09/01/2025

10 NĂM “VƯỢT SÓNG” CÙNG CON – KỲ 3: Giáo án của mẹ

Dạy con biết nhưng rồi có lúc con quên hết mọi thứ. Tôi bắt đầu nghĩ ra việc phải soạn giáo án để dạy con.

 

10 NĂM “VƯỢT SÓNG” CÙNG CON – KỲ 3:  Giáo án của mẹ

 

 Dạy con biết nhưng rồi có lúc con quên hết mọi thứ. Tôi bắt đầu nghĩ ra việc phải soạn giáo án để dạy con. 

 

Chị Ninh với chiếc đai tập thở cho con ngày xưa - Ảnh: Tâm Lụa
Chị Ninh với chiếc đai tập thở cho con ngày xưa – Ảnh: Tâm Lụa

Quan trọng là từ lúc bắt đầu, con hoàn toàn trống rỗng. Có quá nhiều thứ phải dạy mà nếu không viết ra, có lẽ tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu.

Mỗi ngày ngủ 4 tiếng

Cùng với việc soạn giáo án, mỗi ngày tôi đều viết nhật ký cho con, ghi lại những điều con đã làm được và cảm xúc của mình. Viết là khoảng thời gian tôi thấy mình được đôi chút tĩnh tâm và đỡ bị căng thẳng.

Thêm một lý do vì tôi sợ rằng lỡ tôi không còn trên đời này nữa, không thể theo con trên hành trình này thì hi vọng có một ai đó sẽ đọc được cuốn nhật ký. Họ sẽ biết được rằng con đã học thế nào để tiếp tục dạy con.

Hoặc ít nhất để khi lớn lên, con sẽ biết được mình đã kiên cường vượt qua mọi thứ như thế nào.

Tôi soạn giáo án một tuần một lần và thường viết vào buổi tối. Tôi nhờ cô giáo mỗi ngày dạy con được gì, con học được gì đều phải viết vào một cuốn sổ.

Mỗi đêm khi làm xong hết việc nhà, cho con tắm rửa, ăn uống, tôi mới có thời gian kiểm tra lại những gì con được học trong ngày mà các cô đã ghi. Sau đó tôi xem lại băng camera thì mới yên tâm. Tôi ghi vào sổ những lưu ý đối với cô giáo cho việc học của con vào ngày mai.

Tôi thường đi ngủ vào 1-2g sáng và bắt đầu một ngày mới lúc 5g. Ngày ấy, tôi đã cắt phăng mái tóc dài của mình thành tóc tém để không phải quan tâm đến ngoại hình và có thời gian dành cho con nhiều hơn.

Dù đã có giáo án nhưng mỗi ngày, tùy vào việc con thích gì, hứng thú với điều gì mà tôi và các cô sẽ tập trung vào điều ấy. 3 tuổi, con được dạy từ những thứ cơ bản nhất: tập bò, tập trườn, tập thở, tập phản ứng, tập xoa bụng, chải đầu…

Để dạy con tiếng Việt, tôi đã tìm từ và cắt từ đó thành từng thẻ nhỏ hơn rồi ghép vần để con đọc. Ví dụ như nói từ “mèo”. Con đọc “eo”, “èo” rồi cả tháng tập mới nói được từ “mèo”. Tôi vỡ òa vì hạnh phúc.

Ngay cả lúc con nói được rồi thì chỉ những người thân thiết như tôi và các cô mới hiểu con nói gì. Cho đến trước khi học lớp 1, con vẫn nói ngọng và chưa rõ chữ. Nhưng không vấn đề gì, con biết nói và thích nói là tôi hạnh phúc rồi, còn lại sẽ tập dần cho con.

Con vẫn đi nhón gót như bước chân của vũ công ba lê, vẫn chúi hai tay về phía trước và ngã triền miên. Tôi bắt đầu dạy con những bước đi bình thường: phải đặt cả bàn chân xuống đất. Miệng nói, tay làm, tôi kéo bàn chân của con đưa lên, đặt xuống.

Ngày nào cũng tập như vậy. Những ngày nghỉ, cả hai mẹ con vật lộn suốt buổi sáng mới đi được trăm mét.

Tập mãi, tập mãi cho đến một ngày con cùng tôi đi ra chợ mà không nhón chân, không chúi người về phía trước, mắt con vẫn nhìn tán cây mà miệng vẫn lẩm nhẩm bài thơ mẹ dạy lúc tập đi: “Đưa chân trái lên nhé/Đánh cái tay phải đi/Bàn chân phải xinh xắn/Nối theo nhịp bước đi! Bàn tay trái mải miết! Đợi tôi với hãy đi”…

Không dám mệt mỏi

Có những ngày quá mệt mỏi, tôi không thể nào soạn giáo án cho con, cũng không biết phải tiếp tục dạy con như thế nào. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng và bế tắc. Vì con tiến lên quá chậm, học rồi nếu không nhắc lại và thực hành thì con sẽ quên ngay.

Tôi hoang mang không biết rằng con đường mình đi có đúng hay không. Cảm giác nhàm chán, tê liệt, mệt mỏi khiến tôi gần như muốn buông xuôi tất cả. Nhưng tôi biết mình không thể nào dừng lại, không được phép buông xuôi.

Tôi quyết định thay đổi cuộc sống để có thêm năng lượng: tôi xin nghỉ việc ở Kho bạc Nhà nước quận Thanh Xuân và xin vào làm ở một ngân hàng. Tôi đổi trường học cho con trai và đổi tên cho con gái.

