10/01/2025

10 NĂM “VƯỢT SÓNG” CÙNG CON – KỲ CUỐI: Món quà trả ơn đời

Tháng 9-2014 con bước chân vào mái trường THCS. Sau vài tuần bỡ ngỡ, cô giáo chủ nhiệm lớp 6 của con điện thoại báo rằng con đã thích nghi được với môi trường mới.

 10 NĂM “VƯỢT SÓNG” CÙNG CON – KỲ CUỐI:

Món quà trả ơn đời

 

Tháng 9-2014 con bước chân vào mái trường THCS. Sau vài tuần bỡ ngỡ, cô giáo chủ nhiệm lớp 6 của con điện thoại báo rằng con đã thích nghi được với môi trường mới. 

 

 

 

 

Phương Minh bây giờ đã là học sinh lớp 6 - Ảnh: Tâm Lụa
Phương Minh bây giờ đã là học sinh lớp 6 – Ảnh: Tâm Lụa

Con khỏe mạnh, phát triển bình thường và học khá tốt.

Bình thường là hạnh phúc lớn lao

Bây giờ có nhiều người hỏi tôi: “Dạy con bấy nhiêu năm mất bao nhiêu tiền?”. Tôi không bao giờ ngoái lại và ngồi đong đếm xem mình đã bỏ ra bao nhiêu tiền của và thời gian. Tôi không bao giờ nghĩ sẽ phó mặc con cho bất cứ ai.

Tôi cũng chưa bao giờ đặt ngược lại câu hỏi rằng: “Nếu không dạy con được thì sao?”. Từ khi bắt đầu những buổi học đầu tiên và cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ niềm tin mãnh liệt rằng con gái tôi sẽ được trở về với cuộc sống bình thường, được sống, được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Bây giờ nhiều lúc nghĩ lại, tôi cũng không thể hiểu tại sao ngày ấy mình lại có thể nghĩ được nhiều thứ để dạy con đến thế. Tôi có thể ngồi suốt đêm mày mò làm các loại hộp từ nhỏ đến to, cắt dán chữ, sáng tạo cái này cái kia để dạy con. Tôi có thể ngồi cả đêm để tập cho hai tròng đen của mắt sát lại gần nhau giống đôi mắt con. Tôi làm tất cả, thử tất cả chỉ để hiểu con cảm thấy thế nào, từ đó mong có phương pháp dạy con phù hợp.

Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng con là người “đặc biệt”. Với những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ như con gái tôi thì không thể nào nói trước được điều gì. Con vẫn đang trong tuổi dậy thì – một giai đoạn hết sức khó khăn với những diễn biến tâm sinh lý không ổn định. Nhưng tôi luôn có niềm tin rằng con sẽ vượt qua, như khi con kiên cường cùng tôi học tập, qua lớp 1 rồi qua tiểu học. Những bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ như tôi không bao giờ được phép buông tay con. Bây giờ con rất thích vẽ, nặn, dán, làm đồ chơi…

Tôi mong con trở thành họa sĩ hay nhà điêu khắc, hoặc chỉ cần con là một cô thợ may cũng ổn rồi. Hoặc con có thể làm những dụng cụ dạy học cho trẻ tự kỷ mà con đã rất quen thuộc. Việc gì cũng được, miễn là con thích thú. Cuộc sống không bao giờ dừng lại. Vẫn còn nhiều điều về con làm tôi lo lắng, nhưng chỉ cần kiên nhẫn và hi vọng, tôi tin con sẽ là một phụ nữ bình thường và độc lập.

Từ khi con phát triển ổn định, tôi và con trai đã lập trang web www.tuky.ml. Toàn bộ giáo án trong quá trình dạy con đã được post lên trang web này. Đây cũng là nơi các mẹ có con mắc chứng tự kỷ có thể tâm sự, chia sẻ với nhau về cách dạy con.

Có nhiều mẹ điện thoại đến hỏi tôi rằng: “Có thể áp dụng giáo án này để dạy cho con họ được không?”. Tôi đã trả lời giáo án ấy chỉ để tham khảo chứ không thể nào áp dụng được cho tất cả các bé. Mỗi một trẻ tự kỷ phải có phương pháp dạy khác nhau, dạy con thế nào là tùy khả năng và phương pháp của mỗi người mẹ.

Số điện thoại và email của tôi được công khai trên trang web ấy. Tôi đề “làm ơn gọi ngoài giờ hành chính”. Và đêm về hàng chục cuộc điện thoại gọi đến cho tôi. Rất nhiều mẹ đã khóc khi không tìm được con đường nào cho con mình. Họ cũng giống như tôi cách đây nhiều năm về trước. Nhiều trường hợp rất đáng tiếc, bố mẹ không có những can thiệp tích cực đã để chứng tự kỷ của con ngày càng trầm trọng.

Chị Hải Ninh tư vấn cho một bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ - Ảnh: Tâm Lụa
Chị Hải Ninh tư vấn cho một bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ – Ảnh: Tâm Lụa

Mong trẻ tự kỷ được hòa nhập

Đầu tháng 11 tôi xuất bản cuốn sách Con về. Cuốn sách kể lại toàn bộ quá trình dạy con và kinh nghiệm của tôi. Nhiều người nói rằng: Con bây giờ đã phát triển bình thường, tại sao không giấu biệt quá khứ để không ai biết rằng cháu là một đứa trẻ tự kỷ? Tôi đã từng nghĩ tới điều đó. Nhưng trên hết, tôi nghĩ có thể do tôi và Phương Minh may mắn.

