Lấy công chuộc tội
Cách đây hai năm, rừng phòng hộ đầu nguồn Đông Tiễn, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam nổi lên như “điểm nóng” của nạn phá rừng, đốt nương rẫy.
Lấy công chuộc tội
Cách đây hai năm, rừng phòng hộ đầu nguồn Đông Tiễn, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam nổi lên như “điểm nóng” của nạn phá rừng, đốt nương rẫy.
Người dân ươm giống keo con để trồng rừng - Ảnh: L.Trung |
24 hộ dân tại xã đến khu rừng phòng hộ này phá rừng lấy đất sản xuất hoặc chờ dự án để được đền bù.
Lực lượng kiểm lâm đã lập hồ sơ để truy cứu trước pháp luật. Nhưng vì thấy người dân nghèo, thiếu đất sản xuất nên thay vì xử lý hình sự, cơ quan chức năng Quảng Nam áp dụng biện pháp “lấy công chuộc tội”, để dân tự trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã bị phá.
Pháp luật nghiêm minh nhưng cũng có sự khoan hồng, cho người dân một con đường lấy công chuộc tội |
Không biết mình phạm tội
Rừng phòng hộ đầu nguồn Đông Tiễn giờ đã trải một màu xanh ngắt của keo. Khác với hai năm trước, khu rừng này bị đốt, chặt phá tan hoang.
Đặc biệt tại tiểu khu 484 Vinh Nam, gần 50ha rừng bị người dân đốt phá để lấy đất sản xuất, trồng rau hoặc chăn nuôi. Những cây có chức năng phòng hộ như sung, đu đủ rừng, vừng nước, trâm… có đường kính 30-40cm bị đốn hạ nằm la liệt trong rừng.
Một trong những hộ đốt phá rừng nhiều nhất có thể kể đến anh Lê Văn Tân (35 tuổi, thôn Nam Tiễn).
Gặp chúng tôi trong lúc anh đang tất bật chăm sóc trang trại nấm ngay trong vườn của mình, anh Tân nói: “Không sống dựa vào rừng nữa. Hiện giờ mình làm trang trại mỗi tháng kiếm được vài triệu đồng, có thu nhập nuôi vợ con. Trước đây chỉ nghĩ đơn giản là lên núi phát rẫy, trồng keo chứ đâu biết phá rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật, sẽ bị khởi tố. Sau khi bị chính quyền địa phương kiểm điểm, gia đình tôi đã trồng lại y nguyên 1,9ha rừng đã phá”.
Anh Tân kể lại, năm 2012 thấy bà con trong xã rầm rộ lên khu vực rừng phòng hộ Đông Tiễn để phát rẫy, lập trang trại nên anh cũng “liều” lên phá rừng lấy đất trồng cây. Gia đình anh thuộc diện tái định cư khu vực lòng hồ thủy lợi Đông Tiễn, vì thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn nên anh đã lên khu rừng phòng hộ đầu nguồn này đốt phá gần 1,9ha đất rừng.
Khi lực lượng kiểm lâm huyện Thăng Bình phát hiện đã lập hồ sơ thủ tục chuyển cơ quan công an huyện xử lý theo thẩm quyền.
“Khi công an huyện triệu tập lên làm việc tôi mới toát mồ hôi vì biết mình vi phạm pháp luật khi phá rừng phòng hộ. Sợ bị khởi tố, tù tội rồi mấy đứa con nhỏ, mẹ già không ai nuôi. Rồi một ngày cuối tháng 5-2014, xã có giấy mời ra nhà văn hóa. Đến nơi mới biết mình chỉ phải đọc bản kiểm điểm, ký cam kết trồng lại diện tích rừng đã phá, tôi mới thở phào nhẹ nhõm” – anh Tân kể lại.
Sau đó anh Tân đi mua 7.000 cây keo giống đưa lên rừng phòng hộ để trồng mất gần một tháng trời thì xong. Đến nay số keo đó đã cao quá đầu người.
Tương tự, ông Dương Văn Năm (54 tuổi, thôn Vinh Đông) năm 2012 cũng theo bà con trong xã lên rừng đầu nguồn Đông Tiễn đốt rừng làm rẫy. Gia đình ông đã phá gần 0,4ha rừng để mở trang trại trồng keo. Đến tháng 8-2012, việc phá rừng của ông bị cơ quan chức năng phát hiện. Nhiều lần ông được mời đến công an, kiểm lâm để làm việc.