Từ cái tên Phương Linh, tôi đổi tên con thành Phương Minh với hi vọng mọi thứ với con sẽ sáng sủa hơn. Tôi đổi từ căn nhà rộng 80m2 sang căn chưa đầy 30m2. Lúc đó tôi quyết định điều gì gia đình cũng đồng ý. Giống như người bị bệnh ung thư đi vái tứ phương và ai cũng mặc kệ.

Mất một thời gian khá dài để sắp xếp lại cuộc sống, tôi thấy mình có thêm năng lượng và đã có thể tiếp tục soạn giáo án cho con.

Tôi tranh thủ dạy con mọi lúc mọi nơi, từ ngoài đường, ngoài chợ, ngoài công viên. Tuần dạy con về nghề nghiệp, về bác xe ôm, chú công an, tôi đưa con ra đường, vừa gặp mọi người vừa giảng cho con hiểu.

Mọi người ở chợ không biết, cứ thấy tôi dẫn con ra dạy từ củ cà rốt, quả trứng gà rồi tập cho con phát âm những từ đó. Có người hỏi: “Cháu mới ở nước ngoài về à?”. Tôi mỉm cười gật đầu. Ai cũng nghĩ con ở nước ngoài về và đang học tiếng việt.

Từ đó, hễ cứ thấy hai mẹ con ra chợ là các cô vừa bán hàng vừa thay tôi dạy con cái này cái kia. Một thời gian sau, khi con đã nói được kha khá, mọi người còn khen: “Trẻ con học nói nhanh nhỉ”.

Mỗi tối trước khi đi ngủ con nói rất nhiều. Tuy chỉ là những câu do tôi và các cô dạy nhưng con biết nói đúng lúc đúng chỗ nên tôi thấy thật sự được động viên. Tôi ước sao con tôi không có “bệnh” mà chỉ là con chậm nói, nhưng con vẫn có những biểu hiện rõ rệt của “bệnh” nên tôi không dám mệt mỏi.

Những nỗ lực của mẹ con tôi và các cô giáo đã được đền đáp. Năm 2006, tôi không bao giờ dám nghĩ cả gia đình sẽ được ngồi ăn mâm cơm đủ người, không bao giờ được ngủ một đêm trọn vẹn vì con quấy khóc và nôn trớ nhiều quá.

Vậy mà tết năm 2007, sau một năm rưỡi kiên trì học tập, con đã rất ngoan. Con không còn nôn trớ, không khóc đêm, đã biết tự xúc cơm, tự chơi đồ hàng và tự kể chuyện trong khi chơi. Con đã biết thể hiện cảm xúc.

Với tôi đó quả thật là điều kỳ diệu. Có lẽ con biết tôi yêu con nhiều như thế nào và đã biết đền đáp cho tôi.

Tháng 12-2007, một người bạn của tôi từ Mỹ về chơi. Nhìn thấy Phương Minh, bạn có vẻ ngạc nhiên bảo: “Hơn một năm trước gặp thấy cháu còn trong tình trạng rất trầm trọng, vậy mà giờ cháu rất khá rồi”.

Bạn bảo tôi đừng đọc thêm bất cứ tài liệu gì nữa mà hãy dạy con theo phương pháp của mình. Tôi càng có thêm niềm tin để dạy và chiến đấu cùng con…

Trang giáo án ngày đầu dạy con của chị Hải Ninh - Ảnh: Tâm Lụa
Trang giáo án ngày đầu dạy con của chị Hải Ninh – Ảnh: Tâm Lụa

Cuộc đời đáng sống 

“20-3-2007
Bé yêu của mẹ!

Một năm trước đây (24-3-2006) mẹ bế con đến phòng khám của bác sĩ H. để nhận được một thang đánh giá tự kỷ với số điểm 41/60 và những lời định bệnh làm mẹ gần như không còn muốn sống.

Mẹ đã không thể bỏ con lại cho ai, mẹ đã không tin ai có thể nuôi con tốt hơn mẹ và hơn hết là mẹ yêu con vô cùng, hi vọng ở con quá nhiều… Mọi thứ ở con đã giúp mẹ bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn để tự quyết định.

Mẹ sẽ tự tay nuôi dạy con như mẹ vẫn muốn và hai mẹ con mình sẽ chiến thắng chứ không thể như lời bác sĩ nói. Chúng mình đã chiến thắng, con đạt 24,5 điểm (theo thang điểm CARS), đây là điểm mà mẹ biết chính xác với con.

Từ giờ trở đi mẹ biết chỉ mẹ mới có quyền chấm điểm và chấm chính xác cho con.

Một năm qua mẹ con mình đã gặp rất nhiều người tốt (cô Diệp, bác Yến, bác Mai Anh, cô Mai, cô Thùy)… Họ đã giúp mẹ tỉnh táo hơn để đấu tranh giành lấy con – vật báu của mẹ.

Mẹ biết con đã, đang và sẽ làm mẹ thấy cuộc sống là đáng sống. Mỗi một điều con biết thêm là một lần mẹ đáng sống. 9-6-2006, con biết nói từ đơn rồi từ đôi một cách rõ ràng và bây giờ (17-3-2007), con đã biết gọi: “Mẹ ơi, chị Thủy cấu vào mồm con này”.

Con biết mách rồi đấy. Tối qua đi bộ với mẹ con đã biết thắc mắc: “Sao lại bún cá, bún riêu cua chứ”. Biết thắc mắc, luôn đặt câu hỏi. Con đã làm mẹ bất ngờ, liên tục bất ngờ…”.

(Trích “Nhật ký con đã làm được”)