09/01/2025

Bảo hiểm dân sự bắt buộc: Mua dễ, đòi khó

Bắt buộc phải mua bảo hiểm, nhưng khi xảy ra sự cố, nhiều người không nắm được những quy trình, thủ tục bắt buộc để yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán các thiệt hại này.

 

Bảo hiểm dân sự bắt buộc: Mua dễ, đòi khó

 

Bắt buộc phải mua bảo hiểm, nhưng khi xảy ra sự cố, nhiều người không nắm được những quy trình, thủ tục bắt buộc để yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán các thiệt hại này.

 

 

Bán bảo hiểm xe máy và ôtô trên xa lộ Hà Nội (đoạn qua P.An Phú, Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Bán bảo hiểm xe máy và ôtô trên xa lộ Hà Nội (đoạn qua P.An Phú, Q.2, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa

Các phương tiện lưu thông đều được chủ phương tiện mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Thế nhưng khi xảy ra sự cố, nhiều người không nắm được những quy trình, thủ tục bắt buộc để yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán các thiệt hại này.

Các đại lý bảo hiểm đua nhau hạ giá, khuyến mãi, thậm chí tràn ra đường bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với giá dưới giá sàn, trong khi chủ phương tiện mua loại bảo hiểm này chủ yếu để đối phó với cảnh sát giao thông nên khoản thu này như một loại “của để dành” của các công ty bảo hiểm.

Giá rẻ hơn quy định

Các công ty bảo hiểm đều cho biết rất ít khi nhận được yêu cầu đền bù của chủ các xe máy, hoặc nếu có cũng không đủ điều kiện theo quy định (phải có xác định đã xảy ra tai nạn, có thiệt hại cho bên thứ ba).

“Chủ phương tiện xe máy thường chủ động thỏa thuận với nhau khi có va chạm, tai nạn nên hầu như khoản thu từ phần bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc là một khoản “của để dành” của các công ty bảo hiểm” – giám đốc một công ty bảo hiểm thừa nhận.

Vừa xuống dốc cầu Sài Gòn (phía Q.2, TP.HCM), ngay bên tay phải trước khi rẽ vào đường Trần Não, có thể dễ dàng thấy ngay các bảng thông báo màu đỏ rực với nội dung bán bảo hiểm giá 10.000 đồng/năm bằng màu trắng nổi bật.

“Bảo hiểm một năm cho người thứ hai đi trên xe trị giá 20.000 đồng, em bán 10.000 đồng. Bảo hiểm bắt buộc cho người lái xe một năm 66.000 đồng, em bán chỉ có 55.000 đồng. Tổng giá trị là 86.000 đồng/năm, em giảm chỉ còn 65.000 đồng. Nếu anh mua hai năm phí là 172.000 đồng, nhưng em sẽ giảm chỉ còn 100.000 đồng” – anh thanh niên tên Tùng nhiệt tình giới thiệu khi thấy chúng tôi tấp vào.

“Sao anh không mua hai năm? Sẽ giảm nhiều hơn, tính ra năm thứ hai trị giá có 35.000 đồng/năm” – Tùng thuyết phục. Tùng cho biết đã bán bảo hiểm kiểu này được hơn một năm nay, mỗi ngày trung bình bán được 10 bảo hiểm với mức hoa hồng 16.000 đồng/bảo hiểm loại một năm.

“Nếu có tai nạn, anh liên hệ với bảo hiểm hoặc công an sẽ liên lạc với bảo hiểm để làm bảo hiểm cho anh. Nếu anh không mua bảo hiểm, đi ngoài đường bị cảnh sát giao thông kiểm tra sẽ bị phạt 100.000 đồng/lần” – Tùng nói.

Một chuyên gia bảo hiểm cho biết theo quy định, công ty bảo hiểm được phép chi hoa hồng với mức 20% (của 60.000 đồng), tức giá gốc của hợp đồng một năm là 48.000 đồng, nếu tính tiền thuế (4.800 đồng) trị giá là 52.800 đồng.