“Khi làm việc với cơ quan chức năng, mình mới nhận thức việc phá rừng lấy đất trồng rau, trồng cây của mình là sai. Cũng may là chính quyền không xử lý, khởi tố mà chỉ bắt mình làm bản kiểm điểm rồi trồng lại diện tích rừng đã bị phá. Đến nay, tôi chấp hành và trồng lại toàn bộ diện tích rừng này rồi” – ông Năm tâm sự.
Gia đình ông Năm có sáu nhân khẩu, được xã cấp 250m2 đất để canh tác. Theo ông Năm, do cuộc sống khó khăn, bà con mới lên rừng đốt phá làm rẫy để canh tác, kiếm sống mà không hề biết hành vi phá rừng phòng hộ đầu nguồn là vi phạm pháp luật.
Anh Tân, ông Năm là hai trong số 24 người dân ở Bình Trị lẽ ra đã ngồi tù nhưng nhờ cách làm linh hoạt của cơ quan chức năng Quảng Nam nên họ đều thoát khỏi vòng lao lý.
Rừng phòng hộ đầu nguồn Đông Tiển, xã Bình Trị giờ đã trải một màu xanh ngắt của keo – Ảnh: L.Trung |
Nghiêm minh nhưng khoan hồng
Theo ông Lê Viết Mãnh – phó chủ tịch UBND xã Bình Trị, tổng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn Đông Tiễn khoảng 280ha. Đến nay diện tích rừng 48,1ha do người dân trong xã đốt phá đã được chính họ trồng lại đầy đủ. Từ tháng 7-2012, do nghe “phong thanh” thông tin huyện triển khai trồng cao su tiểu điền tại khu vực rừng phòng hộ Đông Tiễn, 24 hộ dân đã lên đó phá rừng, trồng cây chờ đền bù. Hộ phá nhiều nhất khoảng 3,5ha, ít nhất khoảng 0,4ha.
“Chỉ cần phá từ 0,3ha rừng phòng hộ là đã bị khởi tố. Nếu chiếu theo luật thì 24 người dân này đều bị truy tố trước pháp luật” – ông Mãnh cho biết.
Một nguyên nhân chính khiến các hộ đốt phá rừng phòng hộ làm rẫy là do khi được tái định cư khu vực lòng hồ Đông Tiễn, người dân thiếu đất sản xuất, mỗi nhân khẩu chỉ được cấp 450m2, trong khi đó gần 70% diện tích đất sản xuất không có nước tưới. Cuộc sống người dân khó khăn cộng với nhận thức kém, chưa hiểu biết pháp luật đã đẩy họ vi phạm pháp luật.
Sau khi phát hiện các hộ dân phá rừng, cuối tháng 5-2013 địa phương tổ chức họp từ đảng ủy đến chính quyền, xác định nếu các đối tượng này bị đưa ra khởi tố sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị của địa phương cũng như cuộc sống gia đình của họ.
Xã Bình Trị gửi văn bản lên cấp trên đề nghị không khởi tố những hộ phá rừng phòng hộ, thay vào đó là buộc họ “lấy công chuộc tội”, làm kiểm điểm trước nhân dân và cam kết tự trồng lại diện tích rừng đã bị chính họ tàn phá.
“Sau khi được cấp trên đồng ý với cách giải quyết này, chúng tôi đã tổ chức họp 24 hộ dân vào cuối tháng 5-2014. Buổi họp hôm đó có sự tham dự của UBND huyện, công an, kiểm lâm… Tại buổi họp này, lần lượt mỗi hộ tự đọc bản kiểm điểm trước nhân dân, hứa sẽ khắc phục lại rừng. Sau đó các hộ ký bản cam kết trồng lại rừng và không đốt phá rừng nữa” – ông Mãnh cho hay.
Ngay sau cuộc họp, mỗi hộ dân tự mua cây giống, thuê nhân công trồng bù lại phần đồi trọc bị đốt phá trước đó. Đến tháng 7-2014, toàn bộ diện tích rừng bị phá đã được chính họ trồng keo phủ xanh. Số diện tích rừng này xã đã giao cho các hội, đoàn thể chăm sóc, quản lý.
Liệu xử lý những hộ phá rừng như vậy có đúng theo quy định pháp luật?
Ông Mãnh cho biết: “Phải nói rằng người dân phá rừng này khác hoàn toàn với lâm tặc. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã nghiên cứu kỹ hết rồi nên mới thống nhất như vậy. Pháp luật nghiêm minh nhưng cũng có sự khoan hồng, cho người dân một con đường lấy công chuộc tội”.