‘Ba bước’ giải quyết mâu thuẫn
Nhiều bạn trẻ ta thán khi mâu thuẫn, xung khắc trong giao tiếp với ba mẹ, anh chị em trong nhà, họ chẳng biết phải giải quyết vấn đề này như thế nào…
‘Ba bước’ giải quyết mâu thuẫn
Nhiều bạn trẻ ta thán khi mâu thuẫn, xung khắc trong giao tiếp với ba mẹ, anh chị em trong nhà, họ chẳng biết phải giải quyết vấn đề này như thế nào…
Không nói chuyện được quá hai câu
|
Đây là tâm sự của Hoàng Oanh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình, TP.HCM. “Chỉ nói được câu đầu là phải dừng lại vì đã rất nhiều lần chưa kịp nói câu thứ hai là ba, con đã mâu thuẫn với nhau, không thể nói tiếp”, Hoàng Anh kể.
Chính vì thế mà nữ sinh này cảm thấy khoảng cách giữa mình và ba ngày càng rộng ra. Ba chẳng hiểu con và ngược lại. Mâu thuẫn cứ thế nảy sinh hằng ngày và càng lúc càng nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết đã gặp rất nhiều câu chuyện tương tự, bạn trẻ gọi điện đến cầu cứu phải làm sao khi gặp phải những tình cảnh như: “Vì không hiểu nhau nên em chọn nghề này nhưng ba mẹ bắt buộc phải thi nghề khác”, “Em và mẹ cứ cãi nhau hằng ngày” hay “Em và chị ruột nói chuyện không hợp, mâu thuẫn thường xuyên”…
“Mình thật sự chẳng biết phải làm gì bây giờ. Ở vị thế là con nên dẫu bố mẹ có sai đi chăng nữa cũng chẳng biết làm sao để thay đổi quan điểm hay tính cách của bố mẹ”, Đoan Nhật, sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, chia sẻ.
Phần lớn các bạn trẻ đều cho biết khi rơi vào tình cảnh này đã cảm thấy áp lực cực lớn về tinh thần.
Nới lỏng dây cương
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết rất nhiều lần tư vấn các bạn trẻ giải quyết xung khắc với phụ huynh. Có học sinh mong mỏi thạc sĩ cho lời khuyên vì bản thân đã cảm thấy lớn và trưởng thành nhưng bố mẹ cứ coi là con nít, cấm đoán nhiều điều, từ giờ giấc sinh hoạt cho đến cách ăn mặc… Hễ làm không vừa lòng là bị “chửi không kịp vuốt mặt”.
Có học sinh lại than vãn “muốn sống theo sở thích nhưng không thể, luôn bị bố mẹ áp đặt, có cảm giác như là “thảo dân thấp cổ bé họng”, mọi việc đều do “hoàng thượng và hoàng hậu” quyết định. Thế nên bầu không khí gia đình luôn căng thẳng, luôn cảm thấy chán nản và mệt mỏi.
Theo thạc sĩ Hiếu, nếu như “nói chuyện không quá hai câu” thì nên hạn chế nói về những chủ đề có thể tạo nên xung đột. Khi chớm xảy ra mâu thuẫn, nên im lặng, đợi không khí nguội bớt hãy nhẹ nhàng giải thích chuyện trò. “Tập đặt mình vào vị trí của nhau, xỏ chân vào giày của nhau để hiểu cách nghĩ và cảm xúc của nhau”, thạc sĩ Hiếu khuyên.
Ngoài ra, khi mâu thuẫn, nên làm ba bước. Đầu tiên là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi trách bố mẹ, hãy xem bản thân có lỗi gì sai, chỗ nào chưa đúng. Sau đó “đứng vào chỗ của bố mẹ”, để cảm nhận cái lý của người lớn, hiểu được cảm giác của họ, hiểu được vì sao họ lại hành động hay nói những điều như thế. Và sau đó là tìm ra nút thắt chỗ nào, gỡ nút ngay chỗ ấy. Phải tìm cho ra mấu chốt khiến hai bên mâu thuẫn là ở chỗ nào, từ đó tìm cách để tháo gỡ để cả hai đều hài lòng, hòa hợp.
“Dù có xung khắc về tính cách, nhưng đó là bố mẹ, anh chị em của mình. Hãy xem xung khắc đó như một phần của cuộc sống, thậm chí hãy cảm ơn những mâu thuẫn ấy, vì nó đang giúp ta học cách để chung sống với nhau”, thạc sĩ Hiếu nhắn nhủ.
Với bậc phụ huynh, thạc sĩ Hiếu cho rằng nên nới lỏng dây cương, cho con được trải nghiệm, được tự quyết định, được học hỏi từ trong sai lầm… để nhanh chóng trưởng thành. Hai bên nên ngồi lại, thiết lập một bộ “quy tắc ứng xử trong gia đình”, thỏa thuận rõ trong trường hợp nào hai bên nên ứng xử cụ thể ra sao. Bộ quy tắc này cực kỳ hữu dụng, giống như một bộ luật điều chỉnh thái độ ứng xử của mỗi người sao cho hòa hợp với nhau nhất.
Bình luận “Mâu thuẫn tính cách và xung đột nảy sinh hằng ngày có lẽ là chuyện không phải của riêng người trẻ nào. Ước gì ba mẹ hiểu con cái nhiều hơn”. Nguyễn Đại Hưng (Sinh viên Trường CĐ Phương Đông, Đà Nẵng) “Có lần mình cãi nhau kịch liệt với các thành viên trong gia đình, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Sau nhiều lần, thấy rằng mỗi người phải biết kiềm chế, nhượng bộ lẫn nhau để giải quyết vấn đề”. Nguyễn Thị Hồng Thắm (Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) “Có nhiều lúc cảm thấy bế tắc vô cùng vì những xung đột trong tính cách với mọi người. Càng tuyệt vọng hơn khi không biết cách hóa giải”. Nguyễn Đại Dương (Sinh viên Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng)
|
Thanh Nam