24/12/2024

Nông thôn bất an

Trong một bài viết bàn về các giải pháp để phát triển “tam nông” mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Cần coi trọng việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiên quyết phòng chống các tệ nạn, giữ vững sự bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và văn hóa cộng đồng ở nông thôn”.

 

Nông thôn bất an

 

Trong một bài viết bàn về các giải pháp để phát triển “tam nông” mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Cần coi trọng việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiên quyết phòng chống các tệ nạn, giữ vững sự bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và văn hóa cộng đồng ở nông thôn”.

 

Có lẽ người đứng đầu cơ quan lập pháp đã linh cảm về một sự bất an giăng mắc khắp vùng nông thôn của đất nước để đưa ra ý kiến có tính cảnh báo ấy. Thật vậy, nông thôn VN ngày nay đã không còn bình yên như trong những câu chuyện kể của người bà với đứa cháu những đêm trăng thanh nữa; mà trong mỗi nếp nhà, trong mỗi khu vườn, trong từng nông trại… đã bắt đầu xuất hiện những chỉ dấu bất an. Kẻ trộm với những cách thức hết sức táo tợn đã phá vỡ sự bình yên vốn có từ ngàn đời của nông thôn Việt.

Trộm cắp thì đời nào cũng có, nhưng nếu như trước đây mất mát chỉ dừng lại ở con gà, trái mít thì bây giờ người nông dân có thể trắng tay chỉ sau một đêm trộm đột nhập vào vườn cà phê, vườn cao su hoặc vườn nho của họ. Mới đây, kẻ trộm đã chuyển hướng sang nhổ hoa, không chỉ dăm bảy bó mà nhổ sạch cả vườn! Táo tợn hơn, bọn chúng đã dùng xe máy, thậm chí xe bán tải để cướp hoa giữa ban ngày của nhiều chủ vườn hoa Đà Lạt. Nhiều vườn hoa chỉ sau một đêm là tan nát như vừa trải qua một trận bão lớn. Ở tỉnh Kon Tum, bọn chúng còn buộc chủ các vườn cà phê phải chung chi tiền bảo kê thì chúng mới không “làm cỏ” rẫy cà phê của họ. Bọn trộm mủ cao su ở vùng Đông Nam bộ thì bắt chủ vườn phải để “xái” lại trong các bát mủ, nếu không chúng phá tan tành vườn cao su. Có cảm giác như kẻ trộm bây giờ chúng muốn gì cũng được, chả biết sợ ai vậy. Chính quyền gần như bất lực trước sự lộng hành ngày một gia tăng của bọn trộm này. Mỗi đêm, một tên trộm có thể kiếm được 1 – 2 triệu từ việc “vặt” cà phê trộm, thậm chí kiếm cả chục triệu từ việc nhổ hoa nhưng vẫn “an toàn”, vậy nên trộm cắp ngày một nhiều lên thì cũng không có gì là lạ cả.

Để tự cứu mình, người trồng cà phê đành thu hoạch trái non với phương châm “xanh trong nhà hơn già ngoài rẫy” hoặc “liên kết” giữa các chủ vườn, tự trang bị dao rựa để đánh trả kẻ trộm. Còn người trồng nho, thanh long thì… gài điện quanh vườn, một giải pháp mà nhiều chuyên gia nước ngoài “không thể hiểu nổi” với cách tự bảo vệ tài sản hết sức kỳ lạ và nguy hiểm này của người nông dân VN. Riêng với người trồng hoa thì chỉ còn một cách là… thức trắng đêm để canh trộm!

Thời gian qua, nhiều tập đoàn kinh tế và các chủ doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn VN và tư duy sản xuất của người nông dân nước ta thay đổi đáng kể. Thế nhưng, họ cũng không ngớt phàn nàn về tình trạng trộm cắp lộng hành buộc họ phải đầu tư chống trộm, khiến giá thành sản phẩm đội lên, làm giảm sức cạnh tranh. Nếu cứ để mặc kẻ trộm lộng hành mà vẫn cứ đổ thừa “khó quá”, “phức tạp quá” thì thật khó để có thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách căn cơ như kỳ vọng từ một chủ trương lớn trong chính sách “tam nông” mà nhà nước đã triển khai trong những năm qua.

Trần Đăng