Như vậy, dù bán hợp đồng một năm với mức 55.000 đồng (đã bao gồm thuế), các đại lý vẫn có lời.

Tuy nhiên, phí bảo hiểm hai năm cho cả người thứ hai ngồi trên xe chỉ còn 100.000 đồng là sai theo quy định của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán quỹ bảo hiểm xe cơ giới vừa được ban hành.

Theo đó, Bộ Tài chính cấm các doanh nghiệp bảo hiểm khuyến mãi sản phẩm bảo hiểm xe máy bắt buộc dưới mọi hình thức.

Giám đốc marketing một công ty bảo hiểm cho biết trên thực tế, thay vì hưởng trọn tỉ lệ hoa hồng từ công ty bảo hiểm, các đại lý chi tối đa khoản này lại cho khách mua bảo hiểm để cạnh tranh. Ngược lại, đại lý sẽ được thưởng cao nếu đạt doanh số bán hàng.

“Thực tế không có nhiều khách hàng yêu cầu công ty bảo hiểm đền bù cho bên thứ ba khi xảy ra sự cố, mà việc mua loại bảo hiểm này chủ yếu để đối phó với cảnh sát giao thông mỗi khi bị yêu cầu dừng phương tiện và kiểm tra giấy tờ” – vị này chia sẻ.

Mua không biết dùng ra sao

Loay hoay lùi chiếc ôtô năm chỗ ngồi của mình trong hầm xe tại một trung tâm thương mại ở quận 1 (TP.HCM), bà V.N.T. đã va quẹt một chiếc ôtô đậu gần đó.

Sau khi gọi bảo vệ tầng hầm đến xác nhận sự cố, bà T. thông báo cho chủ xe bị nạn rằng mình sẽ thanh toán toàn bộ thiệt hại gây ra vì đã mua bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc.

Đến khi tiến hành các thủ tục đền bù khoảng 2 triệu đồng với công ty bảo hiểm, trường hợp của bà bị từ chối vì không có xác nhận tai nạn của công an (!?).

“Làm sao tôi có thể yêu cầu cảnh sát giao thông hay công an khu vực đến một tòa nhà, chui vào hầm đậu ôtô để xác nhận thiệt hại tai nạn do tôi gây ra?” – bà T. thắc mắc.

Khi thấy thủ tục nhiêu khê, bà T. đã rút lại yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình bởi chỉ “gần 2 triệu đồng mà mất công quá nên coi như bài học để cẩn thận hơn”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về trường hợp này, giám đốc công ty bảo hiểm cho biết bà T. đã gây thiệt hại cho một xe khác nằm trong phạm vi bồi thường trách nhiệm dân sự bắt buộc nên khi tiến hành bồi thường, công ty phải đảm bảo theo đúng quy định: phải có cơ quan chức năng xác nhận có lỗi đã xảy ra.

“Khi nhận hồ sơ, chúng tôi không có cơ sở để tiến hành bồi thường vì đây là lỗi gây ra cho bên thứ ba nên bắt buộc phải có xác nhận đã xảy ra lỗi gây thiệt hại do cơ quan công an chứng nhận” – vị này giải thích lý do từ chối bồi thường.

Giám đốc marketing một công ty bảo hiểm lớn cho biết khi khách hàng mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, một trong những yếu tố quan trọng nhất, theo quy định, trong hồ sơ yêu cầu bồi thường bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan chức năng.

Chẳng hạn, sự cố cháy phải có cảnh sát phòng cháy chữa cháy, tai nạn giao thông phải có xác nhận của cảnh sát giao thông.

Sự việc của bà T. tuy không thể yêu cầu cảnh sát giao thông đến xem hay lập biên bản vì sự cố đã xảy ra rồi, nhưng khách có thể mang bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường đến trụ sở công an phường nơi xảy ra tai nạn yêu cầu xác nhận.

Bà T. chỉ cần đến công an phường báo cáo tai nạn là hoàn tất thủ tục cần thiết. 

LÊ NAM