16/01/2025

Ngày mai không còn vô định từ câu chuyện cổ tích tình yêu

Chàng trai bị liệt Lê Văn Thành (30 tuổi, nhân vật trong bài Mẹ, con và những ngày mai vô định,Tuổi Trẻ ngày 21-9-2013) đã không còn cô đơn.

 

Ngày mai không còn vô định từ câu chuyện cổ tích tình yêu

Chàng trai bị liệt Lê Văn Thành (30 tuổi, nhân vật trong bài Mẹ, con và những ngày mai vô định,Tuổi Trẻ ngày 21-9-2013) đã không còn cô đơn. 

“Bên nhau mỗi khi đớn đau, bên nhau đến suốt cuộc đời” - Ảnh: M.Hoa
“Bên nhau mỗi khi đớn đau, bên nhau đến suốt cuộc đời” – Ảnh: M.Hoa

Cơ duyên cuộc đời đã đưa một cô gái người dân tộc Vân Kiều từ Quảng Trị vào TP.HCM làm bạn cùng anh.

Gặp lại mẹ con bà Liên trong căn phòng cũ (trên đường 120, P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM), bà Liên vẫn bận đồ theo kiểu cũ, chiếc áo nâu của người già miền Trung đã sờn rách. Và Thành vẫn nằm đó. Nhưng trên gương mặt người mẹ đã thoáng nét cười, người con vừa tập thể dục cho đôi tay, vừa trìu mến nhìn cô gái đang lúi húi nấu cơm trưa ở góc phòng.

“Từ ngày Thành bị nạn, tôi chưa từng dám mơ sẽ có con dâu út. Nửa năm nay, nó chăm chút cả hai mẹ con tôi từng tí một, từ chuyện vệ sinh, giặt giũ, cơm nước. Ban đêm tôi không còn phải dậy trở mình cho Thành nữa vì đã có con dâu làm rồi” – bà Liên cười hạnh phúc.

Không ai nói trước được ngày sau, nhưng tôi nguyện ở bên Thành cho đến ngày một trong hai chúng tôi không còn nữa
Chị Hồ Thị Nga

Tình yêu của cô gái chân voi

Nghe bà Liên nói vậy, chị Hồ Thị Nga (37 tuổi, “con dâu út” của bà Liên) hơi thẹn. Chị vẫn chưa dám nhận danh xưng ấm áp này. Chị nói mình chỉ như một tình nguyện viên, thương Thành là người tình cảm, có duyên mà số phận lại thiệt thòi nên tìm đến.

Chị Nga (ở thôn Húc Ván, xã Húc, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) mắc bệnh chân voi từ nhỏ, không làm được việc nặng. Mẹ và anh trai mở giúp chị một tiệm cắt tóc nhỏ ở nhà.

Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, trong một lần tình cờ lên mạng, chị Nga đọc được bài viết về Thành. Cảm thương chàng trai bệnh tật, cô đơn, chị nhắn tin làm quen.

“Nhắn qua nhắn lại, thấy Thành cũng lanh lợi, biết quan tâm. Dịp tết, tự nhiên không thấy Thành liên lạc nữa, mình nghĩ cái cậu này chắc bệnh nặng quá “tiêu” rồi.

Mồng 8-3, Thành gọi điện chúc mừng. Nghe giọng nói mình nhận ra ngay. Từ đó, cứ mỗi khi không nhận được tin nhắn hay cuộc gọi của Thành, mình lại thấy nhớ”, chị Nga kể.

Chị âm thầm nuôi ý định vào Nam một chuyến để “làm bạn lâu dài” với Thành. Chị chỉ nói cho một đứa cháu nhỏ và một người bạn biết chuyện. Ai cũng sợ chị bị lừa. Nhưng chị vẫn tin. Thành gọi, giọng buồn bã: “Em không vào nữa phải không? Anh chờ em mà không thấy”. Thế là chị đi.

Một chiều cuối tháng 3, trời miền Trung lạnh cắt da cắt thịt. Chị gói vài bộ đồ rồi đón xe lên TP Đông Hà, Quảng Trị. Đứng run cầm cập bên đường suốt năm tiếng không đón được xe vào Nam.

