28/11/2024

Đặt tên người: để xã hội tự lo

Xây dựng khung pháp lý cho việc đặt tên người là đề xuất được một số đại biểu Quốc hội đưa ra trong khuôn khổ thảo luận về dự thảo Luật hộ tịch và căn cước công dân.

 

Đặt tên người: để xã hội tự lo

Đặt tên người như thế nào là vấn đề của xã hội tự quản, xã hội có thể tự giải quyết mà không cần sự can thiệp của quyền lực công.

 

Với tình yêu dành cho bóng đá, người cha đã đặt tên hai con là Nguyễn Pê Lê và Nguyễn La Tô – Ảnh: Quang Định

Xây dựng khung pháp lý cho việc đặt tên người là đề xuất được một số đại biểu Quốc hội đưa ra trong khuôn khổ thảo luận về dự thảo Luật hộ tịch và căn cước công dân.

Lý do của đề xuất này là cần có vai trò của nhà chức trách để ngăn chặn việc đặt những tên kỳ cục, phản cảm, có thể gây phiền phức, thậm chí tổn thương cho người mang tên và nhiều hệ lu xã hội tiêu cực khó lường.

Đặt tên người đúng là việc tế nhị, tiềm ẩn nhiều rủi ro sinh chuyện bê bối. Không riêng ở VN, ở các nước, người ta cũng đứng trước thách thức này.

Bởi vậy cách nay hơn 200 năm, ở Pháp có luật chỉ cho phép đặt tên người từ hai nguồn: tên dùng trong các niên lịch và tên của các nhân vật trong lịch sử. Do luật này mà trong một thời kỳ dài, người Pháp mang tên giông giống nhau – Pierre, Paul, Jacques… – khó phân biệt.

Thấy bất tiện, xã hội tìm cách này cách nọ để đối phó, theo thời gian, những gò bó của luật dần dần bị vô hiệu hoá. Ngày nay, toà án không theo luật này nữa mà chỉ đòi hỏi việc đặt tên phải vì lợi ích của người mang tên.

Nếu thấy cha mẹ đặt tên kỳ cục cho con, viên chức hộ tịch có quyền từ chối ghi tên đó; rồi sẽ có một vụ kiện và rốt cuộc, có thể toà án sẽ chủ động đặt một tên bình thường cho trẻ và yêu cầu cơ quan hộ tịch ghi vào giấy khai sinh.

Kinh nghiệm của Pháp cho chúng ta một bài học: sẽ là sai lầm nếu nói rằng trật tự xã hội chỉ có thể được bảo đảm bằng luật. Có những hoạt động giao tiếp, ứng xử về bản chất không có tính pháp lý; chẳng hạn không ai mời nhau đi ăn tối, yêu nhau, kết bạn, hoặc cãi nhau theo pháp luật.

Có những quan hệ xác lập theo quy ước, lề thói và nhà chức trách không can thiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu xâm phạm trật tự công, lợi ích chung; đặt tên người được cho là loại quan hệ thuộc nhóm này. Rõ hơn, đặt tên người như thế nào là vấn đề của xã hội tự quản, được xã hội tự đặt ra và tự giải quyết.

Không phải không có những rủi ro đã, đang và sẽ xảy ra trong việc đặt tên, tạo thành sự cố. Chuyện một người mang tên họ Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi trong nhiều năm, được báo chí đưa tin và gây xôn xao dư luận trước đây, là một ví dụ. Song đó là trường hợp cá biệt. Vả lại, nếu bị đặt tên xấu hoặc không vừa ý thì người ta có thể xin sửa.

Hình dung xã hội như một cơ thể sống, thì những nguy cơ gây mất trật tự là những căn bệnh cần phòng ngừa, xử lý. Trong chừng mực nào đó, có thể coi các liệu pháp y khoa để trị bệnh cũng giống như sự can thiệp của luật pháp để trấn áp các hành vi nguy hiểm cho xã hội, cộng đồng.

Điều cần nói là không phải bệnh nào cũng cần đến vai trò của bác sĩ, cũng như không phải rủi ro, hiểm họa nào đối với xã hội cũng cần đến vai trò của luật pháp.

Có những bệnh mà tự cơ thể người có khả năng đề kháng hoặc bản thân người bệnh có đủ kiến thức để tự điều trị, cũng như có những vấn đề rắc rối xã hội có thể tự giải quyết mà không cần sự can thiệp của quyền lực công.

Nếu bệnh nào cũng bác sĩ, cũng can thiệp y khoa, thì cơ thể sẽ mất khả năng tự đề kháng. Nếu vấn đề xã hội nào cũng phải được giải quyết bằng luật, thì xã hội sẽ có nguy cơ mất khả năng tự thân vận động, bởi dù việc lớn hay nhỏ đều phải chờ quy định, hướng dẫn, chỉ dẫn của nhà chức trách công.

Chưa nói nguy cơ xã hội nhờn luật, như người bệnh nhờn thuốc, là không tránh khỏi.