09/01/2025

Chuyện tình cảm động – Kỳ 4: 0+0= có

Ngày cưới, chú rể cười nói: “Có một người chị khi tặng phong bì đã ghi bên ngoài là chúc mừng hạnh phúc 0 + 0 = có! Đó là một phép tính nhanh và ngắn gọn nhất về hoàn cảnh và chuyện tình của chúng tôi”.

 

Chuyện tình cảm động – Kỳ 4: 0+0= có

 

 

Ngày cưới, chú rể cười nói: “Có một người chị khi tặng phong bì đã ghi bên ngoài là chúc mừng hạnh phúc 0 + 0 = có! Đó là một phép tính nhanh và ngắn gọn nhất về hoàn cảnh và chuyện tình của chúng tôi”.

 

 

Chuyện tình cảm động - Kỳ 4: 0+0= có
Nụ cười hạnh phúc của đôi vợ chồng trong ngày cưới – Ảnh: Tâm Ngọc

 

“Tôi không cha mẹ, không giấy tờ tùy thân, không nhà cửa, cô ấy cũng không có gì ngoài hai bàn tay trắng nhưng giờ đây, chúng tôi có một gia đình”, chú rể giãi bày.

Còn sống, tim còn đập là còn yêu

Anh là Huỳnh Trọng Quý (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định). Anh vốn là trẻ mồ côi ở cô nhi viện Từ Tâm (cũ). Sau một cơn sốt bại liệt, đôi chân anh bị teo nhỏ và mất khả năng vận động từ đó. Lớn lên, anh rời cô nhi viện và đi ở đợ cho một tiệm bánh bao trong thành phố kiếm cơm qua ngày. Mỗi sáng, nhà chủ lại cho anh một ít tiền ăn sáng. Tuy ít ỏi nhưng anh vẫn dành dụm và sau mấy năm thì mua được 2 chỉ vàng để đi học nghề cơ điện.

Vừa học vừa làm công, anh Quý còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội trong nhóm người khuyết tật “Sức sống”. Năm 2003, anh về làm chung với một người bạn ở xưởng làm xe máy số lùi cho người khuyết tật (bây giờ là tiệm 2 Long ở số 352 Tây Sơn, TP.Quy Nhơn). Mãi đến khi có được chiếc xe máy cưỡi ra đường như bao người thì anh Quý mới giật mình vì trong tay không hề có một giấy tờ tùy thân nào chứng minh mình từng có mặt trên đời.

Sau khi được một gia đình cưu mang, cho nhập hộ tịch, anh Quý mới được làm giấy tờ để có thể tự tin bước ra đường hòa nhập xã hội để rồi sau đó trở thành một trong những người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh Bình Định. Trong một lần đi dự hội thảo của người khuyết tật, anh Quý được một người quen làm mai với chị Nguyễn Thị Yến Nhi (lúc ấy mới 28 tuổi, ở Đà Lạt, cũng bị khuyết tật ở chân) bằng… số điện thoại.

Lúc ấy, anh 47 tuổi, đã trải qua vài mối tình nhưng vì nghèo nên dở dang. Anh bảo: “Tôi không mặc cảm đâu vì mình thua thiệt thật đó, nhưng mình có sự nỗ lực với cuộc sống này, bằng chứng là tôi làm nghề cơ điện không thua một người thợ lành lặn giỏi nghề và sống tử tế với những người xung quanh. Tôi từng nói với người yêu cũ của mình rằng, em bỏ anh thì bỏ chứ anh không vì thế mà gục ngã đâu. Chừng nào anh còn sống, trái tim còn đập thì còn yêu và tìm kiếm tình yêu trong cuộc đời”. 

Đám cưới không có rạp cưới, cổng hoa

Trong câu chuyện kể lại thời còn “cưa cẩm” chị Yến Nhi, vợ anh Quý bây giờ, những người cùng làm trong xưởng với anh không khỏi thán phục. “Anh Quý yêu cũng dữ dội lắm, khuyết tật đâu không biết chứ một mình lái xe máy chạy hơn 400 km từ Quy Nhơn lên Đà Lạt thăm người yêu là… chuyện thường”, anh Long, chủ cơ sở 2 Long kể. Nghe đến đấy, anh Quý lại nheo mắt cười, xua tay: “Người ta bảo yêu nhau mấy núi cũng trèo mà. Hơn nữa, tôi cũng đã chuẩn bị một ít tiền trong túi, nếu lỡ giữa đường xe cộ có gì thì mình cũng bắt xe lên gặp được cô ấy, có gì khó đâu!”.

Chị Nguyễn Thị Yến Nhi nhớ lại “buổi đầu rung động nỗi thương yêu” (thơ Xuân Diệu) với anh Quý rất đỗi dung dị: “Bọn mình cùng khuyết tật nên cũng hay than thở hoàn cảnh cho nhau nghe. Mình nói mình mồ côi mẹ từ nhỏ, lớn lên cha cũng mất phải tự bươn chải kiếm sống thì anh an ủi dù sao em cũng còn được gọi tiếng mẹ, tiếng cha, còn anh từ nhỏ giờ có biết mặt cha mẹ mình đâu. Nghe vậy là mình đã thấy thương. Rồi thương anh mỗi lần lặn lội đường xa lên đây chỉ để nhìn thấy mình trong chốc lát…”.

Trước khi cưới chừng… một ngày, anh Quý và chị Nhi mới quyết định cưới! Anh Quý tâm sự: “Vì còn tay trắng và công việc chưa có thu nhập là bao nên tôi cũng run lắm, nhưng anh em, bạn bè cứ động viên cưới để vừa ra mắt mọi người, vừa là dịp cám ơn Nhi đã dành tình cảm mà bỏ hết mọi thứ ở Đà Lạt xuống đây với tôi và làm vợ tôi”.

Đám cưới diễn ra trong một ngày bão số 4 trên đường đổ bộ vào Quy Nhơn. Đám cưới không có rạp, cổng hoa, chỉ có sự trợ giúp của bạn bè và những nhà hảo tâm, người góp cái bánh kem, người cho thuê áo cưới giá 200.000 đồng, người làm MC không công, người lo phần nhạc… Chỉ vỏn vẹn 4 bàn tiệc mà đám cưới rôm rả, rộn ràng nụ cười và nước mắt.

Có cảm giác, anh Quý hao hao nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân ở cái phép tính 0 + 0 = có. Anh rưng rưng, vậy là từ đây tôi có một gia đình để yêu thương và chăm sóc, có một mái ấm để đi về sửa sang, nhen nhóm.

Cuộc sống phía trước là khó khăn chồng chất với đôi uyên ương Quý – Nhi, nhưng bây giờ họ đã có nhau để có thể nương tựa khi vui khi buồn để viết tiếp những trang mới trong đời.

Tâm Ngọc