27/11/2024

Khó mua tin chống tham nhũng, vì sao?

Gần một năm kể từ lúc Ban Nội chính trung ương hướng dẫn về việc mua tin tố giác tham nhũng, đến nay chưa có một ban nội chính tỉnh, thành nào công bố đã mua được tin tố giác.

 

Khó mua tin chống tham nhũng, vì sao?

Gần một năm kể từ lúc Ban Nội chính trung ương hướng dẫn về việc mua tin tố giác tham nhũng, đến nay chưa có một ban nội chính tỉnh, thành nào công bố đã mua được tin tố giác.

 

 

Trong cuộc tiếp xúc cử tri Q.4, TP.HCM chiều 2-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định tham nhũng ngày càng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà có dây mơ rễ má, hình thành những nhóm, một xâu chuỗi để bao che, bảo vệ nhau - Ảnh Q.Định
Trong cuộc tiếp xúc cử tri Q.4, TP.HCM chiều 2-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định tham nhũng ngày càng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà có dây mơ rễ má, hình thành những nhóm, một xâu chuỗi để bao che, bảo vệ nhau – Ảnh Q.Định
Từ những cái giá đắt đã phải trả của bản thân và của người khác từ việc chống tham nhũng, từ sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào kết quả xử lý vụ việc tham nhũng… đã khiến không ít người phải im lặng và dần hình thành suy nghĩ: không muốn chống tham nhũng, không dám chống tham nhũng, không thể chống tham nhũng
CÙ TẤT DŨNG

Tháng 12-2013, Ban Nội chính trung ương có văn bản hướng dẫn về việc mua tin tố giác tham nhũng. Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã xây dựng kế hoạch, kinh phí triển khai và Lâm Ðồng là tỉnh đầu tiên ban hành quy định mua tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có cầu mà chẳng có cung

Theo quy định mua tin chống tham nhũng, căn cứ tính chất từng vụ việc, chất lượng thông tin, lãnh đạo ban nội chính duyệt chi từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng/tin. Khi mua tin, ban nội chính có trách nhiệm giữ bí mật thông tin cho người bán tin, không được tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích… Dư luận có lúc đã nóng lên với hi vọng sẽ có nhiều cá nhân tích cực tố giác hành vi tham nhũng và chắc hẳn rằng sẽ có nhiều kẻ đang cảm thấy như ngồi trên đống lửa khi nghe thấy quy định này. Thế nhưng cho đến nay, chưa có ban nội chính tỉnh, thành nào công bố đã mua được một tin tố giác.

Lý giải về nguyên nhân, về phía ban nội chính các tỉnh, thành thì đây là một việc làm mới, chưa có tiền lệ, chưa có các quy định cụ thể về sử dụng nguồn kinh phí này như thế nào cho đúng, đảm bảo minh bạch. Bên cạnh đó, việc đánh giá chất lượng tin và chi trả cho người tố cáo theo cách nào là những băn khoăn chưa có câu trả lời.

Về phía người dân, câu trả lời thường là “đấu tranh rồi tránh đâu” phản ánh một sự thật là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, đã có những người hăng hái, những nhân tố tích cực bị những kẻ lạm quyền trù dập, thậm chí có người bị sát hại.

Còn nhớ năm 2010, khi văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức buổi lễ vinh danh 88 công dân tiêu biểu chống tham nhũng, hầu hết những người được vinh danh đều nói họ từng bị trù dập, đe dọa.

Bà Nguyễn Thị Hòa, cựu chiến binh 10 năm chống tiêu cực, cho biết đó là 10 năm bà bị đe dọa tính mạng, khủng bố tinh thần. Nhà báo Hoàng Dưỡng, trưởng Ðài Phát thanh, truyền hình huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðắc Lắc, đã bị một nhóm người hành hung gây trọng thương ngay trên đường phố Buôn Ma Thuột sau loạt bài về việc phá rừng ở Tây nguyên.

Những vụ việc này đã làm nhụt chí người chính trực trước các hành vi sai trái, đồng thời vô hình trung tạo nên “chỗ ẩn nấp” cho lương tâm người tốt đỡ cắn rứt khi buộc phải ngậm miệng trước những việc làm xấu xa.

Cần tạo niềm tin chống tham nhũng

Cái khó của đấu tranh chống tham nhũng là biết mà không dám nói, cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước lại càng không dám đấu tranh vì sợ bị trù dập, sợ mất chức mất quyền, sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của tập thể. Ai cũng hiểu những điều tốt đẹp vẫn là xu thế nổi trội trong xã hội chúng ta, nhưng vì sao cái xấu, cái ác chỉ là thiểu số vẫn có xu hướng ngày càng lấn át?

Dư luận có sự quan ngại về những dấu hiệu của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn đứng đằng sau các vụ trả thù người tố cáo tham nhũng; lợi dụng cơ chế hành chính nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, đoàn thể, sử dụng lực lượng “xã hội đen” để đàn áp, ngăn chặn người chống tham nhũng nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, tiêu hủy tang chứng, bóp nhỏ vụ việc, đánh chìm xuồng, cô lập, vô hiệu hóa, thậm chí tiêu diệt người chống tham nhũng nhằm chạy tội.

Người đấu tranh chống tham nhũng trước hết là người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, là nhân tố khởi đầu và ở vị trí then chốt có tính chất quyết định thắng lợi.

Có vai trò và vị trí quan trọng như vậy nhưng họ chưa nhận được nhiều sự đồng thuận, ủng hộ, bảo vệ, cổ vũ, động viên của xã hội.

Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ người chống tham nhũng có vị trí đặc biệt, là mắt xích quan trọng, nhưng thực tế lại là khâu yếu nhất.

Có khoảng cách xa giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tế, không ít cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội và người đứng đầu có nhận thức hạn chế và hành động yếu kém trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn thân thể, tinh thần, đời sống của bản thân và gia đình những người dám đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng.

Gần đây, qua các vụ tham nhũng bị phanh phui, một số người góp sức vạch mặt kẻ phạm tội đã được báo chí đề cao, nhưng việc tôn vinh đó chưa xứng với công trạng của những người anh hùng mới, chưa đủ sức cổ vũ mọi người, tạo nên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ với tham nhũng.

Nếu tất cả tổ chức Ðảng và chính quyền các cấp, đoàn thể quần chúng đều nhiệt thành ủng hộ và có những việc làm thiết thực ủng hộ những người tham gia chống tham nhũng thì đó là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến chống tham nhũng, là một liều thuốc công hiệu góp phần đẩy lùi “giặc nội xâm” đang gây ra những hậu quả xấu về nhiều mặt trong xã hội hiện nay.

Những người có trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng phải đặt mình vào vị thế người đi tố cáo tiêu cực, tham nhũng để thấu hiểu được nỗi lòng họ, từ đó mới có cách giải quyết vừa đúng luật pháp, vừa thấu tình đạt lý.

Phải hiểu đúng những người đấu tranh với những tiêu cực, với những điều bất công của xã hội không phải vì tiền, vì lợi lộc mà vì công lý.

Do vậy cần có những biện pháp, quy định pháp luật cụ thể về khen thưởng cũng như bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng, bên cạnh đó là xử lý thấu đáo, nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.

Từ đó người tố cáo tiêu cực, tham nhũng tin tưởng hơn vào công lý, vào sự công tâm và quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh này và như vậy sẽ tạo được sự đoàn kết hơn, an tâm hơn trong việc tham gia cung cấp nhiều thông tin tố giác để cuộc chiến chống tiêu cực có thực chất, đi vào chiều sâu.

 

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)