Chúng tôi đã kiên cường tập luyện và gặp rất nhiều người tốt. Họ đã hỗ trợ rất nhiều để con được như ngày hôm nay. Vì vậy tôi muốn kể hết để ai áp dụng được gì thì áp dụng. Đó như một món quà trả ơn đời. Tôi mong muốn khi các bậc phụ huynh nghe câu chuyện của tôi hãy bắt đầu can thiệp tích cực cho con.

Trước khi in sách kể câu chuyện này, tôi có hỏi ý kiến các con. Phương Minh bảo “không vấn đề gì đâu mẹ ạ”. Cháu rất nhẹ nhõm khi mọi người biết rằng “mình là trẻ tự kỷ”. Với tôi, để cháu chấp nhận bản thân, nghe nói xấu về mình cũng là một cách dạy con. Nếu không tập cho con đón những đợt sóng nhỏ thì làm sao con đủ mạnh mẽ để đón những đợt sóng lớn trong đời.

Bây giờ tôi phải cảm ơn cuộc sống vì đã dành cho tôi quá nhiều sự ưu ái. Phương Minh vẫn phát triển bình thường, đó là món quà và niềm an ủi dành cho tôi. Tôi phải cảm ơn con vì đã giúp tôi nhớ rằng mình từng làm mẹ như thế nào.

Tôi cũng nói với Phương Minh rằng con là người hạnh phúc vì có nhiều ký ức. Tôi còn giữ rất nhiều giáo án, nhật ký của mẹ, nhật ký của cô, nhật ký giữa mẹ và cô… từ lúc dạy con. Bây giờ khi xem lại nhật ký con cười vui vẻ bảo: “Ngày xưa con phải học những điều buồn cười thế hở mẹ?”.

Rất nhiều năm qua, tôi vẫn âm thầm tư vấn cho nhiều mẹ có con tự kỷ. Chúng tôi chia sẻ với nhau thì đúng hơn. Số tiền thu được từ việc bán sách, tôi đã có kế hoạch lập một quỹ mang tên “Con về” để dành tổ chức những hoạt động cho trẻ tự kỷ.

Trẻ tự kỷ bây giờ không có bạn. Nhiều em bị bạn bè xa lánh, thầy cô không quan tâm. Bố mẹ thường chỉ muốn con mình giao lưu và học hỏi với những người bạn khôn hơn chứ không ai muốn con mình chơi với trẻ tự kỷ. Các cháu thiếu môi trường để giao lưu. Nhiều cháu có khả năng về điện tử, hội họa, âm nhạc… nhưng lại không phát triển được vì gia đình không tạo điều kiện. Chứng tự kỷ vẫn còn bị coi là “bệnh”, vẫn vấp phải định kiến trong xã hội.

Tôi không thể nào quên cách đây nhiều năm, một phụ nữ đến nhà tôi vào lúc nửa đêm và khóc nức nở. Chị bảo bị chồng và gia đình chồng ruồng bỏ vì sau một thời gian dạy dỗ, đứa con bị tự kỷ của chị vẫn không thể khá hơn. Nói chuyện xong, khi chị ra về thì tìm khắp nơi vẫn không thấy dép. Một lúc lâu chị mới nhớ ra vì quá hoảng loạn mà chị đi chân đất đến nhà tôi.

Có gia đình khi phát hiện con bị tự kỷ đã mời thầy cúng quất roi da vào người con để trừ “bệnh”. Cũng có những người mẹ từ tận TP. HCM bay ra gặp tôi chỉ để hỏi tôi đã dạy con như thế nào. Có bà mẹ sau nhiều năm phó mặc con cho những trung tâm dạy trẻ tự kỷ để rồi giật mình nhận ra rằng con còn tệ hơn cả ngày chưa đưa đến trung tâm.

Tôi kể câu chuyện của mình chỉ để muốn nói với các mẹ có con tự kỷ rằng hãy dạy con đi. Mẹ sẽ là cô giáo tốt nhất của con và không ai có thể thay thế được mẹ. Bằng tất cả niềm tin và tình yêu thương, tôi tin chắc rằng điều kỳ diệu sẽ đến. Giống như điều kỳ diệu đã đến với Phương Minh.

Điều kỳ diệu của tình yêu thương

Căn nhà nhỏ nằm trong ngõ 81 đường Lương Định Của, TP Hà Nội giờ đã bình yên sau rất nhiều sóng gió. Gặp chị Ninh, dù ở nhà riêng vào lúc đêm khuya hay ngoài quán cà phê thì vẫn có một bà mẹ của trẻ tự kỷ đến tranh thủ nhờ chị tư vấn và chia sẻ.

Câu chuyện của chị vẫn luôn bị gián đoạn bởi những cuộc gọi và tin nhắn của các mẹ có con tự kỷ ở khắp cả nước. Chị vẫn tất bật giữa việc cơ quan, việc dạy con không một phút lơ là và không bao giờ từ chối các mẹ khác. “Tôi không thể nào từ chối vì ngày xưa tôi cũng như các mẹ bây giờ” – chị bảo vậy.

Giang – cậu con trai đầu lòng của chị Ninh – mới là sinh viên năm nhất nhưng đã là một người đàn ông chững chạc và là điểm tựa tinh thần cho cả gia đình.

Là người chứng kiến từ những ngày đầu mẹ dạy em, hiểu được những vất vả và hi sinh thầm lặng của mẹ, Giang đã lập và giúp mẹ điều hành trang web tuky.ml, giúp mẹ trả lời các tư vấn. Giang sẵn sàng cùng mẹ đi gặp các trẻ tự kỷ khác và lắng nghe khi các em “cần có một người bạn”…

TÂM LỤA

ĐÀO HẢI NINH (Tâm Lụa ghi)