân xử thế, rèn luyện phẩm chất; dẫn đến khả năng tự lập, sinh tồn kém cỏi, tốt nghiệp trường danh giá mà không biết cách kiếm sống.

Bà mẹ đơn thân ấy thấm thía sai lầm đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Hậu quả cách yêu con như thế sẽ làm chúng không biết giá trị của sức lao động, tạo tính cách ích kỷ cho con, chỉ số AQ (chỉ số vượt khó) thấp.

Sai lầm thứ ba để bà mẹ đơn thân Sara Imas nghiêm khắc, luôn tự nhắc mình là biết yêu mà không biết dạy.

Câu chuyện bà chia sẻ có ở khắp mọi nơi: “Ngày nay, chúng ta thường xuyên bắt gặp cảnh tượng ông bà hoặc cha mẹ bưng bát cơm đuổi theo đứa trẻ để đút cơm, cháu bé cầm đồ chơi trong tay, ngúng nguẩy ăn được miếng cơm lại quay sang chơi một lúc, chạy quanh một vòng, rồi mới chịu ăn thêm miếng nữa. Đến lúc cơm canh nguội lạnh vẫn còn quá nửa bát”. Không biết dạy con, nhân nhượng và nhẫn nại với con một cách vô nguyên tắc dẫn đến hậu quả đứa con trở nên hỗn láo, “bắt được thóp” để cha mẹ yếu lòng, luôn phải đáp ứng mọi yêu cầu của con.

Sai lầm thứ tư của bà là chăm sóc quá mức. Những bà mẹ “trực thăng” quan tâm một cách áp đặt con cái. Dưới danh nghĩa của sự yêu thương, người mẹ hủy hoại tương lai con cái, bởi đứa trẻ ấy vào đời với bản tính ỷ lại, kỹ năng giao tiếp kém, vừa thiếu tinh thần hợp tác vừa thiếu năng lực cạnh tranh.

Tàn nhẫn để yêu thương

Nhận ra những sai lầm trong cách nuôi dạy con, Sara Imas đã không ngừng phấn đấu tìm ra một phương pháp nuôi dạy con hiệu quả. Ấy là “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”. Bà cứng rắn, kiên trì áp dụng những nguyên tắc: yêu con trên nguyên tắc có làm có hưởng – một nguyên tắc sinh tồn của người Do Thái – giúp trẻ ý thức thời gian, tự lập, trách nhiệm.

Nguyên tắc thứ hai bà thực hiện là trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn. Bà phân tích: trì hoãn thỏa mãn giúp trẻ nhẫn nại, tăng khả năng chịu đựng, bồi dưỡng chỉ số AQ, rèn luyện ý chí.

Nguyên tắc thứ ba không kém phần quan trọng: lùi một bước, biết buông tay. Bà nói tình yêu thương đích thực của cha mẹ dành cho con là “rút lui càng sớm, buông tay càng sớm trẻ càng dễ dàng thích nghi trong tương lai… Không chịu rút lui, không chịu buông tay, cha mẹ sẽ bồi dưỡng chúng thành những “thai nhi quá hạn…”.

Tàn nhẫn để yêu thương, Sara Imas một nách nuôi ba người con thành đạt, con trai đầu trở thành triệu phú. Bà chia sẻ: “Trong “yêu có dạy” là món quà quý giá nhất cha mẹ trao tặng cho con dưới một hình thức thông minh. Khi trẻ mỗi ngày một lớn, bạn sẽ nhận ra con ngày càng hiểu chuyện hơn, ngược lại con trẻ cũng cảm thấy bạn ngày càng gần gũi và đáng kính hơn. Đối với những bậc cha mẹ mà nói, “không lo cha mẹ không yêu con, chỉ lo cha mẹ biết yêu mà không biết dạy” là một bài kiểm tra ý chí và sự hiểu biết về giáo dục”.

Bạn đọc sẽ cho rằng tôi khập khiễng khi so sánh hoàn cảnh những bà mẹ đơn thân ở VN với bà Sara Imas.

Nhưng không có gì quá khác biệt về xuất phát điểm của những bà mẹ, bởi bà Sara Imas cũng là một bà mẹ đơn thân bán nem rán, học vấn không cao, lại sống trong đất nước triền miên chiến tranh.

Có khác chăng là cách nuôi dạy con của bà. Đơn giản vì bà không bao bọc con trong tử cung người mẹ mà đốt cháy mình làm ngọn lửa soi đường con đi.

TRẦM HƯƠNG