Cô gái người Vân Kiều chưa từng rời khỏi làng quê ấy bắt đầu thấy sợ, mếu máo. Mấy người chạy xe ôm ở bến xe Đông Hà thấy thương, đón giùm chị một chiếc xe giường nằm. Hai ngày sau, chị ngơ ngác đặt chân xuống bến xe miền Đông. Thành, khi đó đang nằm ở viện điều trị. Theo hướng dẫn của anh, chị đi xe ôm tới bệnh viện.

Líu ríu bước chân vào phòng bệnh, chị Nga sững sờ: “Sao lại thế này?”. Dù đã biết trước, đã xem hình trên mạng, nhưng chị vẫn không hình dung ra được.

Thành nằm đó, bất động. Cơ thể nhỏ xíu, phần dưới chỉ đắp hờ một tấm chăn mỏng. Còn Thành, nhìn thấy cái chân phải “đồ sộ” của chị cũng hơi sững người. Hai người cứ thế nhìn nhau, chẳng nói được lời nào.

Suốt đêm hôm đó, chị Nga không dám ngủ. Chị nằm im thin thít nhìn bà Liên cứ hai tiếng một lần dậy trở mình cho con, giúp con đi vệ sinh, thay rửa. Chị càng sợ.

Những ngày sau đó, cứ đến bữa ăn bà Liên lại mua một suất cơm bệnh viện giá 20.000 đồng để ba người ăn chung. Chị đói muốn xỉu nhưng không dám ăn, nghĩ đến những tháng ngày sắp tới nếu mình ở bên Thành chẳng biết sẽ ra sao.

Tiền không có. Thành thì quá yếu ớt so với tưởng tượng của chị. Một thời gian rất lâu sau, chị Nga mới dám gọi điện về nhà kể rõ sự tình với mẹ.

Bên nhau đến suốt cuộc đời

Vậy mà nửa năm đã trôi qua. Bây giờ chị Nga đã đảm nhận hết phần công việc trước đây của bà Liên. Cặp đôi còn nghĩ cách kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Sáng thứ bảy, chủ nhật chị đẩy chiếc xe lăn của anh Thành đi bán vé số. Gần trăm tấm vé sang lại của những người bán vé số khác, hai người bán hết veo, rồi ghé chợ gần nhà mua rau, thịt… về nấu cơm trưa.

Cuộc sống của mẹ con anh đã có một sự thay đổi lớn kể từ ngày chị Nga xuất hiện. Căn phòng nhỏ ngập tràn tiếng cười, tiếng nói. Anh Thành tập cách cài chiếc muỗng vào bàn tay trái co quắp để tự xúc cơm ăn, không phiền ai nữa.

Anh cứ líu lo những câu nói bằng tiếng Vân Kiều mà chị Nga dạy. Bà Liên không còn phải thức đêm, chỉ phụ chị Nga làm những công việc nhà nên khoẻ ra và không còn bệnh vặt.

Còn chị Nga nói rằng mình hạnh phúc, dù Thành và chị thể chất đều yếu đuối, nhưng tình cảm của anh và mẹ làm chị cảm thấy được yêu thương, ấm áp như ở nhà mình.

Đẩy xe lăn đưa anh Thành đi bán vé số, bên chân phải chị sưng lên, nhức buốt, nhưng chị vẫn thấy chặng đường đó thật vui.

Anh Lê Văn Dỵ, anh trai lớn của Thành, chia sẻ: “Nửa năm qua chắc hai em cũng đã hiểu về hoàn cảnh của nhau và chấp nhận được nhau rồi.

Thời gian tới, nếu cô Nga đồng ý, tôi sẽ thay mặt gia đình về thăm nhà cô ở Quảng Trị và thưa chuyện với gia đình bên ấy”. Biết được câu chuyện này, trong buổi sáng 16-10, đoàn cán bộ khu phố 2 và phường Tân Phú đã tới thăm, động viên gia đình anh Thành.

 

Ông Trần Công Hiếu, phó chủ tịch UBND P.Tân Phú, đã lắng nghe nguyện vọng của anh Thành và hứa sẽ cố gắng sắp xếp một vị trí tốt để anh Thành bán vé số.